Chuyện vỉa hè!
Trong đời thường, khi nói về một chuyện gì đó không mấy quan trọng, nhiều người hay buông một câu nghe gọn hơ “úi dào, sá chi ba cái… “chuyện vỉa hè” đó”!
Thì đành rằng cái vỉa hè thì nơi phố thị nào mà chả có, và trước đây thì nó là cái cho thấy rõ nhất sự khác biệt giữa phố và làng. Đó cũng chỉ là khoảng không gian hẹp rộng tùy nơi để ngăn giữa các ngôi nhà và con đường phía trước. Vỉa hè là nơi không cho xe cộ gì chạy trên đó mà dành để cho người ta đi bộ, trẻ em chạy chơi, người già hóng mát, hàng xóm chuyện trò… Và như thế, vỉa hè là nơi cuộc sống diễn ra thanh bình, êm ả biết dường nào.
Tuy nhiên, mọi sự trên đời đều có những sự biến thiên, thay đổi so với nguyên gốc. Với các đô thị ở nước ta, ngoài các công năng trên vỉa hè còn là nơi kinh doanh, buôn bán vô cùng sầm uất, nơi kiếm tiền có phần dễ dàng hơn những nơi khác. Các cụm từ phổ biến trong đời sống hàng ngày và cả trong các cuốn sách chuyên khảo về kinh tế như “nhà mặt phố, bố làm to” hay “kinh tế mặt tiền”, “kinh tế vỉa hè”… cho thấy sự hấp dẫn và sức sống đặc biệt của đời sống nơi vỉa hè phố thị.
Và cũng chính vì cái sự đặc biệt đó mà vỉa hè đã trở thành một không gian đặc biệt, là của chung nhưng nhiều người muốn chiếm dụng cho mục đích riêng, khiến cho việc quản lý nó có trật tự trở nên nan giải và cam go hơn bất cứ nơi nào khác. Gần đây, tại hai đô thị lớn nhất nước là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều thành phố khác trong cả nước, trong đó có TP Quy Nhơn, đã rầm rộ ra quân, quyết lấy lại vỉa hè sau bao năm bị chiếm dụng làm “của riêng”. Thế nhưng, “vui chửa tày gang” khi mấy ngày nay, thông tin từ báo chí, truyền thông cho thấy ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội sự thông thoáng của vỉa hè ở những thành phố này chưa được bao lâu thì đã bị tái chiếm tràn lan. Chuyện tương tự cũng đã và đang diễn ra ở Quy Nhơn cho thấy nhiệm vụ lập lại trật tự đô thị, tạo mỹ quan phố phường bằng việc dọn dẹp vỉa hè xem ra đã không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Trong những ngày này, trên các tuyến đường chính ở TP Quy Nhơn người đi đường dễ dàng bắt gặp những chiếc thang dẫn xe máy, ô tô hoặc bậc thềm di động cho người bước vào nhà, rất đa dạng và… lộn xộn, được đặt trên vỉa hè các tuyến đường ở trung tâm vừa được ra quân lập lại trật tự. Công bằng mà nói, việc lập lại trật tự bằng cách dẹp bỏ các bậc thềm, cầu dẫn vào nhà dân xây lấn chỉ giới vỉa hè để phố phường trật tự, ngăn nắp, thoáng đãng, sạch đẹp hơn là việc nên làm, phải làm. Tuy nhiên, do không có một giải pháp để “chuẩn hóa” nên người dân cứ “mạnh ai nấy làm” bằng bất cứ vật liệu nào mình có, bất cứ kiểu dáng nào mình cho là được nên mới ra như thế. Đó chính là kết quả của một cách làm chưa đồng bộ trong lập lại trật tự lòng, lề đường của chính quyền các địa phương.
Vỉa hè là bề nổi dễ thấy nhất của văn minh đô thị, là không gian dành cho cả cộng đồng nên không ai được quyền chiếm dụng cho riêng mình. Đây là điều chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành. Đó cũng chính là ý thức chấp hành kỷ cương, pháp luật và cộng đồng trách nhiệm xây dựng nếp sống văn minh.
Vì thế, câu chuyện lập lại trật tự vỉa hè ở các đô thị đâu chỉ đơn thuần là… “chuyện vỉa hè”!
H.Đ