Còn đây bánh tráng mì chà
“Tiếng đồn Mỹ Hội có tài/ Nấu một lon gạo nồi hai cũng đầy”… Dẫu biết rằng, ở Mỹ Tài (Phù Mỹ) giờ không còn ai phải ăn cơm độn như vậy, nhưng mỗi khi ngân nga câu ca xưa, người dân thôn Mỹ Hội 1, xã Mỹ Tài hôm nay lại thêm một lần tự hào về cây mì quê mình. Người dân vùng đất gò đồi thiếu nước quanh năm này không thể tồn tại được nếu không gắn bó với cây mì, với nghề làm bánh tráng mì chà truyền thống.
Từ ngã tư thị trấn Phù Mỹ, chạy theo tỉnh lộ 632 đến đầu dốc ông Tranh, quẹo phải hướng vào Mỹ Tài, đi chừng vài cây số là gặp làng bánh tráng mì chà Mỹ Hội 1. Tôi đem nỗi tò mò của mình về mốc thời gian khai sinh làng nghề đến hỏi cụ bà Đặng Thị Túc, 86 tuổi, ở xóm 2, và nhận được câu trả lời: “Không biết đâu cháu à, lâu lắm rồi, từ thời ông, thời cha. Lúc bà còn nhỏ đã có rồi. Hồi đó làng còn ít mì, bà lên tận Truông Gia Vấn (Mỹ Hòa) hay ra Bồng Sơn, Hoài Ân, An Lão mua mì gánh về tráng bánh con à, giờ cũng hơn sáu bảy chục năm rồi còn gì”.
Cả làng làm bánh
Trời nắng chang chang. Mới 8 giờ sáng, mặt trời đã lên quá ngọn tre chót vót. Cái bụng rỗng của tôi cồn cào lên quá thể khi bắt gặp cái mùi hăng hắc, chua chua đặc trưng không lẫn lộn với bất cứ mùi nào của bột mì ủ. Nó thỏa sức, hả hê lan tỏa, quyến rũ những kẻ đói bụng như tôi, còn tôi thì cố gắng kìm nén.
Một vòng quanh thôn, những giàn phơi đã đầy ắp bánh. Không chỉ một nhà, hai nhà, mà hầu như nhà nào cũng tráng bánh. Chị Nguyễn Thị Loan (38 tuổi) tay thoăn thoắt trở những chiếc bánh cuối cùng đã ráo, đon đả: “Ở đây làm bánh bán, chứ còn làm để ăn thì nhà nào cũng biết làm hết, từ đời cha truyền đến đời con, từ già đến trẻ, ai cũng làm được”. Như để minh chứng cho lời nói của mình, chị đưa tay chỉ bé gái đang đội những phên bánh khô vào nhà, không giấu tự hào: “Nó chuẩn bị lên lớp 9 nhưng cũng biết tráng rồi đó. Tráng bán thì mình tráng cho đẹp, chứ ăn thì mấy cháu nó tráng thôi, làm cho quen để mà còn giữ nghề…”.
Ngồi bên lò tráng bánh dưới gốc tre đầu nhà, bà Lâm Thị Lan (75 tuổi) quê ở xã Mỹ Chánh, làm dâu ở Mỹ Hội 1 và được mẹ chồng truyền nghề, đến nay có hơn 50 năm làm nghề tráng bánh, tâm sự: “Ngày xưa làm nhiều chứ bây giờ già rồi, bà tráng là để gởi cho con, cho cháu và để dành ăn lai rai thôi. Còn làm bán để sắp trẻ nó làm”.
Tôi lại đến tìm gặp chị Hà Thị Tùng, người có tiếng tráng bánh mì chà đẹp, nhanh, cũng là người có nhiều mối bỏ bánh nhất nhì ở đây, gặp lúc chị đang cho bánh vào bao để thương lái đến lấy. Chị Tùng cười hồn hậu: “Tráng bánh không khó, nhưng cũng không phải dễ. Tay đưa bột phải đều, lướt nhanh để bánh vừa tròn, vừa đều, vừa mỏng. Đó là chưa kể để có cái bánh mì chà ngon là phải qua nhiều công đoạn chuẩn bị nữa”.
Những công đoạn ấy là thế này: Củ mì sau khi thu hoạch được cạo sạch vỏ và đưa vào máy xay, rồi máy chà, sau đó tách lấy nước. Nước này khi để lắng lại sẽ cho ra bột nhứt và bột nhì (bột nhứt lắng ở bên dưới, bột nhì thì nằm ở phía trên). Lấy bột nhứt pha cùng với mì chà (tức củ mì đã được xay nhưng chưa chà tách lấy bột) và nước theo một tỉ lệ thích hợp sẽ tạo thành bột dùng để tráng bánh mì chà. Tuy nhiên, để bánh mì chà ngon, không bị chua hay chuyển vàng khi để lâu thì trước khi tráng, người ta phải chẻ bột (tách bột) kỹ càng, chẻ nhiều lần nước, mới tách hết cặn và chất chua. Vì thế cái làm nên đặc trưng và chất lượng của bánh tráng mì chà Mỹ Hội 1 là bánh rất dẻo, ngon nhưng không có vị chua của mì, để bao lâu cũng được. Bánh mì chà mà nhúng cuốn cá hấp, cá kho, thịt luộc với rau sống rồi chấm nước mắm nhỉ thì ngon “bá cháy”.
