Luật Đấu giá tài sản: Chờ đợi những đột phá
Sau đây 1 tuần, Luật Ðấu giá tài sản (ÐGTS) chính thức có hiệu lực thi hành. Với những cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia đấu giá, Luật ÐGTS được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trong hoạt động ÐGTS lâu nay vẫn râm ran không ít điều tiếng.
Xuất phát từ yêu cầu khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 4.3.2010 của Chính phủ về bán ĐGTS, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật ĐGTS vào ngày 17.11.2016. Ở lần đầu tiên được ban hành, luật này có 8 chương, 81 điều.
Khắc phục tình trạng “quân xanh, quân đỏ”
Sau 7 năm thi hành Nghị định 17/2010/NĐ-CP, hoạt động ĐGTS đã đạt được những kết quả đáng kể. Các loại tài sản bắt buộc đấu giá được mở rộng hơn, chất lượng hoạt động đấu giá ngày càng được nâng cao. Số hợp đồng đấu giá thành công và giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, thu nộp nhiều hơn cho ngân sách. Tuy nhiên, trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, hoạt động ĐGTS đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Một phiên đấu giá tại Công ty TNHH ĐGTS Đông Dương.
“Điển hình là tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát việc đấu giá, nhất là đấu giá tài sản nhà nước. Đặc biệt, việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá đối với tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm còn gặp rất nhiều khó khăn”, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn cho hay.
Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Châu Thị Hương Lan cũng cho biết trong dư luận cho rằng có nơi có lúc còn tình trạng “cò đấu giá” thao túng các phiên đấu giá. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được khắc phục, khi điều 9 của Luật ĐGTS quy định rất cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động ĐGTS. Ngoài ra, Luật còn dành hẳn chương 6 để quy định về xử lý vi phạm, hủy kết quả ĐGTS, bồi thường thiệt hại. Tùy theo mức độ, tính chất vi phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự. Các trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
“Với những cơ sở, quy định như vậy, chúng tôi tin rằng sẽ có những chế tài áp dụng mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá khi Luật ĐGTS chính thức có hiệu lực”, bà Lan bày tỏ.
Nâng cao tiêu chuẩn đấu giá viên
Tại Bình Định, đơn vị bán ĐGTS chuyên nghiệp được hình thành sớm nhất là Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS Bình Định (thuộc Sở Tư pháp) đi vào hoạt động từ năm 2002. Trong khi đó, được thành lập vào năm 2006, Công ty TNHH ĐGTS Đông Dương là doanh nghiệp (DN) tư nhân đầu tiên của Bình Định hoạt động trên lĩnh vực này. Công ty này dần thể hiện được năng lực, hiệu quả bán đấu giá cao, mang lại nhiều lợi nhuận cho chủ sở hữu tài sản đấu giá... Nhờ đó, thu hút được nhiều khách hàng ký hợp đồng bán ĐGTS ở khu vực nhà nước lẫn tư nhân trên địa bàn Bình Định và Gia Lai.
Trên phạm vi toàn quốc, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, trong đó có gần một nửa đấu giá viên chưa qua đào tạo nghề, trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề chưa cao. DN đấu giá tuy đã phát triển đáng kể về số lượng nhưng tổ chức và hoạt động còn chưa chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất yếu kém. Số DN thực chất hoạt động chuyên nghiệp về ĐGTS trong tổng số DN có đăng ký hoạt động đấu giá tài sản rất ít (chỉ khoảng 20/190 DN).
ĐGTS là một trong những ngành, nghề, lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, nên Luật ĐGTS đã quy định DN ĐGTS đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, không đăng ký thành lập theo Luật DN. “Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, tránh tình trạng DN phải đăng ký nhiều lần tại Sở Tư pháp và Sở KH&ĐT”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS Bình Định Đặng Thị Ngọc Uyên nhận định.
Trong khi đó, ông Lê Việt Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH ĐGTS Đông Dương, đánh giá cao các yêu cầu về đấu giá viên. Để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên và tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề, Luật ĐGTS quy định người muốn trở thành đấu giá viên phải tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá trong 6 tháng (có ít nhất 3 năm công tác trong lĩnh vực được đào tạo mới được tham gia khóa đào tạo nghề); tập sự hành nghề đấu giá trong 6 tháng và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự.
Luật cũng thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá. Theo đó, chỉ những người đã qua các khóa đào tạo về nghề nghiệp và có kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và lĩnh vực có liên quan (luật sư, công chứng viên, quản tài viên, thừa phát lại...) mới được miễn đào tạo. Nâng cao tiêu chuẩn đấu giá viên là một trong những điểm mới cơ bản của Luật ĐGTS so với Nghị định 17/2010/NĐ-CP.
NGUYỄN VĂN TRANG