Ngôi nhà mồ - một góc nhìn văn hóa Hre
Người Hre quan niệm về cái chết nhẹ nhàng theo quy luật “sinh - lão - bệnh - tử”, chết đi có nghĩa bắt đầu một đời sống, thế giới khác. Do vậy mà từ xa xưa ta thấy dưới mỗi ngôi nhà sàn thường có một hoặc hai cỗ quan tài bằng gỗ, là một khúc cây to, được đẽo rỗng trong ruột, có nắp đậy, hình thuyền. Đó là khâu chuẩn bị quan trọng của gia đình dành cho người già khi biết người già sắp về với tổ tiên.
Ngôi nhà mồ của người Hre.
Theo tập tục, người sống chỉ đưa người chết đến rừng ma chôn cất một lần rồi thôi. Sau đó không cúng giỗ gì nữa và người sống cũng không được phép đến nghĩa địa. Chính vì vậy, cùng với cỗ quan tài, đồng bào Hre chuẩn bị “nhà mồ”, “nhà ma” (Nim năn) rất bài bản.
Nhà mồ Hre cao chừng 1m, được làm bằng cây, mái lợp ngói (ngày xưa lợp bằng tranh, lá). Chung quanh có cắm những cây rừng cao ngang nóc nhà, trên cây treo những vật dụng đã được “chia” như: gùi, xoong nồi, nón, giỏ, rựa, dao, võng, túi xách… Dưới đất đặt những cái ché, hũ sành, nồi đồng… là những vật dụng mà người chết dùng khi còn sống. Người Hre vẫn giữ tục chia tài sản cho người chết, gọi là chia của. Lúc còn sống, họ làm lụng, sinh hoạt và gắn bó với những vật dụng gì thì khi chết phải chia cho họ, để khi sang đời sống, thế giới khác họ có ngay cái để sử dụng, lao động, hưởng thụ.
Trong vài ngôi nhà ma, phía dưới thấp còn có một ngôi nhà nhỏ úp lọt thỏm trong ngôi nhà lớn, trên nóc nhà và hai mái có vẽ nhiều hoa văn. Theo quan niệm của đồng bào đó là nhà mồ của người giàu. Ngày xưa, người giàu khi chết quan tài được làm bằng gỗ tốt, được treo ở chỗ cao hơn người nghèo, họ cứ treo như thế cho đến khi nào dây rừng mục nát, đứt, hòm tự rơi xuống huyệt mộ đã đào sẵn. Những người nhà nghèo hay nhà bình thường thì được chôn bằng hòm làm từ gỗ cây xương mộc hoặc cây rừng khác giá trị thấp. Xác của trẻ mới sinh bị chết cũng không chôn dưới đất mà bỏ vào trong gùi giỏ, xà đát, phủ lá cây rừng và cũng được treo như người nhà giàu cho đến khi tự rớt…
Theo phong tục Hre, sau 3 năm cúng kính đàng hoàng, đồng bào bỏ mả.
Ngày nay, cùng với thời gian và sự phát triển chung của xã hội; các hủ tục lạc hậu đã giảm nhiều. Song, một số lễ tục, tập quán phù hợp truyền thống, tín ngưỡng vẫn được đồng bào giữ gìn. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có một cái nhìn toàn diện và thận trọng, tránh áp đặt hoặc can thiệp một cách “thô bạo” vào thế giới tâm linh của đồng bào.
ÐỨC PHÚ