Công bố kết quả thẩm định tàu cá vỏ thép hư hỏng: Ðúng - sai đã rõ
Hàng loạt sai sót của các doanh nghiệp đóng tàu và cơ quan đăng kiểm đã được chỉ ra, tại hội nghị công bố kết quả thẩm định chất lượng tàu cá vỏ thép theo yêu cầu, kiến nghị của ngư dân, do Sở NN&PTNT tổ chức hôm 22.6. Ðơn vị đóng tàu và cơ quan đăng kiểm đã nhận sai và cam kết khắc phục.
Tại hội nghị công bố kết quả thẩm định, ngư dân Trần Đình Sơn, ở xã Mỹ An (Phù Mỹ), chủ tàu BĐ 99245 TS đề nghị cơ sở đóng tàu sớm khắc phục máy tàu cá bị hư hỏng.
Kết quả cụ thể, rõ ràng
Kết quả thẩm định cho thấy, đối với phần vỏ tàu, có 5 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng dùng thép có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc và 12 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng dùng thép xuất xứ Hàn Quốc.
“Chúng tôi đã ký hợp đồng với Công ty TNHH ô tô Đông Hải cung cấp máy Doosan và Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát cung cấp máy Mitsubishi để lắp đặt cho tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định. Hợp đồng giữa Công ty với đơn vị cung cấp máy đúng theo hợp đồng với ngư dân tỉnh Bình Định là cung cấp động cơ máy thủy Mitsubishi mới 100% và thực hiện đúng quy trình giao nhận hàng. Tuy nhiên, kết quả của tổ thẩm định công bố đã rõ, trách nhiệm cung cấp máy không theo đúng hợp đồng là do Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát. Công ty TNHH MTV Nam Triệu cam kết phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bình Định khắc phục toàn bộ sự cố đối với các tàu cá do Công ty thực hiện trong thời gian sớm nhất”
Ông NGUYỄN HỮU HÙNG, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu
Về phần máy tàu, có 9 máy chính tàu hiệu Mitsubishi MPTA (5 máy S6R2-MPTA công suất 940 HP và 4 máy S6R-MPTA công suất 811 HP), các chi tiết: Bộ sinh hàn giải nhiệt khí bằng nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống ống dẫn giải nhiệt đã gia công lại... Các chi tiết nói trên đi kèm với động cơ không đồng bộ và không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy của hãng Mitsubishi. Hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có model và công suất như ghi trên decal máy. Hầu hết các máy chính này đều hoạt động không ổn định. Ngoài ra, có 3 máy chính tàu hiệu Doosan 4VV222TIM, công suất 880PS, các động cơ chính Doosan kết cấu đồng bộ của động cơ thủy, nhưng trong quá trình hoạt động không ổn định, động cơ bị nóng. Qua kiểm tra hồ sơ, tổ thẩm định phát hiện cả 3 máy có sự sai lệch về ký hiệu máy giữa hồ sơ (4V222TIM) và thực tế (4VV222TIM).
Cũng theo Tổ thẩm định của tỉnh, đối với các máy chính lắp trên các tàu cá do Công ty TNHH Nam Triệu thực hiện, Chính phủ quy định phải là máy thủy mới 100%, nhưng quá trình kiểm tra tại hiện trường trước và sau khi lắp đặt máy, các đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận chất lượng, chứng nhận thí nghiệm máy của nơi sản xuất và không quan sát kỹ các chi tiết không đồng bộ với máy thủy.
Đối với máy phụ, kết quả kiểm tra thực tế và đối chiếu hồ sơ của 25 máy phụ được lắp trên 17 tàu vỏ thép (trong đó có 10 máy hiệu Mitsubishi Nhật Bản; 9 máy hiệu Doosan Hàn Quốc, kiểu máy AD126TIF/206kW; 4 máy hiệu Cummins CTA 83-G2; 2 máy không có nhãn mác, chỉ đóng số chìm), cho thấy có 1 máy phụ hiệu Cummins do Trung Quốc sản xuất có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ ghi máy lắp ráp tại Singapore; 2 máy phụ không có nhãn mác ghi thông số động cơ, chỉ có dòng số đóng chìm. Đáng chú ý là 3 máy phụ Cummins hoạt động không ổn định, nổ không đều và đôi khi tắt trong quá trình khai thác; 1 máy phụ Mitsubishi bị vỡ thân máy, không thể hoạt động được, 1 máy phụ Mitsubishi bị hỏng. Ngoài ra, nhiều trang thiết bị hàng hải, đèn cao áp, hầm bảo quản sản phẩm trên nhiều tàu cá vỏ thép cũng bị hư hỏng...
Tổ thẩm định của tỉnh yêu cầu các đơn vị, cơ sở đóng tàu trả lời câu hỏi của ngư dân và các cơ quan báo chí liên quan đến chất lượng, trách nhiệm và giải pháp khắc phục sự cố tàu cá bị hư hỏng.
