Hy vọng mới cho hoạt động chiếu phim lưu động!
Là một trong số 30 địa phương hưởng lợi từ Ðề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”, hoạt động chiếu phim lưu động (CPLÐ) ở Bình Ðịnh có thêm điều kiện để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Ngày 3.5.2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 586, phê duyệt Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn” (gọi tắt là Đề án 586). Theo đó, Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất (thiết bị chiếu phim là máy CPLĐ kỹ thuật số (KTS) cùng hệ thống trang thiết bị đi kèm, ô tô chuyên dùng CPLĐ) cho Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (PHP&CB), Trung tâm Điện ảnh (do ngành văn hóa quản lý) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có điều kiện đặc thù để thực hiện phổ biến phim và nhiệm vụ tuyên truyền.
Chiếu phim KTS lưu động - ưu thế vượt trội
Điểm nhấn của Đề án 586 là cung cấp thiết bị chiếu phim kỹ thuật số (KTS) lưu động. “Ưu điểm của chiếu phim KTS lưu động là đi phim vòng 1 - cùng với tiến độ phát hành của phim tuyến rạp; màn ảnh tối thiểu là 300 inches, chất lượng hình ảnh, âm thanh đều tốt hơn... Với Đề án 586, nỗ lực phục vụ của các đơn vị CPLĐ sẽ đạt hiệu quả cao hơn nhiều!” - ông Võ Văn Tiễn tin tưởng.
Đông đảo khán giả đến với buổi chiếu phim theo công nghệ chiếu phim kỹ thuật số lưu động tại xã bán đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) tối 22.6.
Tối 22.6, tại xã bán đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), lần đầu tiên Trung tâm PHP&CB tỉnh tổ chức chiếu phim theo công nghệ KTS lưu động. Ông Nguyễn Văn Trung, Đội trưởng Đội CPLĐ xã Nhơn Lý, phấn khởi: “Bà con nhận ra ngay thiết bị mới, chất lượng mới nên hào hứng xem đến cuối buổi dù trời có mưa bay bay. Trúng mùa bà con đi biển nên khán giả chỉ có hơn 200 người. Nếu vào thời điểm nghỉ biển, người xem phải gấp đôi! Gặp tôi ai cũng khen, xem phim KTS “đã” hơn nhiều! Tôi giải thích là thiết bị chiếu mới này Cục Điện ảnh cấp cho Bình Định để các đội CPLĐ luân phiên thực hành cho quen, đợi khi Đề án 586 cấp hẳn 1 bộ riêng cho Đội xã mình, lúc ấy bà con tha hồ xem phim KTS!”.
CPLĐ tiếp tục được đầu tư
Theo Trung tâm PHP&CB tỉnh, 10 đội CPLĐ của tỉnh (8 đội cấp huyện và 2 đội xã đảo), hầu hết phải di chuyển từ 30 km đến 85 km để đến điểm chiếu, cá biệt như ở điểm chiếu làng Canh Giao (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) hơn 100km (đi qua vùng đất của tỉnh Phú Yên để đến). Phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe máy, thiết bị chiếu vẫn là máy chiếu đầu đĩa, đầu HD qua đèn phóng nên chất lượng hình ảnh, âm thanh không cao.
“Đường đến điểm chiếu không chỉ xa mà còn hiểm trở, nếu có ô tô, hoạt động tuyên truyền kết hợp với chiếu phim sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Đối tượng xem phim chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, nếu được lồng tiếng Bana, H’re, Chăm chắc chắn sẽ thu hút hơn!”, Giám đốc Trung tâm PHP&CB tỉnh Võ Văn Tiễn trăn trở.
Theo Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Phan Đình Thanh, với Đề án 586, Nhà nước tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của CPLĐ. Hiện Cục Điện ảnh đang xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, trình Bộ VH-TT&DL để kịp thời hỗ trợ cơ sở vật chất cho các địa phương. Trong đó, ngoài thuộc đối tượng khu vực đặc thù, sẽ ưu tiên cho những địa phương có hoạt động CPLĐ đạt hiệu quả cao.
“Tuy cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nhưng hoạt động CPLÐ của Bình Ðịnh duy trì hiệu quả, số buổi chiếu luôn đạt và vượt kế hoạch. 2 năm 2015, 2016, Cục Ðiện ảnh, Bộ VH-TT&DL tặng Bằng khen cho Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Bình Ðịnh về thành tích xuất sắc trong công tác CPLÐ. Ðây là cơ sở để Cục Ðiện ảnh cấp một số thiết bị chiếu phim KTS lưu động để địa phương vận hành thử nghiệm, đồng thời chọn làm nơi tổ chức lớp tập huấn về hướng dẫn, sử dụng thiết bị chiếu phim KTS lưu động cho 82 học viên là cán bộ, nhân viên các đội CPLÐ thuộc 32 tỉnh phía Nam”
Ông PHAN ĐÌNH THANH - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh
SAO LY