Vụ tàu cá vỏ thép nằm bờ: Sẽ làm rõ và đề xuất xử lý cá nhân có sai phạm
* Khởi kiện Công ty TNHH Ðại Nguyên Dương
Ðây là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu tại hội nghị công bố kết quả thẩm định chất lượng tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/CP, do UBND tỉnh tổ chức chiều 26.6.
2 tàu cá của ngư dân xã Cát Khánh bị hư hỏng đang nằm bờ.
Hoàng Phạm (thực hiện)
Vỏ sét, máy hỏng
Kết quả thẩm định chất lượng 17/18 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng và bàn giao cho ngư dân cho thấy: có 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng dùng thép Trung Quốc thay vì thép Hàn Quốc như hợp đồng; 8 tàu có mẫu vỏ thép không đạt thép thường cấp A (Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có 3/5 mẫu, Công ty TNHH MTV Nam Triệu có 5/12 mẫu).
Toàn bộ 17/17 tàu cá kiểm tra đều bị rỉ sét vỏ tàu, trong đó 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng bị rỉ sét rất nặng. Máy chính, máy phụ tàu cá đều có vấn đề. Riêng 9 máy chính tàu hiệu Mitsubishi MPTA, các chi tiết đi kèm với động cơ không đồng bộ (hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có model và công suất như ghi trên decal máy); hầu hết các máy chính này hoạt động không ổn định. Ngoài ra, có 3 máy chính tàu hiệu Doosan trong quá trình hoạt động không ổn định, động cơ bị nóng. Qua kiểm tra hồ sơ, tổ thẩm định phát hiện cả 3 máy có sự sai lệch về ký hiệu máy giữa hồ sơ và thực tế...
Đại diện Sở NN&PTNT báo cáo kết quả thẩm định chất lượng tàu cá.
Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu (riêng Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không tham dự) đều thống nhất cao với báo cáo kết quả thẩm định chất lượng tàu cá vỏ thép do UBND tỉnh công bố.
DN đóng tàu phải chịu trách nhiệm!
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hiện Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã có văn bản về việc chuẩn bị 11 máy mới Mitsubishi để thay thế cho ngư dân, nhưng Sở NN&PTNT đang chờ thẩm định lại và trong quá trình sửa chữa tàu cá cần có tư vấn giám sát. Trong khi đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thiếu trách nhiệm, cố tình lẩn tránh dù nhiều lần ngành Nông nghiệp và tỉnh mời dự họp bàn giải pháp khắc phục sự cố này. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Phú Tài cũng chưa tích cực phối hợp trong quá trình kiểm tra, thẩm định chất lượng và sửa chữa tàu cá. Riêng 7 chủ tàu có đơn đề nghị tỉnh kiểm tra chất lượng tàu cá, nhưng lại rút đơn và phản ứng quyết liệt khi tổ thẩm định lấy mẫu kiểm tra, cần phải điều tra làm rõ.
Đại diện lãnh đạo các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn đồng quan điểm, tàu cá nằm bờ trong thời gian dài khiến ngư dân chịu nhiều thiệt hại và không có điều kiện để trả nợ ngân hàng, do vậy 2 DN đóng tàu phải chịu trách nhiệm về tổn thất này của ngư dân. DN cũng phải hoàn trả chi phí thiết kế mẫu tàu cá đã nhận của ngư dân vì theo quy định của NĐ 67/CP, ngư dân không phải chi trả khoản này. Các ngân hàng thương mại xem xét khoanh nợ, giãn nợ cho ngư dân.
Phó Giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Huy Giáp cho rằng các DN phải chịu trách nhiệm trong việc vi phạm hợp đồng đã ký kết.
Phó Giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Huy Giáp cho biết: Qua kiểm tra, hợp đồng kinh tế giữa cơ sở đóng tàu và ngư dân rất chặt chẽ nhưng trong quá trình thực hiện có những nội dung chưa đúng hợp đồng. Tàu vỏ thép còn đang thời gian bảo hành nhưng gặp sự cố đã làm ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ và đời sống của ngư dân, nên dư luận rất bất bình. Hiện nhiều ngư dân rất e ngại khi vay vốn đóng tàu theo NĐ 67 của Chính phủ. Do vậy, bên nào thực hiện không đúng hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm và phải sửa chữa tàu cá bị hư hỏng một cách nhanh nhất để ngư dân đánh bắt. Công an tỉnh đã và sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng để thu thập tài liệu, báo cáo cho Bộ Công an, trong đó có việc làm rõ và đề xuất xử lý cá nhân có sai phạm.
Khởi kiện Công ty TNHH Ðại Nguyên Dương
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu một lần nữa khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ đối với đời sống, sản xuất của ngư dân và việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đồng thời yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải thực hiện nghiêm hợp đồng đã ký kết.
Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu, sau hội nghị này, 2 DN đóng tàu phải ngồi lại cùng với ngư dân (có sự tham gia của Sở NN&PTNT), thống kê cụ thể thiết bị hư hỏng, cùng lập biên bản sửa chữa trong tháng 7.2017. Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã có chuẩn bị thiết bị, máy móc, ngày 27.6 tiến hành khắc phục ngay, đảm bảo thay máy mới 100% nguyên đai, nguyên kiện. Đối với phần thân, vỏ tàu không đúng chuẩn cũng phải thay và sơn đúng quy trình. Sở NN&PTNT phải thành lập tổ kỹ thuật phối hợp UBND huyện, thành phố kiểm tra chất lượng, chủng loại máy, thiết bị trước khi đưa lên tàu; phối hợp UBND các huyện, thành phố ven biển đề xuất tỉnh hỗ trợ cho ngư dân khắc phục khó khăn. Các DN phải chịu trách nhiệm về kinh phí kiểm tra việc khắc phục sự cố tàu bị hư hỏng và những tổn thất của ngư dân khi tàu cá phải nằm bờ để sửa chữa; hoàn trả tiền thiết kế mẫu tàu cho ngư dân. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Định có phương án đề xuất UBND tỉnh, trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét hỗ trợ khoanh, giãn nợ, xem xét thời gian ân hạn cho ngư dân vì đây không phải là lỗi của ngư dân. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh Bình Định trả lại sổ đỏ cho ngư dân vì NĐ 67/CP không quy định ngư dân phải thế chấp sổ đỏ để vay vốn đóng tàu.
Phó Chủ tịch UBND Trần Châu cũng đề nghị Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản kiểm định lại lần 2 trước khi tàu cá xuất xưởng. Riêng đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã không tích cực trong sửa chữa sự cố tàu cá, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh nắm bắt thông tin về DN này, báo cáo Bộ Công an, đồng thời phối hợp ngành chức năng hỗ trợ ngư dân khởi kiện, truy tố trách nhiệm DN trên.
PHẠM TIẾN SỸ