Cơ quan kiểm định và doanh nghiệp đóng tàu thừa nhận sai sót
Sau khi công bố kết quả thẩm định chất lượng tàu cá, Tổ thẩm định đề nghị Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay mới toàn bộ 10 máy chính không đồng bộ (5 máy S6R2-MPTA và 5 máy S6R-MPTA), kể cả máy của ông Lê Hoài Thanh (Hoài Thanh, Hoài Nhơn) chưa được thẩm định nhưng cũng trang bị máy chính S6R-MPTA. Thay mới máy chính Doosan cho tàu cá của ngư dân Trần Đình Sơn (Mỹ An, Phù Mỹ) và bổ sung các tài liệu chứng minh về sự khác biệt ký hiệu máy giữa hồ sơ (4V222TIM) và thực tế (4VV222TIM) của 3 máy chính hiệu Doosan; khắc phục, sửa chữa các máy phụ bị hư hỏng.
“Chúng tôi kiểm tra hồ sơ, xuất xứ máy móc, thiết bị tàu cá và kiểm tra thực tế lắp đặt, kể cả khi tàu cá chạy thử, có giám định chất lượng của cơ quan giám định chất lượng độc lập. Tuy nhiên đã có sự sai sót của các đăng kiểm viên, khi chưa xem xét kỹ thực tế, trong khi máy được làm giả rất tinh vi, nên khó phát hiện thật - giả. Để xảy ra những sự cố đáng tiếc vừa qua, rõ ràng chúng tôi có trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm định an toàn kỹ thuật tàu cá của ngư dân. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của tổ thẩm định của tỉnh và kiểm điểm các đăng kiểm viên có liên quan”
Ông ĐÀO HỒNG ĐỨC, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Bộ NN&PTNT)
Đối với phần vỏ tàu bị rỉ sét, Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải làm sạch bề mặt và sơn lại một phần hoặc toàn bộ tàu theo đúng quy trình bảo dưỡng tàu vỏ thép. Trường hợp các tàu đã kiểm tra phần tôn vỏ không đạt thép cấp A thì kiểm tra và đánh giá lại toàn tàu, thay thế lại các phần tôn vỏ không đạt thép cấp A. Nếu các vỏ tàu đã thay thế thép Trung Quốc nhưng đảm bảo thép cấp A, chủ tàu và cơ sở đóng tàu đồng ý thì cơ sở đóng tàu phải trả lại chênh lệch giá thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản so với thép Trung Quốc cho chủ tàu. Mặt khác, tiếp tục trưng cầu giám định và tham khảo tài liệu, ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan đến các mẫu thép có 4 thành phần hóa học (C, Si, P, S) đạt theo chuẩn của thép A, 1 thành phần hóa học Mangan không đạt theo tiêu chuẩn loại thép thường cấp A theo QCVN 21:2010/BGTVT để có kết luận chính xác.
Đối với phần trang thiết bị hàng hải, khai thác, 2 doanh nghiệp đóng tàu nói trên phải sửa chữa hoặc làm mới hệ thống hầm bảo quản bị hư hỏng do không thoát nước và kiểm tra rỉ sét lớp vỏ bên trong vỏ tàu của phần hầm bảo quản theo đúng QCVN 02-13:2009/BNNPTNT; thay mới hệ thống điện khai thác cho 3 tàu theo đúng hợp đồng ký kết...
Sau khi nghe kết quả thẩm định chất lượng tàu cá của ngành chức năng, nhiều ngư dân và các phóng viên báo chí tham gia cuộc họp đã đề nghị cơ sở đóng tàu (riêng Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không tham dự), cơ quan đăng kiểm tàu cá làm rõ trách nhiệm về những sai sót trong sử dụng vật liệu, lắp máy tàu, các trang thiết bị trên tàu cá và việc kiểm tra, kiểm định chất lượng tàu cá; giải pháp khắc phục sự cố tàu cá bị hư hỏng.
Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Bộ NN&PTNT), thừa nhận có thiếu sót trong quá trình thực hiện quy trình kiểm tra, đăng kiểm tàu cá vỏ thép của ngư dân. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cũng thống nhất với kết quả thẩm định và cam kết phối hợp chặt chẽ với tỉnh để khắc phục toàn bộ sự cố đối với các tàu cá do công ty thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đánh giá cao kết quả của tổ thẩm định của tỉnh và khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần NĐ 67/2014 của Chính phủ, đồng thời yêu cầu Sở NN&PTNT báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng tàu cá vỏ thép cho UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT để xem xét, chỉ đạo khắc phục sự cố tàu cá bị hư hỏng.
PHẠM TIẾN SỸ
Vụ đăng kiểm tàu Bình Định máy đểu vỏ đểu sao không áp dụng giống như Luật tố cáo vừa ban hành là người ký quyết định về giám sát chất lượng sau cùng chịu trách nhiệm để từng khâu giám sát chất lượng phải có chất đảm bảo & đảm bảo ngay từ khâu đầu tiên? Chả ông nào dại ký duyệt cho các khâu trước làm bậy đâu! Ở vụ này người ký sau cùng là Đăng kiểm phải chịu trách nhiệm. Cách áp dụng tố tụng như thế này cũng giúp đẩy nhanh xã hội hóa dịch vụ công, giảm bớt gánh nặng hành chính.
Chưa công bố dư luận cũng biết doanh nghiệp làm ăn gian dối, cấu kết với đăng kiếm nghiệm thu.