Thương hiệu của quà quê
Mỗi ngày chị Hà Thị Tùng tráng được khoảng 700 đến 1.000 bánh nhưng tráng đến đâu là “mối” lấy đến đó, cháy hàng liên tục. “Chỉ trừ những ngày mưa thì mình tráng các loại bánh khác, chứ nắng thì phải tráng bánh mì chà, mới kịp cho người ta lấy”, chị Tùng kể.
Còn chị Lê Thị Hải, ở xóm 3, xóm có đến 85% số hộ dân sống bằng nghề tráng bánh mì chà, vừa nâng niu chiếc bánh vớt từ trên lò đặt trên tấm phên, vừa giòn giã: “Những ngày tốt nắng như hôm nay, thì 4 giờ sáng đã thức dậy tráng riết một mạch đến giữa trưa xong, phơi 2 tiếng, bánh khô thì lột xếp. Cứ 10 bánh cột thành 1 ràng, chiều chở đi bỏ bạn hàng, ngày nào cũng vậy, có đồng ra đồng vào”.
Hiện nay, việc tráng bánh mì chà đã khỏe hơn trước rất nhiều. Chỉ trừ công đoạn tráng bánh, còn lại đều được làm bằng máy, từ xay, đến chà. Nguyên liệu thì được trữ sẵn, lúc nào cũng có, khi muốn thì lấy ra làm ngay, hàng không lo bị tồn đọng, tiền lời cũng kha khá nên nhiều nhà ở đây đều làm.
Mà không phải chờ đến khi làng bánh tráng mì chà Mỹ Hội 1 được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống vào cuối năm 2005 thì bánh mì chà Mỹ Hội 1 mới được ưa chuộng. Từ lâu, tiếng đồn bánh mì chà Phù Mỹ đã lan xa và bánh mì chà từ làng Mỹ Hội 1 đã vươn ra có mặt ở khắp nơi, từ Quy Nhơn, Đà Nẵng rồi vào tuốt TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Khuê, Trưởng thôn Mỹ Hội 1, cho biết: “Mỹ Tài có 670ha mì, chiếm 29% diện tích trồng mì toàn huyện Phù Mỹ. Người dân trong xã trồng mì để bán cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu và để làm bánh tráng mì chà. Hiện nay, toàn thôn Mỹ Hội 1 có đến 120/212 hộ làm nghề tráng bánh mì chà, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng chục triệu bánh. Bánh mì chà có mặt khắp nơi, không chỉ dùng để ăn, mà còn là một món quà để biếu bạn bè, người thân”.
Đó là ông trưởng thôn nói theo kiểu... làm báo cáo, còn thì hầu hết người dân Mỹ Hội 1 đều nói về lợi ích kinh tế của nghề tráng bánh mì chà một cách hình ảnh và đơn giản thế này: “Xưa giờ, trọi lỏi từ việc nhỏ cây kim, sợi chỉ đến việc to dựng cái nhà, cái cửa, lo tư gia tư thất cho con cái và sướng khổ trăm thứ, cả làng này đều nhờ cái bánh tráng mì chà”. Mà cũng đúng thôi, ở cái làng mà có mấy chục héc ta chân đất cao, đồi, gò bạc màu thiếu nước này (chỉ có mỗi một hồ chứa nước Núi Giàu) thì cây mì gắn với nghề truyền thống làm bánh tráng mì chà là ưu tiên số một.
“Từ 10kg bột cho ra 140 chiếc bánh, mỗi chục bánh (10 chiếc) giá 7.000 đồng. Một ngày ít cũng tráng được 500-600 bánh, trừ chi phí cũng còn lời cả trăm ngàn, mà trong nhà lớn bé ai cũng làm được hết, không việc này thì cũng việc kia, mình bỏ công lấy lời”, chị Tùng vui vẻ nói về nghề của làng mình.
Còn những khó khăn
Sau khi làng bánh tráng mì chà Mỹ Hội 1 được công nhận làng nghề truyền thống, Nhà nước đã đầu tư xây dựng đường bê tông vào làng nghề, xây dựng 3 giếng nước sạch và hỗ trợ các hộ dân nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư giữ vững và phát triển làng nghề, nhằm góp phần giúp làng nghề có cơ hội vươn xa, tạo thương hiệu cho mình.
