Giải võ cổ truyền các võ đường toàn tỉnh tranh cúp Hoàng đế Quang Trung năm 2017: Hứa hẹn cạnh tranh quyết liệt!
Sau một năm gián đoạn, Giải võ cổ truyền các võ đường toàn tỉnh tranh cúp Hoàng đế Quang Trung lần thứ II - năm 2017 sẽ được tổ chức từ ngày 1 đến 8.7. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của nhiều đoàn, sự tham gia của đông đảo VÐV, giải hứa hẹn sẽ có sự tranh chấp căng thẳng và hấp dẫn ở nhiều nội dung thi đấu.
Giải võ cổ truyền các võ đường toàn tỉnh tranh cúp Hoàng đế Quang Trung lần thứ II - năm 2017 sẽ được tổ chức tại Nhà thi đấu Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, riêng những trận đấu đối kháng vào ban đêm sẽ diễn ra ở Quảng trường Trung tâm tỉnh để phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân và du khách. Theo thống kê của Ban Tổ chức, tính đến ngày 27.6, đã có 38 võ đường với gần 500 VĐV đăng ký tham gia, trong đó có 112 võ sĩ thi đấu đối kháng.
Nhiều trận đấu ở Giải võ cổ truyền các võ đường toàn tỉnh tranh cúp Hoàng đế Quang Trung năm 2017 sẽ diễn ra tại Quảng trường Trung tâm tỉnh để phục vụ đông đảo khán giả và du khách.
- Trong ảnh: Một trận đấu đối kháng tại Giải võ cổ truyền các võ đường toàn tỉnh tranh cúp Hoàng đế Quang Trung năm 2015.
Tăng thêm nội dung thi đấu
Phần hội thi lần này tổ chức thi đấu 4 nội dung: quyền quy định, mỗi VĐV dự thi 2 bài bắt buộc, 1 bài tay không và một bài binh khí trong các bài quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam (giải vô địch mỗi võ đường được cử tối đa 2 VĐV nam, 2 VĐV nữ; giải trẻ tranh giải cá nhân ở 3 hạng tuổi cho cả nam và nữ); quyền tự chọn, không chia hạng tuổi, tranh giải cá nhân 4 nội dung cho cả nam và nữ (quyền tay không, binh khí ngắn, binh khí dài, nhuyễn tiên), các bài tự chọn phải là bài đặc trưng của võ cổ truyền, có tên bài và lời thiệu, không phải là bài quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam; quyền tập thể, thi đấu 3 nội dung (căn bản công pháp I dành cho lứa tuổi 7-11, căn bản công pháp II dành cho lứa tuổi 12-15, căn bản công pháp III dành cho lứa tuổi 16-18); đối luyện, giải vô địch và giải trẻ đều thi đấu 3 nội dung: tay không với tay không, tay không với binh khí, binh khí với binh khí.
Lý giải về việc đưa thêm nội dung quyền tập thể vào chương trình thi đấu năm nay, một thành viên Ban Tổ chức giải cho biết: Căn bản công là một trong những nền tảng quan trọng của võ cổ truyền. Khi đã nắm vững các động tác, kỹ thuật căn bản công, võ sinh dễ dàng thực hiện được động tác của những bài quyền; kỹ năng thi đấu đối kháng cũng được phát triển từ nền tảng này. Hiện chúng ta đang đẩy mạnh việc đưa võ cổ truyền vào trường học, việc đưa căn bản công vào chương trình thi đấu lần này là định hướng cho các trường có sự chuẩn bị về nội dung, để tham gia giải võ cổ truyền Hội khỏe Phù Đổng trong thời gian tới.
Ở phần đối kháng, giải vô địch (dành cho các VĐV lứa tuổi từ 18-30) tổ chức thi đấu 9 hạng cân nam và 8 hạng cân nữ; giải trẻ (dành cho các VĐV lứa tuổi 15-17) tổ chức thi đấu 8 hạng cân nam và 7 hạng cân nữ. Trong mỗi trận đấu, võ sĩ phải thực hiện bài xe đài của môn phái trước khi tham gia thi đấu ở hiệp thứ nhất.
