3 rào cản chính khiến Mỹ, Hàn bất đồng về vấn đề Triều Tiên
Mỹ và Hàn Quốc khó có thể hợp tác giải quyết mối đe dọa chung từ Triều Tiên nếu không vượt qua 3 vấn đề tồn tại.
Trong bối cảnh mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết, quan hệ đồng minh chiến lược giữa Mỹ và Hàn Quốc đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng.
Mặc dù trước nay Hàn Quốc và Mỹ luôn cùng nhau giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, song cả hai lại tỏ ra thiếu "ăn ý" nhau ở những thời điểm kịch tính, do sự khác biệt về lập trường quan điểm cũng như những lựa chọn chính sách để đối phó Triều Tiên. Cuộc gặp cấp cao sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có ý nghĩa quan trọng, đóng vai trò là chiếc cầu nối đầu tiên để hai nước cùng sát cánh nhau giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Giới quan sát lo ngại hai bên sẽ tiếp tục bất đồng do chính sách "nước Mỹ trước tiên" mà chính quyền Tổng thống Trump đang theo đuổi hay chính sách đối ngoại độc lập của chính quyền Tổng thống Moon. Ngoài ra, kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc cũng là một lý do dẫn tới bất đồng.
Với những bài học đã trải qua trong quá khứ, hai bên cần tập trung giải quyết 3 rào cản chính tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, nếu hai bên muốn sát cánh cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Chính sách ưu tiên khác biệt
Rào cản đầu tiên hai bên cần vượt qua là sự bất đồng trong chính sách ưu tiên quốc gia. Hai bên đang có chính sách ưu tiên khác biệt đối với Triều Tiên và đó là lý do khiến Mỹ và Hàn Quốc không thể đưa ra các biện pháp đáp trả Triều Tiên cứng rắn.
Trong khi Mỹ tỏ ra thận trọng khi quyết định phát động chiến dịch quân sự đối phó Triều Tiên (do sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq) và cũng không dồn hết sức để tạo ra đột phá trong các cuộc đàm phán 6 bên, Hàn Quốc lại đối mặt với những khó khăn riêng trong việc theo đuổi một chính sách nhất quán đối với Triều Tiên do bất đồng nội bộ giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến.
Tuy vậy, việc điều chỉnh các chính sách ưu tiên trên là điều có thể, nhất là sau khi Hàn Quốc trải qua vụ bê bối chính trị liên quan tới cựu tổng thống Park Geun-hye làm nảy sinh nhiều khó khăn mới, bao gồm việc hàn gắn sự bất đồng giữa các cánh chính trị trong nước và thiết lập một cơ sở tài chính nhằm xây dựng một chính sách mới hướng tới Triều Tiên. Trong khi đó, các chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên cũng có thể thay đổi bất cứ lúc nào do tác động bởi sự trỗi dậy về mặt quân sự và kinh tế của Trung Quốc cũng như lập trường cứng rắn ngày càng tăng của Triều Tiên.
Do vậy, cuộc gặp cấp cao sắp tới đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình bộ khung cho mối quan hệ tương lai Mỹ-Hàn và thống nhất một thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản cho định hướng chính sách.
Khác biệt về nhận thức mối đe dọa
Dù Triều Tiên đang tăng cường các động thái đe dọa quân sự, song nhận thức về mối đe dọa Triều Tiên được cảm nhận rất khác biệt giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Đây là vấn đề không mới. Vào tháng 5.2003, Mỹ đã yêu cầu áp dụng một chính sách cứng rắn chống lại Triều Tiên khi chính quyền tổng thống Bush liệt Triều Tiên vào danh sách "trục ma quỷ", tuy vậy Hàn Quốc lại ủng hộ một chính sách thận trọng hơn.
Gần đây, Hàn Quốc chỉ trích Mỹ chỉ theo đuổi các chính sách cứng rắn, trong khi Washington lên án Seoul quá đặt nặng vào những cử chỉ hòa giải đối với Bình Nhưỡng, nguyên nhân khiến quan hệ đồng minh rạn nứt và Triều Tiên đã lợi dụng điểm yếu này để đẩy mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa của họ.
Nhà Trắng đang lo ngại Hàn Quốc có thể theo đuổi một chính sách độc lập về Triều Tiên mà không hề có sự hợp tác trước với Washington.
Mộ liên minh được thành lập và duy trì dựa trên việc cùng hợp tác đối phó các mối đe dọa chung. Yếu tố chính để duy trì quan hệ đồng minh chính là lòng tin. Cuộc gặp cấp cao sắp tới được xem là cơ hội để hai bên khôi phục lại lòng tin lẫn nhau.
Liên minh không đối xứng
Rào cản thứ ba là thế lưỡng nan về liên minh không đối xứng. Nếu các biện pháp đối phó được ưu tiên của hai bên khác biệt nhau, liên minh chỉ có thể hoạt động một cách lỏng lẻo và khó có thể đối phó một cách hợp lý mối đe dọa chung.
Để khắc phục tình trạng này, hai bên cần thiết phải khôi phục lòng tin và đó cũng chính là mục tiêu đặt ra của hội cuộc gặp cấp cao sắp tới.
Đối với Hàn Quốc, nước này cần quan tâm mối quan tâm của Mỹ bằng việc đưa ra chính sách hợp lý để giải quyết kế hoạch triển khai THAAD cũng như làm rõ chính sách của mình về Triều Tiên.
Mỹ cũng cần thấu hiểu nỗi lo lắng của đồng minh. Với Mỹ, việc có được một đồng minh thân cận như Hàn Quốc ở châu Á là hết sức cần thiết để có thể kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc và duy trì sự hiện diện của Mỹ tại châu Á.
Nếu vượt qua cả 3 rào cản nói trên, liên minh Mỹ-Hàn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và có thể đóng góp cho an ninh và thịnh vượng của cả hai nước.
Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Moon và Trump sẽ là chất xúc tác để hai bên vượt qua các rào cản bằng 3 bước đi cụ thể: đạt được sự đồng thuận trong nước về chính sách Triều Tiên, thống nhất về mối đe dọa nhận thức giữa hai nước và khôi phục lòng tin để vượt qua thế lưỡng nan của liên minh không cân xứng.
Hồng Hà (Theo Diplomat)