Trao truyền thông điệp bảo vệ hòa bình
45 năm trước, bức ảnh “Nỗi kinh hoàng của chiến tranh” (hay còn gọi là “Em bé Na-pan”) của nhiếp ảnh gia Nick Út đã lột tả trần trụi sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam, đồng thời làm dấy lên phong trào phản chiến ở nhiều nơi. Mới đây, bức ảnh được tác giả tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với mong muốn sẽ có ích trong việc giáo dục lịch sử, vun đắp tình yêu hòa bình cho nhiều người.
Sự nghiệp của nhiếp ảnh gia Nick Út được tính bằng thời gian 51 năm làm việc liên tục cho Hãng thông tấn AP với biết bao sự kiện ấn tượng. Nhưng các bức hình về những dân thường gặp nạn sau đợt ném bom na-pan chụp chiều ngày 8.6.1972 tại huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) với ông là những khoảnh khắc không thể nào quên. Đó là hình ảnh cô bé Phan Thị Kim Phúc trần truồng gào thét chạy trên đường. Ở bức ảnh khác, người lớn bế trẻ con vừa chạy vừa gào lên xin cầu cứu, một người em trai Kim Phúc chết trên tay bà ngoại. Sau khi chụp bức ảnh, ông bỏ máy ảnh chạy tới giúp cô bé Kim Phúc, đưa cô đi bệnh viện, nhờ vậy mà cô đã được cứu sống.
Nhiếp ảnh gia Nick Út trao tặng bức ảnh “Em bé Na-pan” cho lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Năm đó, Nick Út mới 21 tuổi nhưng đã có 5 năm kinh nghiệm làm phóng viên chiến trường. Ông đã biết thế nào là sự kinh hoàng của chiến tranh với quá nhiều thương vong của các bên tham chiến, của dân thường và cả những người thân, đồng nghiệp của mình. Với Nick Út, khoảnh khắc ghi được hình ảnh “Em bé Na-pan”, chỉ đơn giản là nhiệm vụ của một phóng viên ảnh chiến trường. Tuy nhiên, bức ảnh này đã làm thay đổi cuộc đời Nick Út với những giải thưởng báo chí uy tín nhất đến ngay tức thời và danh tiếng phóng viên “điểm nóng” hàng đầu đến tận bây giờ. Cuộc đời cô bé Kim Phúc cũng thay đổi từ một nạn nhân chiến tranh trở thành Đại sứ thiện chí của UNESCO. Và trên hết, bức ảnh còn góp phần làm thay đổi cái nhìn về cuộc chiến, Nick Út kể rằng nhiều cựu binh Mỹ đã cảm ơn ông vì nhờ bức ảnh mà họ được về nhà sớm.
45 năm bức ảnh “Em bé Na-pan” ra đời, nhưng hiện tại ở nhiều nơi trên Trái Đất vẫn còn chiến tranh. Điều này thôi thúc Nick Út lần đầu tiên tặng 5 bức ảnh trong chuỗi cảnh chụp cô bé Kim Phúc và chiếc máy ảnh hiệu Nikkormat-một trong những chiếc máy ảnh ông sử dụng trong thời gian làm phóng viên chiến trường tại Việt Nam. Ông mong muốn chuyển thông điệp hòa bình đến với nhiều người và gửi lại thành công của mình ở quê nhà để lưu giữ lịch sử cho thế hệ mai sau. Về lý do chọn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để tặng ảnh, nhiếp ảnh gia Nick Út tâm sự: “Tôi không còn trẻ nữa, đã 3 lần bị thương trong chiến tranh, giờ vẫn còn mảnh đạn trong người. Tôi muốn gửi lại một nơi để gìn giữ lịch sử cho đất nước, cho đời sau, cho thế hệ trẻ. Hình ảnh về một người phụ nữ, câu chuyện về một người phụ nữ, không đâu phù hợp hơn là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam”.
Được biết, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã trưng bày phục vụ khách tham quan các bức ảnh và hiện vật được nhiếp ảnh gia Nick Út trao tặng, đồng thời sẽ sử dụng cho các lần triển làm chuyên đề thích hợp.
Theo HÀM ĐAN (QĐND)