Xét tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV:
Động viên văn nghệ sĩ cống hiến sáng tạo
Sở VH-TT&DL vừa công bố 53 tác phẩm và cụm tác phẩm văn hóa, nghệ thuật được xét tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV (2006-2010). Đây là sự ghi nhận thiết thực đối với hành trình cống hiến, sáng tạo của văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Mở rộng thể loại
Giải thưởng Đào Tấn- Xuân Diệu lần này có một số quy định mới, quy trình xét tặng rõ ràng và cụ thể hơn. Ông Dương Tấn Sinh- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng xét tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV, cho biết: “Hội đồng xét tặng giải thưởng có sự tham gia của một số người có uy tín trong lĩnh vực văn học nghệ thuật ngoài tỉnh. Thể loại xét tặng giải thưởng cũng được mở rộng”.
Trong 53 tác phẩm và cụm tác phẩm thuộc 6 thể loại được xét tặng (19 giải A, 21 giải B, 13 giải Khuyến khích), lĩnh vực văn học tiếp tục thể hiện sự áp đảo, với 23 tác phẩm được chọn trao giải, trong đó có đến 6 giải A. Thể loại văn nghệ dân gian cũng được ghi nhận nhiều khi có đến 3 giải A trong 6 tác phẩm được xét chọn trao giải thưởng.
Lần xét tặng này đã được mở rộng hơn về quy mô. Đối với thể loại nhiếp ảnh, trước đây chỉ xét tặng đối với ít nhất một cuộc triển lãm ảnh, hoặc một tập ảnh của cá nhân hay tập thể đã được xuất bản ít nhất là 30 bức ảnh, nay điều kiện xét tặng nhiếp ảnh được mở rộng hơn - là công trình, hoặc tác phẩm được giới thiệu rộng rãi, ít nhất là cụm 5 ảnh đã được giải thưởng từ cấp tỉnh trở lên hoặc được triển lãm cấp khu vực, toàn quốc; hoặc một cuộc triển lãm ảnh (được cơ quan có thẩm quyền cấp phép) có 20 ảnh trở lên; hoặc 1 tập sách ảnh được xuất bản gồm 30 bức ảnh trở lên. Vì vậy, thể loại này đã có 9 tác giả được xét tặng 3 giải A, 4 giải B, 1 giải Khuyến khích.
Động lực cho sáng tạo
Được tổ chức 4 năm/lần, Giải thưởng Đào Tấn- Xuân Diệu thực sự đem đến nhiều niềm vui cho các văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Hơn hết, đó còn là sự ghi nhận đóng góp sáng tạo của các văn nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa cao tuổi.
Ở tuổi 81, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân rất vui khi niềm đam mê và sự cống hiến của mình đã được ghi nhận bằng giải A cho tác phẩm “Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền”. Ông chia sẻ: ““Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền” đã được Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản 2.000 cuốn để cung cấp cho các thư viện trong nước và gửi ở thư viện nhiều nước. Giờ, tác phẩm này lại được trao giải A Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu, niềm vui như được nhân lên”.
Còn những cống hiến bền bỉ cho nhiếp ảnh tỉnh nhà của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Chai (77 tuổi) cũng được ghi nhận với giải B Giải thưởng Đào Tấn- Xuân Diệu cho cụm 6 tác phẩm màu, đen trắng. Ông tâm sự: “Giải thưởng rất có ý nghĩa đối với những nghệ sĩ cao tuổi như tôi trong hành trình sáng tạo nghệ thuật”.
Trong số nhiều nhà văn, nhà thơ được xét tặng Giải thưởng Đào Tấn- Xuân Diệu lần IV, Lê Ân tự nhận là người vui nhất, hạnh phúc nhất. “Chưa phải là hội viên của Hội VH-NT tỉnh, những năm qua các sáng tác thơ của tôi vẫn được bạn bè đồng cảm, chia sẻ. Càng bất ngờ hơn khi hay tin tập thơ “Nghe phù du hát” được xét tặng giải B. Đây là nguồn động viên để tôi ra mắt tập thơ mới trong thời gian tới”, Lê Ân chia sẻ.
Dù không nhiều, nhưng việc tăng mức giải thưởng lên 20 triệu đồng cho giải A (mức cũ 12 triệu đồng), 12 triệu đồng cho giải B (mức cũ 8 triệu đồng), 5 triệu đồng cho giải Khuyến khích (mức cũ 3 triệu đồng) cũng hỗ trợ thêm cho các văn nghệ sĩ trong sáng tạo và phổ biến tác phẩm đến với công chúng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trà Thanh (Phù Mỹ), đạt giải B với cụm 8 tác phẩm ảnh màu và đen trắng, cho biết: “Nhiều năm qua, tôi vẫn chơi ảnh bằng máy cũ. Giờ có giải thưởng, tôi sẽ đầu tư mua một máy ảnh tốt hơn để thỏa niềm đam mê với những khoảnh khắc”.
HOÀI THU