Tuy nhiên hiện nay, thực tế là vẫn còn không ít hộ không quan tâm đầu tư cơ sở phục vụ cho nghề, nên bếp đặt lò tráng bánh, lò tráng, phên phơi... còn khá thô sơ và cũ kỹ. Mặt khác, một số hộ do diện tích đất thổ cư hẹp nên việc xử lý nước thải khó khăn, chưa kể phải đưa dàn phơi ra mặt đường nên bụi cát dễ bám vào bánh, khiến chất lượng bánh chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ít nhiều làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.
Hơn nữa, dù được công nhận làng nghề, nhưng bánh tráng mì chà Mỹ Hội 1 vẫn còn thiếu một nhãn hiệu độc quyền, một trong những yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của sản phẩm trên thị trường.
* * *
Ngồi thưởng thức miếng bánh tráng mì chà nhúng cuốn thịt được chủ nhà đãi trong cơn gió chiều quê yên ả, tôi thấy lòng thanh thản lạ. Nhìn ra, những vạt mì cao sản mướt xanh xúm xít vây quanh nhà, chĩa những cọng lá xòe to ra đón ánh nắng mặt trời. Khoảng 2 tháng nữa, người dân sẽ thu hoạch mì, sẽ lại máy, chà, chẻ bột, rồi cặm cụm bên những bếp lò..., để cho ra đời những chiếc bánh tráng mì chà vừa dẻo vừa thơm đặc trưng của Mỹ Hội 1.
THANH TRỌN - XUÂN LỘC
Tôi đọc xong bài viết của 2 tác giả này, định viết lời cảm ơn 2 anh vì đã có "tâm" đi xuống cơ sở để viết bài mô tả cho mọi người biết thêm về một nét đẹp của quê hương Bình Định, nhưng thấy độc giả" Cải Chính" có ý không tốt về 2 tác giả này. Như vậy xem ra không có thiện chí chút nào! Thứ nhất, ông kết luận là 2 tác giả chỉ nghe nói mà viết bài là " trật lất "! Xin hỏi ông, nếu không xuống tận lò tráng bánh thì làm sao có 3 tấm hình chụp kèm theo trong bài viết ? Hơn nữa, thông tin rất chi tiết trong bài, từ tên tuổi, địa chỉ, của các bà tráng bánh cho đến tên của ông trưởng thôn rõ như vậy thì không thể nào ngồi tại nhà, nghe nói và viết bài được ! Thứ hai, tôi dám chắc ông là dân Phù Mỹ, chứ không phải là dân Mỹ Hội, hoặc là dân Mỹ Hội mà lâu quá không về thăm quê nên không biết gì về việc "cải tiến" trong nghề tráng bánh này, mà lại còn " hồ đồ" nói rằng dùng để cho heo ăn! Nói vậy là quá đáng ! Thứ ba, bản thân ông viết sai chính tả, từ " bắt chước" viết thành" bắt chướt" mà lại
Cảm ơn Thanh Trọn và Xuân Lộc đã có bài viết rất chi tiết, làm tôi bồi hồi nhớ quê trong cái không khí mưa rả rích do áp thấp nhiệt đới giữa mùa hè này. Tất nhiên bài viết cũng có những chỗ chưa phù hợp như "Sắp nhỏ" mà bạn Cải Chính chỉ ra nhưng đoạn nói về các công đoạn làm bánh mì xay trộn bột nhứt thì tôi nghĩ là đúng, có thể ngày nay bà con mình đã cải tiến để cho bánh ngon hơn, không còn giống như cái thời chiến tranh hoặc sau giải phóng chỉ có bánh tráng bột nhứt (trắng), bánh tráng bột nhì (đen), bánh tráng mì xay (xay mì khô ra tráng). Nếu nói về bánh tráng mì ở Mỹ Tài thì chắc các tác giả phải viết thêm vài số nữa mới hết được. Không biết ai đã ăn bánh bột nhì chưa, cho đến giờ tôi vẫnkhông quên hương vị của nó, gọi là bánh bột nhì nhưng khi nướng lên ăn rất thơm, rất đậm đà, cái khó là làm sao tẻ bột đế bánh không chua.
Tôi thấy tác giả viết bài này chưa được đi thực tế và tìm hiểu kỹ các công đoạn làm bánh, tác giả có lẽ là chỉ nghe nói ở đâu rồi đưa lên bài viết chứ làm gì có việc lấy bộ nhì trộn với mì chã chư lọc theo tỷ lệ nhất điịnh để làm nên bột tráng bánh, làm như vậy thì chỉ có cho lợn ăn thôi, với lại tác giả đã bắt chướt từ địa phương khác để dùng làm tiếng địa phương Phù Mỹ, làm gì ở Phù Mỹ mà có dùng cái từ là"Sắp nhỏ" từ này chỉ dùng cho Miền Nam thôi, Tôi đề nghị tác giả trước khi viết bài thì cần nên xem kỹ lại mới đăng lên.