Xuất khẩu lao động của Philippines - Con dao hai lưỡi
Tại các sân bay sầm uất nhất thế giới, các nhân vật quan trọng (VIP) thường là những người nổi tiếng, chính trị gia hay tỷ phú. Thế nhưng ở Philippines, VIP lại là những lao động Philippines làm việc nước ngoài (OFW).
Các lao động Philippines chuẩn bị lên máy bay đi làm việc ở nước ngoài.
OFW được xem là vũ khí bí mật của nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á này.
Kể từ năm 1992 -2016, hơn 10 triệu lao động Philippines đã đi làm việc ở nước ngoài và lượng tiền mà họ gởi về nước đóng vai trò sống còn trong việc ổn định nền kinh tế đất nước.
Chỉ tính riêng năm 2016, khoản kiều hối trị giá gần 30 tỷ USD đã góp phần rất lớn trong việc ổn định đồng peso, tạo thuận lợi cho việc cân đối cán cân thanh toán của Manila và hỗ trợ tiêu dùng giúp nền kinh tế Philippines hồi sinh.
Con dao hai lưỡi
Mặc dù là vũ khí bí mật, sự phụ thuộc quá nhiều vào lượng kiều hối ở Philippines đang ngày càng lộ ra nhiều bất ổn.
Không thể phủ nhận những lợi ích ngắn hạn mà dòng chảy kiều hối này mang lại cho kinh tế Philippines giúp giảm sức ép cho việc tạo việc làm ở quê nhà, song đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng cấp bách phải điều chỉnh lại các thị trường lao động trong nước, điều chỉnh các chính sách thuế cũng như cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo.
Do quá phụ thuộc vào nguồn xuất khẩu lao động, một trong những ưu tiên hàng đầu trong những chuyến công tác nước ngoài của các nhà ngoại giao Philippines luôn là thúc giục các nước tiếp nhận tăng số lượng visa nhằm giúp Philippines có thể xuất khẩu càng nhiều lao động giỏi càng tốt.
Con người không thể trở thành sản phẩm chính của một quốc gia. Nó dẫn tới hiện tượng chảy máu chất xám, làm suy kiệt nguồn lực lao động tại các địa phương, giảm năng suất lao động và sự sáng tạo về lâu về dài.
Cựu Tổng thống Aquino từng tiến hành một số biện pháp nhằm giảm tốc độ dòng chảy lao động ra nước ngoài, bao gồm những nỗ lực kiểm soát dân số, bất chấp sự phản đối của nhóm Cơ đốc giáo đầy quyền lực. Tuy nhiên, những nỗ lực phục hồi lao động trong nước của ông chưa mang lại kết quả.
Sang đến thời của Tổng thống Rodrigo Duterte, ông cũng đang dốc sức để đưa thêm lao động của mình về nước. Song, trên thực tế cách làm của ông Duterte khiến cho tình trạng phụ thuộc vào xuất khẩu lao động của Philippines càng trở nên tồi tệ hơn.
Lấy ví dụ, ông Duterte đã thành lập Bộ các vấn đề về lao động Philippines làm việc nước ngoài và thiết lập một ngân hàng dành cho cộng đồng người Do thái đang làm việc ở nước ngoài. Mới nhìn vào, những biện pháp này có vẻ rất thực tế nhằm đem lại sự hỗ trợ trực tiếp cho người lao động ở nước ngoài trong bối cảnh địa chính trị thế giới ngày càng đầy bất ổn, như: Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), cuộc xung đột ở Syria, khủng bố và buôn người. Thế nhưng, các biện pháp trên vô hình chung đã thể chế hóa đặc điểm của nền kinh tế Manila - điều mà họ cần loại bỏ. Sự lạm quyền điều tiết đang làm gia tăng những rủi ro tại Philippines.
Hiện không chỉ có những lao động thu nhập thấp mới đi xuất khẩu lao động. Theo nghiên cứu gần đây của Ngân hàng phát triển châu Á, trong khoảng thời gian 10 năm trước năm 2011, số lao động có bằng đại học đổ xô đến các quốc gia giàu có hơn làm việc đã tăng tới 66%. Hơn một nửa số lao động này được đưa tới Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phần lớn đến từ Philippines. Cũng có nhiều lao động làm việc tại những khu vực ngoài OECD như Trung Đông.
Để giải quyết bài toán "chảy máu chất xám", chính quyền Tổng thống Duterte cần nhanh chóng có những biện pháp nhằm tạo việc làm mới cho hàng triệu lao động trong nước trên các lĩnh vực sản xuất, du lịch và khoáng sản.
Việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng như ông Duterte cam kết phải bao gồm tạo ra các cơ hội việc làm và tăng cường tính cạnh tranh của đất nước cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.
Philippines sẽ có một tương lai tươi sáng hơn nếu sản phẩm xuất khẩu chính của họ là điện tử, xe hơi và những phát minh tự sáng chế, chứ không phải là người lao động.
Hồng Hà (Theo Asia Times)