Bài giải gợi ý đề văn THPT Quốc gia 2017
Mời bạn đọc xem bài giải gợi ý môn Văn THPT Quốc gia 2017. Theo nhiều thí sinh, đề này "dễ thở".
Ảnh: Thu Trang
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là nghị luận
Câu 2:
Theo tác giả, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ để có sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn khiến người thấu cảm hiểu được những suy nghĩ của người khác, cảm được những cảm xúc của người khác, tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.
Câu 3:
Hành vi của đứa trẻ 3 tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích là những biểu hiện sống động của sự thấu cảm, nói lên sự cảm thông, ý muốn sẻ chia của họ trước nỗi buồn, nỗi đau của người khác.
Câu 4:
Em rất đồng tình với ý kiến: Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Bởi vì khi có sự thấu cảm, người ta dễ dàng có sự quan tâm, cảm thông cũng như có ý muốn chung vui, sẻ chia nỗi buồn của người khác (một trong những biểu hiện của lòng trắc ẩn).
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Yêu cầu chung
- Đảm bảo đúng yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.
- Câu này kiểm tra năng lực viết một đoạn văn nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải kết hợp được những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng của mình để làm bài. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc thể hiện bố cục hoàn chỉnh của một bài văn nghị luận (có đủ mở bài, thân bài, kết bài; thân bài phải bao gồm nhiều đoạn văn), cách hành văn, chính xác và sinh động. Đồng thời phải đáp ứng đúng và đầy đủ yêu cầu về luận đề và nội dung.
- Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Câu 2 (4,0 điểm)
Yêu cầu chung:
- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề;
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận;
- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
Bằng lời trò chuyện tâm tình với một nhân vật đối thoại tưởng tượng, tác giả đã diễn tả khái niệm Đất nước theo cách riêng của mình:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất nước là nơi ta hò hẹn
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
Nước là nơi con cá ngư ong móng nước biển khơi
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất nước không chỉ được cảm nhận trong không gian hùng vĩ, mênh mông của rừng, của bể, mà còn được cảm nhận bởi không gian sinh hoạt bình thường của mỗi người, không gian của tình yêu đôi lứa, của nỗi nhớ thương.
Ý niệm về đất nước được gợi ra từ việc chiết tự hai yếu tố hợp thành là đất và nước cùng những liên tưởng được gợi ra từ đó. Sử dụng lối chiết tự, trò chơi ngôn ngữ rất thông minh của người Việt, tác giả gợi ra một quan niệm mang những đặc điểm riêng của dân tộc, đất nước.
Đất nước gắn bó sâu sắc với kỉ niệm ấu thơ êm đềm của mỗi người dân Việt. Đất là con đường đến trường dưới bóng mát, nước là dòng sông tuổi thơ ngọt ngào. Đất mở ra cho anh một chân trời rộng mở kiến thức, nước gột rửa tâm hồn em trong sáng, dịu hiền. Để rồi lớn lên, Đất nước là nơi “anh” và “em” hò hẹn, để rồi “đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”.
Câu thơ lấy ý từ bài ca dao quen thuộc: “Khăn thương nhớ ai - Khăn rơi xuống đất - Khăn thương nhớ ai - Khăn vắt trên vai”. Chiếc khăn, có lẽ từ lâu đã trở thành một biểu tượng cho nỗi nhớ, đã khiến cho bao trái tim trẻ phải bâng khuân trong bài ca dao thuở xưa, thì giờ đây, nó lại một lần nữa khiến cho lòng người bồi hồi, xúc động trước tình cảm chân thành của những tâm hồn yêu thương say đắm.
Với họ, Đất nước chính là nơi bắt đầu của tình yêu đôi lứa, là không gian để họ gửi vào trong đó bao nỗi nhớ, niềm thương. Một cách nhìn lãng mạn và mới mẻ của lớp nhà thơ trẻ!
Đất nước còn là không gian rộng lớn, kì vĩ của núi rộng, sông dài, là nơi trở về của những tâm hồn thiết tha với quê hương. Hình ảnh “con chim phượng hoàng” hay “con cá ngư ông” là những hình ảnh mượn từ dân ca Huế, quê hương của chính nhà thơ.
Đất nước bình dị, quen thuộc nhưng đôi lúc cũng rộng lớn, kì vĩ và tráng lệ vô cùng, nhất là đối với những người đi xa. Dù “Chim ham trái chín ăn xa” thì cũng “giật mình nhớ gốc cây đa lại về”. Gia đình người Việt cũng thế, dù có ở phương trời nào, cũng luôn hướng về quê hương, nguồn cội.
Đất nước còn gắn liền với “không gian mênh mông” và “thời gian đằng đẵng”, là nơi sinh tồn của bao thế hệ nối tiếp nhau. Từ láy “đằng đẵng” gợi một chuỗi thời gian dài trong quá khứ xa xăm, kéo dài từ thuở mới khai thiên lập địa cho đến hôm nay và mãi mãi trong tương lai.
Dù là bất kì lúc nào, đất nước cũng là mảnh đất thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, nơi họ gắn bó, đoàn tụ. Chỉ với 6 câu thơ, hình ảnh Đất nước đã hiện ra vừa gần gũi, bình dị, vừa bao la, hùng vĩ, thiêng liêng, gợi biết bao mến yêu, xúc động trong lòng đọc giả hằng bao thế hệ.
