Ngày thứ hai thi THPT Quốc gia năm 2017:
Ðề đáp ứng hai mục tiêu, thí sinh hài lòng
Ðầu giờ chiều 23.6, sau khi Bộ GD&ÐT chính thức công bố các đề thi đã sử dụng ban sáng, nhiều giáo viên đã tham khảo và cho rằng các đề có sự phân hóa rất cao nên sẽ hiếm điểm 9, điểm 10. Riêng môn Ngoại ngữ thi vào buổi chiều, sự phân hóa không mang tính đánh đố, bắt bí nên nhiều thí sinh tràn trề hy vọng về điểm số.
Thí sinh bình luận sôi nổi về đề thi tổ hợp môn. Ảnh: NGỌC TÚ
Chia sẻ sau buổi thi bài tổ hợp môn, Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thi Đào Đức Tuấn đã thở phào: “Lo nhất là các điểm thi dành cho thí sinh tự do, chỉ dự thi để xét tuyển đại học nên có sự biến động số lượng thí sinh trong phòng thi ở mỗi môn. Bộ GD&ĐT quy định, các môn thi thành phần trong mỗi bài thi tổ hợp phải có cùng một mã đề thi nên dù đã tập huấn lực lượng giám thị rất kỹ lưỡng, tôi vẫn lo có sơ suất”.
Gần 11 giờ ngày 23.6, thí sinh lần lượt rời khỏi trường thi với nhiều tâm trạng. Tỏ ra hài lòng về cách làm việc khoa học của giám thị, giúp thí sinh phần nào thoải mái khi nhận đúng đề thi của mình, nhưng khá nhiều thí sinh than đề Lý khó nhất so với các đề thi trong ngày thứ hai, các câu hỏi hóc búa hơn đề thi minh họa nên không đủ thời gian làm bài.
“Đúng là đề Lý có một số câu dành cho học sinh xuất sắc”, nhiều giáo viên dạy Lý nhận định.
Tại điểm thi Trường THPT số 2 An Nhơn (TX An Nhơn), thí sinh nhanh chóng rời trường thi buổi sáng sau khi chia sẻ đề Hóa và đề Sinh có sự phân hóa, đảm bảo hai mục tiêu và họ làm được khoảng 70% đề thi.
“Chúng em học tổ hợp môn xét tuyển đại học là Toán-Lý-Hóa hay Toán-Hóa-Sinh nên cảm thấy khá thoải mái với đề, chỉ có chút tiêng tiếc với bài Lý. Các bạn theo tổ hợp Toán-Lý - Tiếng Anh chắc chắn sẽ gặp khó khăn với môn Lý” - Trần Văn Thành, học sinh Trường THPT số 2 An Nhơn trò chuyện.
Buổi chiều, các thí sinh tự do đã thở phào cho biết đã hoàn thành tất cả câu hỏi trong đề và “chắc ăn” với 35 câu trắc nghiệm lẻ chỉ trong mức đảm bảo tốt nghiệp. “Thấp nhất cũng được 7 điểm”, một thí sinh mỉm cười khi tiết lộ mình làm bài thi môn này vì muốn có được sự ưu tiên trong xét tuyển vào Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nếu chẳng may có nhiều người bằng điểm xét tuyển.
“Khá nhiều thí sinh đã lo ngại với môn Ngoại ngữ, nhưng theo nội dung đề, các câu trắc nghiệm lẻ khá dễ, học sinh có học lực khá có thể làm đến 95%. Hai bài đọc tuy đảm bảo sự phân hóa nhưng không có yếu tố đánh đố, bắt bí, chỉ ngoằn ngoèo một chút nhằm kiểm tra độ hiểu sâu văn bản của thí sinh”, thầy Võ Hoàng Thi, giáo viên tiếng Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đánh giá.
Theo thống kê của Hội đồng thi, trong buổi sáng thi bài tổ hợp môn, đã có tổng cộng 137 thí sinh vắng mặt, trong đó vắng thi môn Lý 52 thí sinh, môn Hóa 51 thí sinh và môn Sinh 34 thí sinh. Buổi chiều có 16.533 thí sinh đến làm bài thi môn Ngoại ngữ, trong đó có 1 thí sinh thi tiếng Nhật, 1 thí sinh thi tiếng Trung, số còn lại đều thi tiếng Anh. So với danh sách đăng ký dự thi, đã có 68 thí sinh vắng thi môn này.
Ngày 24.6, thí sinh sẽ làm bài thi cuối cùng là bài tổ hợp các môn Khoa học xã hội gồm 3 môn Địa, Sử và Giáo dục công dân trong 150 phút.
NGỌC TÚ