Ðiểm mặt anh tài!
Sau một năm không tổ chức thi đấu, giải lần này hứa hẹn có nhiều bất ngờ, bởi lực lượng của các võ đường ít nhiều có sự thay đổi. Tuy nhiên, những võ đường danh tiếng vẫn có ưu thế riêng của mình.
“Sau một năm không tổ chức thi đấu, giải lần này hứa hẹn có nhiều bất ngờ, bởi lực lượng của các võ đường ít nhiều có sự thay đổi”
Điển hình như ở nội dung hội thi, cờ Nhất toàn đoàn dành cho huyện, thị xã, thành phố có lẽ khó lọt khỏi tay Tuy Phước, địa phương có 3 võ đường với bề dày truyền thống gồm: Chùa Long Phước, Phi Long Vinh, Kim Huệ. Tuy nhiên, việc cạnh tranh cúp vô địch dành cho võ đường lại là câu chuyện khác. Dù đã đoạt cúp năm 2014 (giải vô địch các CLB toàn tỉnh) và 2015 (giải Hoàng đế Quang Trung), nhưng võ đường Chùa Long Phước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ võ đường Nguyễn Thanh Vũ cũng như 2 võ đường “đồng hương” kể trên.
Theo võ sư Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch Hội võ thuật TP Quy Nhơn, năm nay TP Quy Nhơn có hơn 10 võ đường tham gia giải. Riêng võ đường Nguyễn Thanh Vũ có gần 40 võ sinh tranh tài ở cả nội dung vô địch và trẻ. “Cũng như những năm trước, nội dung hội thi - đối luyện vẫn là chủ lực của CLB, nhưng chúng tôi vẫn có khoảng 10 võ sĩ tham gia các nội dung đối kháng, cả ở giải trẻ và giải vô địch” - võ sư Nguyễn Thanh Vũ chia sẻ.
Với lực lượng dày dạn, được duy trì tập luyện thường xuyên và tham gia đạt kết quả cao ở các giải trước đây, CLB Nguyễn Thanh Vũ được coi là một trong những ứng cử viên sáng giá trong việc tranh chấp cúp vô địch nội dung hội thi.
Nội dung đối kháng càng khó lường hơn, khi lực lượng của những tên tuổi lớn như: Năm Phương (An Nhơn), Hồ Bé (Tây Sơn), Thành Sô (Phù Mỹ)… vẫn còn hùng mạnh. Bên cạnh đó, sau thời gian xây dựng lực lượng ở Vân Canh, võ sư Hồng Kha cho trình làng lứa võ sĩ nhiều tiềm năng là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, sự xuất hiện lần đầu tiên của một vài võ đường ở An Nhơn, Hoài Nhơn… cũng sẽ tạo nên sắc màu phong phú cho các trận đấu. Sự trở lại của võ đường Thanh Thiên (Hoài Nhơn) sau 5 năm vắng bóng cũng là niềm hy vọng lớn cho giới hâm mộ võ thuật xứ Dừa.
Âm thầm gầy dựng, đến nay, võ đường Thành Huy (Phù Mỹ) đang nổi lên như một ứng cử viên sáng giá. HLV Xuân Huy - học trò của võ sư Thành Sô, người đang giữ cúp đối kháng Giải võ cổ truyền các võ đường toàn tỉnh tranh cúp Hoàng đế Quang Trung - cho biết, võ đường Thành Huy đăng ký 16 VĐV thi đấu đối kháng và 11 VĐV tham gia hội thi. Năm nay lực lượng đối kháng chủ yếu thi đấu ở giải vô địch, nhằm có sự chuẩn bị tốt cho Giải võ cổ truyền Đại hội TDTT toàn tỉnh năm 2017. Một số VĐV là học sinh, sinh viên ở xa nhân dịp hè cũng trở về đầu quân cho CLB, tạo thêm sức tranh chấp cho Thành Huy.
LÊ CƯỜNG