Tuyển sinh các trường Cao đẳng, trung cấp: Đối diện 3 thách thức
Năm đầu tiên hệ thống các trường Cao đẳng (CĐ), Trung cấp (TC) được thống nhất một đầu mối quản lý là Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ GD&ĐT chỉ còn quản lý các trường Đại học (ĐH) và hệ sư phạm của các trường CĐ. Nhưng chính sự không liên thông này, năm nay, các trường CĐ,TC đang đối diện rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Khó khăn đó còn ảnh hưởng trực tiếp đến thí sinh.
Một giờ học trong phòng mô phỏng tự động hóa của Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội.
Năm nay, quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GD&ĐT có nhiều điều chỉnh. Các trường ĐH đã tiến gần hơn đến tự chủ hoàn toàn trong công tác tuyển sinh. Nhưng sự thuận lợi của các trường ĐH lại khiến các trường CĐ, TC bất lợi.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội cho biết, các trường CĐ, TC năm nay đang đối diện với 3 khó khăn.
Thứ nhất, là năm đầu tiên giáo dục được Thủ tướng giao cho hai Bộ quản lý rất rạch ròi. Bộ GD&ĐT quản lý mầm non, tiểu học, THCS, THPT và ĐH. Còn Bộ Lao động được giao quản lý “khúc giữa” là giáo dục nghề nghiệp, gồm các trường TC và CĐ. Như vậy, mùa tuyển sinh năm nay, thông tin xuôi chiều về tuyển sinh phần lớn là Bộ GD&ĐT cung cấp nhiều hơn, mạnh hơn đến thí sinh. Đây là lợi thế của Bộ GD&ĐT và là một khó khăn của các trường CĐ, TC.
Thứ hai, khi hệ thống giáo dục nghề nghiệp thống nhất cùng một sân chơi (chuyển giáo dục chuyên nghiệp sang giáo dục dạy nghề) nên có độ trễ.
Khó khăn thứ ba là quy chế thi tuyển sinh của hệ ĐH năm nay được cho là năm cởi mở nhất từ khi 3 chung đến nay. Bất kỳ thí sinh nào trên toàn lãnh thổ Việt Nam đều được lựa chọn nguyện vọng thoải mái, không giới hạn. Thời gian tuyển sinh của các trường ĐH cũng không giới hạn, được tuyển sinh quanh năm.
“Có thể nói, giờ phút này cánh cửa tự chủ của ĐH đã mở toang. Nhưng tôi rất e ngại ở chỗ, chúng ta học theo nước ngoài, cho thí sinh đăng ký ĐH thoải mái. Tuy nhiên, chuẩn đầu ra của họ được kiểm soát nghiêm ngặt. Còn ở Việt Nam, chưa hẳn đã được gì thế nên cũng đáng lo” – ông Ngọc chia sẻ.
Ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cũng cho biết năm nay, tuyển sinh ĐH dễ hơn mọi năm nên tuyển sinh các trường CĐ, TC sẽ gặp khó khăn.
“Tâm lý chung của xã hội vẫn muốn vào ĐH. Chính vì vậy, khi cánh cửa ĐH dễ thì người ta sẽ tìm đến nó. Có thể, cần có thời gian nữa thì các trường CĐ, TC mới khẳng định được vai trò của mình đối với đào tạo nguồn nhân lực” – ông Vinh cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội cũng dự đoán tuyển sinh các trường CĐ, TC năm nay sẽ giảm hơn so với những năm trước. Theo ông Sang, với phần mềm lọc ảo của Bộ cũng như quy định thí sinh chỉ trúng 1 nguyện vọng duy nhất nên có thể nói, xét về mặt logic, thí sinh đã đăng ký xét tuyển ĐH và có điểm thi từ điểm sàn trở lên đều có cơ hội trúng tuyển 1 trường ĐH. Do đó, năm nay, khó có tình trạng “lọt” ĐH xuống CĐ, TC như những năm trước.
Ông Đồng Văn Ngọc cũng thừa nhận trong thông tin tuyển sinh của các trường CĐ, TC năm nay có chậm hơn. Phía Tổng cục Dạy nghề cũng đã xuất bản cuốn những điều cần biết về tuyển sinh CĐ, TC năm 2017 nhưng hiện tại, cuốn cẩm nang này chưa đến được các trường THPT với các thí sinh. Tuy nhiên, ông Ngọc cho biết điều thuận lợi là có một trang web chung về tuyển sinh của các trường CĐ, TC nên thí sinh có thể tìm hiểu thông tin tại đây.
Về phía các trường, ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cho rằng trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời, thay đổi phương thức tuyển sinh. “Trước đây, chúng tôi tuyển sinh mỗi năm một lần. Nhưng giờ, tạo điều kiện cho người học, chúng tôi tuyển sinh quanh năm. Cứ có người đăng ký học là mở lớp” – ông Vinh cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội cũng cho rằng, với các trường CĐ, TC năm nay, có một thuận lợi đó là hướng nghiệp đối với học sinh phổ thông đã bắt đầu rõ nét. Còn ông Đồng Văn Ngọc, Trường CĐ Nghề Cơ điện Hà Nội thì cho rằng với bối cảnh hiện tại, các trường CĐ, TC chỉ có thể tuyển sinh được khi khẳng định được thương hiệu, chất lượng đào tạo.
Theo Tiền phong