Tiếp tục mạch suy tưởng, tác giả tiếp tục cảm nhận về đất nước với một huyền thoại đẹp của dân tộc, trong chiều dài của thời gian lịch sử:
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Bốn câu thơ mở ra một cội nguồn cao quý của dân tộc, mỗi chúng ta đều mang trong mình một dòng máu, là sự kết tinh vĩ đại của cha rồng và mẹ tiên.
Câu thơ gợi nhắc truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” như đánh thức cội nguồn dân tộc trong trái tim của mỗi người dân Việt. Hình ảnh bọc trứng với hai chữ “đồng bào” vang lên sao mà thiết tha, xúc động. Như một lời nhắn nhủ sâu sắc: mỗi chúng ta, dù ở đâu trên khắp mọi miền đất nước, trong 54 dân tộc, thì cũng là anh em ruột thịt, cùng nở ra từ bọc trăm trứng, phải luôn yêu thương, gắn bó, san sẻ cùng nhau, góp phần dựng xây quê hương, đất nước.
Trong chiều dài thời gian lịch sử của Đất nước, mỗi người dân sẽ không quên cội nguồn, không quên công ơn của các vua Hùng đã có công dựng nước:
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.
Từ nhỏ, mỗi ai trong chúng ta cũng từng được dạy:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”
Mượn ý từ câu ca dao trên để rồi làm mới nó, nhà thơ tiếp tục dựng nên một hình tượng đất nước gắn với thời gian xa xôi của những vị vua đầu tiên trong lịch sử, gợi nhắc, gợi nhớ một phong tục đáng quý của nhân dân: Hằng năm, dù bôn ba ở tận chốn nào, người dân Việt Nam cũng hướng về đất Tổ, để nhớ về nguồn cội, về dòng giống Rồng Tiên của mình.
Hình ảnh “cúi đầu” không chỉ là cử chỉ, mà còn là thái độ thành kính, tình cảm thiêng liêng của các thế hệ con cháu đối với tiền nhân: những người có công dựng nước và mở nước, đặt nền mống cho dáng hình Đất nước hôm nay.
Dùng một thần thoại tiêu biểu và một truyền thống lâu đời, NKĐ đã gợi được hồn thiêng sông núi của Tổ quốc một cách trang trọng, thiêng liêng. Đất nước chính là sự nối tiếp của phong tục, sự giữ gìn ý thức về tổ tiên và nguồn cội. Những câu thơ gợi vẻ đẹp đất nước trong lịch sử mấy ngàn năm vừa chân thực, vừa lấp lánh huyền thoại, đánh thức tình cảm trong đáy tâm linh người Việt.
Nhắc đến quá khứ, để khẳng định, và cũng để nhắc nhở:
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Quá khứ, hiện tại, tương lai đã gắn kết trong một ý thức cộng đồng bền chặt, là nguồn sức mạnh và cũng là phẩm chất tâm hồn dân tộc đã được nhà thơ lý giải qua những hình tượng thơ giàu tính thẩm mỹ. Thời gian lịch sử, không gian văn hoá hoà quyện trong mạch thơ đầy ân tình đã phác hoạ rõ nét dần tượng đài Đất nước.
Đất nước giờ đây là sự nối tiếp của các thế hệ, gắn liền với sự kế thừa, biết ơn đến sự hi sinh của “những ai đã khuất”, với trách nhiệm của những người ở lại, tiếp tục “gánh vác phần người đi trước để lại”, cũng là gắn liền với sự răn dạy đối với thế hệ mai sau.
Trải qua bốn nghìn năm, Đất nước cũng đã trải qua biết bao nhiêu thế hệ, thế hệ lại nối tiếp thế hệ, tiếp tục dựng xây, phát triển đất nước. Câu thơ như một lời kể, lại như một lời nhắc nhở chân thành, đầy ẩn ý về trách nhiệm của mỗi con người, là giữ gìn và phát triển, truyền lại cho thế hệ sau những di sản văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc.
Lời thơ nhẹ nhàng, tha thiết, như chính tác giả cũng đang dặn lòng mình, nhắc mình không quên cội nguồn, dân tộc.
Ý thơ thật giản dị, không hề gượng ép mà cũng đầy tinh tế, hàm súc. Đất nước hàm chứa trong mỗi cá nhân, trong anh, trong em, trong mỗi chúng ta; bởi mỗi cá nhân khi sinh ra đều mang trong mình một dòng máu của quê hương. Cái “hài hòa nồng thắm” như gợi nhớ đến sự thăng hoa của tình yêu, kết quả ngọt ngào của mối tình nhỏ bé.
Đặt tình yêu bên cạnh đất nước, nhà thơ như muốn khắc sâu sự hòa hợp giữa cái riêng và cái chung, giữa tình yêu lứa đôi và tình yêu đất nước. Bởi khi mỗi con người hạnh phúc, Đất nước sẽ thật sự trở nên lớn mạnh.
Nếu ở những câu thơ trên, Đất nước chính là không gian bắt đầu của tình yêu, của nỗi nhớ, thì giờ đây, chính tình yêu của “anh” và “em” đã làm cho đất nước thêm đẹp tươi, thơ mộng. Cái riêng hòa hợp trong cái chung, cái chung nâng tầm cho cái riêng phát triển.
MINH GIẢNG ghi
Theo TTO