Bé 9 tháng tuổi nuốt phải kim tiêm
Tối 15.3 vừa qua, khoa Ngoại tổng hợp, BVĐK tỉnh, tiếp nhận bệnh nhi Lê Hà Mỹ N., 9 tháng tuổi, ở Nhơn Tân, An Nhơn, trong tình trạng quấy khóc nhiều. Lý do nhập viện là bé nuốt phải kim tiêm dùng trong thú y. Kết quả chụp X-quang cho thấy có kim tiêm nằm ở vùng dạ dày của bé.
Thông thường, những trẻ lớn hơn 3 tuổi thì sẽ được cho nuốt bông gòn, ăn cháo lá hẹ… theo dõi lâm sàng và chụp X quang bụng để theo dõi sự di chuyển của dị vật. Phần lớn trường hợp dị vật sẽ được đào thải theo phân ra ngoài mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, vì bé quá nhỏ nên không thể hợp tác để áp dụng các biện pháp điều trị bảo tồn để chờ đợi dị vật được đào thải theo phân ra ngoài. Hơn nữa, dị vật rất nhọn nên quá trình di chuyển trong cơ thể có thể làm thủng thành ruột, thủng mạch máu… gây viêm phúc mạc, chảy máu ồ ạt, nguy hiểm tính mạng.
Các bác sĩ của khoa đã xác định, trong trường hợp này tốt nhất là nội soi tiêu hóa dưới gây mê để gắp kim tiêm ra ngoài theo đường nội soi thực quản dạ dày. Tuy nhiên, hiện tại BVĐK tỉnh không có hệ thống máy nội soi tiêu hóa nhi nên không thể triển khai theo phương án này.
Phương án chuyển bệnh nhi vào Bệnh viện Nhi Đồng để gắp dị vật qua nội soi tiêu hóa cũng đã được đặt ra, nhưng thời gian để chuyển bệnh nhi đến TP Hồ Chí Minh mất gần 10 giờ, đủ để dị vật di chuyển trong cơ thể và gây tai biến. Vì vậy, kíp trực gồm thạc sĩ, bác sĩ Phan Xuân Cảnh và gây mê Lê Văn Minh, dụng cụ Nguyễn Thanh Hồng, đã quyết định mổ mở để lấy dị vật từ dạ dày bệnh nhi ra ngoài.
Hiện tại, hậu phẫu bệnh nhi ổn định và đã uống sữa trở lại. Thạc sĩ, bác sĩ Phan Xuân Cảnh cho biết, xét về phương diện kỹ thuật ngoại khoa, trường hợp phẫu thuật này không phải là quá khó và tối ưu nhất. Nhưng trong điều kiện thiếu thốn phương tiện và tình trạng cấp cứu của bệnh nhi nếu kéo dài hơn nữa sẽ nguy hiểm. Do đó, quyết định phẫu thuật mở dạ dày lấy dị vật là an toàn nhất cho trẻ.
Dị vật đường thở, dị vật đường tiêu hóa là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em. Khoa Ngoại tổng hợp, BVĐK tỉnh, thường xuyên tiếp nhận các trường hợp dị vật đường tiêu hóa ở trẻ do nuốt phải đồng xu, viên bi, vòi bơm bóng, đồ chơi có kích thước nhỏ… Thạc sĩ, bác sĩ Phan Xuân Cảnh khuyến cáo, cha mẹ không nên để các dị vật nhỏ (nút áo, đồng xu, đồ chơi nhỏ, hạt trái cây…) trong tầm với của trẻ; không cho trẻ ăn đậu phộng, hạt nhỏ, thức ăn có xương; không cho trẻ dưới 5 tuổi chơi những đồ chơi nhỏ có kích thước dưới 5 cm. Nếu trẻ hóc dị vật, phụ huynh phải bình tĩnh để có hướng xử trí thích hợp và đưa trẻ đến bệnh viện.
HOÀNG ANH