Gìn giữ và phát huy tài năng thể thao:
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Thời gian gần đây, bằng nhiều hình thức khác nhau, các nhà tuyển trạch ở các trung tâm đào tạo VĐV, đội tuyển các tỉnh, thành, ngành khác đã đến Bình Định để “săn tìm” tài năng thể thao. Điều này đặt ra cho ngành thể thao những câu hỏi về cách thức quản lý phù hợp để duy trì được lực lượng VĐV chất lượng cao đủ sức tham gia các giải đấu và cả lớp kế thừa.
Nhiều kiểu “săn lùng” tài năng
Khi nền thể thao nước ta bắt đầu có những bước chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp, hoạt động tìm kiếm, đào tạo, chuyển nhượng VĐV thể thao được chú trọng hơn. Một số trung tâm lớn sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền bạc, công sức và thời gian có khi lên đến chục năm để cho ra lò những “sản phẩm” chất lượng. Và một trong những công việc quan trọng của các trung tâm đào tạo là tuyển chọn những thiếu niên có tố chất phù hợp với thể thao. Vì vậy, Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal, Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF)… thường tổ chức những đợt tuyển sinh rầm rộ ở nhiều nơi trên cả nước, trong đó có Bình Định.
Nhìn chung, hầu hết những đợt tuyển sinh này đều nhận được sự hỗ trợ của ngành thể thao các địa phương. Bởi ai cũng biết quy mô cũng như tính chuyên nghiệp của những trung tâm này, nếu có cầu thủ nhí nào “lọt vào mắt xanh” của những nhà tuyển trạch thì cũng là niềm vinh dự của gia đình và địa phương. Cầu thủ vượt qua đợt sát hạch đầu tiên sẽ có nhiều cơ hội sống trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp ngay từ lúc khởi đầu. Nhưng gần như chắc chắn một điều rằng, mầm non đó khi trưởng thành sẽ khó có cơ hội quay lại phục vụ cho đội bóng quê hương. Bởi khi đã hưởng những chế độ từ các trung tâm đào tạo, VĐV và gia đình phải tôn trọng bản hợp đồng đã ký kết trước đó. Riêng với chương trình “Giấc mơ sân cỏ” do Học viện bóng đá ASPIRE (Qatar) tổ chức, các cầu thủ vượt qua vòng loại sẽ được tham gia những khóa huấn luyện ở nước ngoài một thời gian rồi được “trả” về địa phương.
Việc các tổ chức công khai tìm kiếm tài năng thể thao với nhiều quy mô, cách thức khác nhau ở các địa phương là hợp pháp. Và vì lợi ích chung, điều đó tốt cho thể thao Việt Nam. Các em được đào tạo ở môi trường chuyên nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển tối đa khả năng của mình, thay vì chỉ dừng ở mức nào đó khi chỉ được tập luyện với những giáo án và trang thiết bị cũ kỹ.
Tuy nhiên, bên cạnh cách thức tuyển quân công khai, hiện nay nhiều tỉnh, thành, ngành còn móc nối trực tiếp với HLV, VĐV ở địa phương khác để chuyển nhượng VĐV. Thậm chí, họ còn lùng xuống các địa phương có phong trào mạnh để săn những VĐV có tố chất tốt, còn ở dạng “thô” để tuyển chọn. Điều đáng nói là không ít HLV vì cái lợi trước mắt đã tiếp tay cho “bên ngoài”, gây khó khăn cho công tác tìm kiếm, tuyển chọn VĐV ở một số đội tuyển.
Làm gì để níu giữ ?
Thể thao Bình Định những năm qua vẫn thường xuyên đối mặt với tình trạng “chảy máu” tài năng ở nhiều đội tuyển của các bộ môn: bóng đá, điền kinh, võ, bóng ném… Điều đó làm suy yếu lực lượng của các đội, ảnh hưởng lớn đến việc tập luyện và thành tích thi đấu. Bởi nguồn ngân sách dành cho thể thao ở tỉnh ta còn thấp so với nhiều tỉnh, thành khác; số lượng VĐV luôn được quy định cụ thể trong giới hạn cho phép, nên việc thiếu hụt VĐV, đặc biệt là những VĐV giỏi khiến các HLV đau đầu.
Để níu giữ các VĐV có khả năng, đã có không ít giải pháp được đưa ra như: tạo điều kiện cho VĐV được học văn hóa nhằm tạo sự yên tâm hơn khi giải nghệ; thường xuyên làm công tác tư tưởng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của VĐV để có sự phân tích, trao đổi kịp thời nhằm giải quyết những bức xúc… Thậm chí có một số VĐV còn bị kỷ luật, cấm thi đấu vì tự ý “xé rào” để đầu quân cho đơn vị khác.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, những cách làm trên hoặc chưa đủ sức tác động đến tâm lý của VĐV và gia đình, hoặc không đem lại hiệu quả như mong muốn. Do đó, ngành thể thao cần đưa ra những giải pháp thiết thực hơn để giữ chân các VĐV tài năng như: chuẩn bị những hợp đồng phù hợp với từng đối tượng VĐV, quy định cụ thể quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên; đề xuất có cơ chế đặc thù đối với những bộ môn thể thao cần đầu tư đặc biệt và chế độ riêng cho các VĐV tài năng.
Về vấn đề này, trong chương trình hành động số 16 - CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có định hướng những việc cần làm: nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao, đổi mới cơ chế tổ chức và nội dung tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao theo hướng chuyên nghiệp. Đồng thời, tăng cường nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho công tác đào tạo tài năng thể thao thành tích cao, chú trọng công tác giảng dạy các môn văn hóa gắn với đào tạo chuyên môn, tăng cường giáo dục đạo đức thể thao đối với VĐV thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp.
Ông Đinh Khắc Diện, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Chúng tôi đã và đang nghiên cứu những cơ chế đặc biệt dành cho các VĐV, kể cả ở đội tuyển lẫn năng khiếu ở cơ sở. Cố gắng làm sao để giữ được những VĐV tốt nhất cho các đội tuyển thể thao của tỉnh”.
LÊ CƯỜNG