Số người tham gia BHYT sẽ tăng trong thời gian tới
Ðó là nhận định của ông Phạm Mai, Giám đốc BHXH tỉnh, trong cuộc trao đổi với PV Báo Bình Ðịnh nhân kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 1.7. Nhưng để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 90% dân số toàn tỉnh tham gia BHYT, cần tăng cường nhiều biện pháp và sự chung tay của nhiều cấp, ngành.
* Việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân ở tỉnh ta hiện vẫn còn khá nhiều vướng mắc. Đâu là giải pháp trong thời gian tới, thưa ông?
- Chúng ta đặt mục tiêu, đến năm 2019 có 86,8% dân số và đến năm 2020 có 90% dân số toàn tỉnh tham gia BHYT.
Giá dịch vụ y tế tăng được cho là có tác động tích cực trong việc tăng số người tham gia BHYT.
- Trong ảnh: Bác sĩ thực hiện một ca phẫu thuật khớp gối tại BVĐK tỉnh.
Vướng mắc cơ bản trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân hiện nay là vẫn còn một bộ phận người dân, học sinh, sinh viên, chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHYT nên chưa tự nguyện tham gia. Tỉ lệ tham gia của các nhóm đối tượng theo hộ gia đình đạt dưới 70%, trong đó đối tượng sinh viên chỉ đạt 48,1%. Mặt khác, hiện còn nhiều chủ sử dụng lao động chưa đóng BHYT cho người lao động (đối tượng cùng tham gia BHXH, BHYT), tỉ lệ tham gia của nhóm đối tượng này chỉ đạt 76%. Đối với hộ cận nghèo, vẫn còn trên 48% người cận nghèo chưa tham gia BHYT, dù Nhà nước đã hỗ trợ 70% mức đóng.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp chưa thật sự vào cuộc quyết liệt trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, nhất là trong triển khai BHYT theo hộ gia đình, nên tỉ lệ tham gia còn thấp so với chỉ tiêu đề ra.
Để nâng số lượng và tỉ lệ người dân tham gia BHYT, theo tôi cần: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng tới từng nhóm đối tượng để nâng cao nhận thức về chính sách BHYT; các cấp, các ngành tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BHYT, xử lý nghiêm các trường hợp trốn đóng, nợ đọng BHYT, bảo về quyền lợi tham gia BHYT cho người lao động; huy động các nguồn lực để hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người cận nghèo.
* Mới đây, giá dịch vụ y tế đối với các trường hợp khám chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán BHYT đã tăng cao. Chính sách này có tác động thế nào đến việc tăng/giảm số lượng người tham gia BHYT, thưa ông?
- Trước đó, giá dịch vụ KCB BHYT đã có 2 đợt điều chỉnh tăng giá, một đợt từ ngày 1.3.2016 và một đợt từ ngày 1.4.2017.
Đợt điều chỉnh từ ngày 1.4.2017, giá dịch vụ KCB BHYT có tính chi phí tiền lương vào cơ cấu giá, nên giá tăng cao so với mức giá điều chỉnh từ ngày 1.3.2016. Trong đó tăng cao nhất là tiền giường và tiền công khám (tăng từ 2 - 3 lần); giá các dịch vụ KCB BHYT còn lại tăng từ 15-20%.
Vừa qua Bộ Y tế ban hành quy định mức giá dịch vụ KCB đối với các trường hợp KCB không thuộc phạm vi thanh toán BHYT (có hiệu lực từ ngày 1.6.2017) với mức giá dịch vụ KCB tăng rất cao. Hãy hình dung thế này, một người, một gia đình không nghèo, nhưng qua một đợt điều trị bệnh nặng, dài ngày, thì nguy cơ chuyển sang diện nghèo, cận nghèo là rất cao. Điều đó chắc chắn sẽ tác động đến nhận thức của nhiều người và cách đơn giản, hiệu quả nhất là tham gia BHYT.
* Vậy, ông có thể nói gì về việc thực hiện chỉ tiêu 84,04% dân số của tỉnh tham gia BHYT năm 2017?
- Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 1.288.671 người tham gia BHYT, tăng 39.436 người so với số cuối quý I.2017, song ít hơn 10.755 người so với số tham gia cuối năm 2016. Tỉ lệ tham gia đạt 83,2% dân số, thấp hơn 0,84% so với chỉ tiêu HĐND, UBND tỉnh giao.
Để hoàn thành chỉ tiêu năm 2017 là có 84,04% dân số tham gia BHYT, trong 6 tháng còn lại của năm 2017 phải khai thác thêm khoảng 13.000 người. Điều này hoàn toàn khả thi, bởi từ tháng 9, học sinh, sinh viên sẽ bước vào năm học mới, các em sẽ tham gia BHYT. Ngoài ra, ngành BHXH tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia theo hộ gia đình.
* Xin cảm ơn ông!
LÊ CƯỜNG (Thực hiện)