20 năm đưa đón thí sinh dân tộc thiểu số đi thi
20 năm qua, anh Nguyễn Thế Lộc - lái xe của Trường PTDTNT tỉnh - nhận nhiệm vụ đưa đón thí sinh của trường tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi đại học và những năm gần đây là thi THPT Quốc gia. Chỉ là tài xế đưa đón, nhưng vì anh yêu thương và đặc biệt quan tâm các em, nên với nhiều thí sinh, anh Lộc như người cha, người chú để “trút” niềm vui, nỗi buồn.
Xe của Trường PTDTNT tỉnh do anh Nguyễn Thế Lộc điều khiển đưa đón thí sinh của trường.
5 giờ sáng 22.6, anh Lộc và chiếc xe 16 chỗ đã có mặt tại Trường PTDTNT tỉnh. “Hôm qua tôi đã dặn kỹ tất cả 86 đứa là không được học bài khuya quá để sáng dậy sớm. Đứa nào dậy sớm, chuẩn bị xong xuôi thì xuống tôi chở đi trước để còn kịp thời gian chở những bạn chậm hơn. Chắc giờ, con Hà, con Mây, thằng Trí đã dậy rồi”, anh vừa lau xe vừa trò chuyện.
Hơn nửa tiếng sau, lác đác từ các dãy hành lang vài bóng học sinh bước xuống. Xe có hơn mười học sinh ngồi, nấn ná vài phút không thấy thêm ai, anh đưa xe hướng về Trường THPT Quốc học. 20 phút sau, anh cùng chiếc xe quay lại trường. Chuyến này có đông học sinh hơn. Đông nhất là chuyến thứ ba, đã hơn 6 giờ, đa số thí sinh đều muốn lên xe. Đinh Thị Hà cười nói: “Nhờ có chú Lộc nhắc nhở, tụi em không ai bị trễ thi cả”.
8 chuyến chạy đi - chạy về được anh Lộc canh giờ sít sao - chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Chiều 13 giờ, anh và xe có mặt ở trường và lại chạy đi chạy về 8 vòng trong 1 tiếng đồng hồ. Đang chuyện trò với bạn, Đinh Thị Hà reo lên: “Xe của chú Lộc kia rồi”, nỗi mừng vui như thể thấy được người thân của gia đình.
Quen với việc anh phải chở thí sinh đi thi, nhiều năm qua, gia đình anh luôn nắm lịch thi và chủ động tạo mọi điều kiện để anh tập trung phục vụ thí sinh. Anh tâm sự: “Các cháu là đồng bào dân tộc thiểu số học nội trú ở trường, không rành đường sá lại sợ xe cộ đông đảo. Thương nhất là mấy đứa say xe, nên mình phải để ý xếp tụi nó ngồi trước, chỗ thoáng mát cho đỡ mệt. Năm nay, chở một ngày 16 lượt nhưng nhẹ nhàng hơn năm ngoái. Năm ngoái, lũ nhỏ thi nhiều điểm, phải vòng lên tận huyện Tuy Phước, TX An Nhơn vòng về nữa kia”.
“Sau mỗi buổi thi, tụi nó lên xe bàn tán với nhau rồi hỏi tôi đủ chuyện. Đứa làm bài được thì vui, hỏi điểm cao vậy có vào học trường y được không chú? Đứa không làm được buồn bảo: Chú ơi, điểm thấp vậy trường nào xét hả chú? Nhiều lúc có cảm giác tụi nó coi mình như người trong gia đình”, anh Lộc chia sẻ.
N.T