An Nhơn: Cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường
Hiện nay, các cơ sở sản xuất bún - bánh trong khu dân cư thuộc xã Nhơn Phúc và cơ sở tái chế nhựa ở phường Nhơn Thành (TX An Nhơn) xả thải gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh.
Nghề sản xuất bún - bánh ở xã Nhơn Phúc đã nâng cao đời sống cho hàng trăm hộ dân ở địa phương, nhưng cũng là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bởi nước thải sản xuất chưa được xử lý. Ảnh: TRỌNG LỢI
Sản xuất gây ô nhiễm
Theo UBND xã Nhơn Phúc, toàn xã hiện có hơn 220 hộ làm nghề bún - bánh, tập trung chủ yếu ở thôn An Thái và Mỹ Thạnh nhưng chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Mỗi ngày, các cơ sở xả trực tiếp hàng trăm mét khối nước thải ra vườn nhà, kênh, mương, sông, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Ngay tại đội 20, thôn An Thái, trên 30 hộ sản xuất, kinh doanh đều xả thải trực tiếp ra bờ sông Côn. Thậm chí, có hộ lắp đường ống nước dài cả trăm mét đấu nối từ nhà xả thẳng ra sông. Chị T., một chủ cơ sở sản xuất bún ở nơi này, cho biết: “Mỗi ngày gia đình tôi làm ra khoảng 100kg bún. Nan giải nhất là việc xử lý nước thải, vì không biết thoát vào đâu nên đành phải thải ra phía sau sông Côn. Biết làm như vậy là ô nhiễm, nhưng kinh phí làm hệ thống xử lý nước thải quá lớn nên đành làm liều”. Trong khi đó, theo ông N.H.T., chủ một hộ sản xuất ở thôn Mỹ Thạnh, việc các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ở địa phương tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải là quá khó. Vì vậy, chính quyền địa phương cần sớm quy hoạch, đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực dân cư.
Cũng theo phản ánh của người dân thôn Đại Hòa, xã Nhơn Hậu, thời gian gần đây, cơ sở sơ chế nhựa của ông Nguyễn Văn Hồng (ở tại thôn Vĩnh Phú, phường Nhơn Thành, cách khu dân cư thôn Đại Hòa con sông Bến Gỗ) đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Cơ sở này làm vung vãi bì ny lon ra khu vực xung quanh; trong quá trình tập kết và xử lý nguyên liệu đã để bốc mùi nhựa nồng nặc. Chủ cơ sở còn đấu nối xả nước thải sơ chế ra thẳng sông Bến Gỗ; để chất thải ngay phía sau khu vực xưởng sơ chế (giáp sông Bến Gỗ) nhưng không che chắn nên chất thải theo nước mưa chảy xuống sông gây ô nhiễm.
Ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, cho biết, xưởng của ông Hồng có 3 hồ lắng, lọc để xử lý sơ bộ nước thải trước khi thải ra sông nhưng lại chưa xây dựng bể chứa nước đối chứng sau quá trình xử lý để cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát trước khi thải nước ra môi trường. Cơ sở cũng chưa bảo quản, xử lý nguyên liệu và chất thải sản xuất đúng theo quy định. Bà N.T.B., ở thôn Đại Hòa, nói: “1, 2 năm trở lại đây, đoạn sông Bến Gỗ giáp với cơ sở sơ chế nhựa bị ô nhiễm nặng. Nước sông có màu đen, thường nổi váng. Cá đánh bắt lên không thể ăn được vì ruột cá màu đen, hôi mùi khó chịu. Dân địa phương phản ảnh, chính quyền và các ngành chức năng đã tới kiểm tra, song tình hình không thay đổi gì”.
Các loại bao bì, nhựa phế liệu tập kết bên ngoài xưởng sơ chế nhựa của ông Nguyễn Văn Hồng nhưng không được che chắn, bảo quản cẩn thận. Ảnh: CÔNG LUẬN
Cần giải quyết triệt để
Về tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương, ông Võ Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, cho biết các cơ sở sản xuất bún, bánh phát triển tự phát, nhà ở cũng là cơ sở sản xuất nên nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng cho cộng đồng dân cư càng lớn. Hiện, chỉ khoảng 10% cơ sở có đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Địa phương đã cùng các hộ sản xuất xây dựng bể lắng, hầm biogas để hạn chế nạn ô nhiễm môi trường, song vẫn chưa giải quyết được triệt để.
Theo Phòng TN-MT TX An Nhơn, kết quả kiểm tra một số cơ sở sản xuất bún - bánh tại xã này cho thấy đa phần đều chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải và xả thải trực tiếp xuống sông Côn bằng các ống nhựa. UBND thị xã đã làm việc với UBND xã Nhơn Phúc, yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhất là tại thôn An Thái, phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, sử dụng chế phẩm vi sinh học xử lý mùi hôi, đảm bảo nước đạt quy chuẩn trước khi thải ra sông; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo kiến nghị của ông Võ Minh Hoàng thì: Để giải quyết triệt để nạn ô nhiễm tại các làng nghề ở địa phương, cần phải di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư vào khu vực sản xuất tập trung có hệ thống xử lý nước thải được đầu tư bài bản. Bởi kinh phí đầu tư quá lớn, địa phương không kham nổi, nên đề nghị UBND TX An Nhơn sớm đầu tư xây dựng hạ tầng ở CCN Thắng Công (xã Nhơn Phúc) để di dời các cơ sở vào đây sản xuất.
Về biện pháp xử lý cơ sở sơ chế nhựa của ông Nguyễn Văn Hồng gây ô nhiễm tại thôn Đại Hòa (xã Nhơn Hậu), Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu Giả Văn Thọ cho biết, đến nay, chủ cơ sở vẫn chưa thực hiện đầy đủ những yêu cầu trên của tổ kiểm tra TX An Nhơn như: thường xuyên vệ sinh các hồ lắng, lọc; xây dựng ngay bể chứa nước đối chứng sau quá trình xử lý; thu gom các loại chất thải để đúng nơi quy định... Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại, ông Võ Quí Chương, Phó Phòng TN-MT TX An Nhơn, cho rằng: Theo báo cáo giám sát môi trường định kỳ năm 2017, các chỉ tiêu phân tích môi trường tại xưởng sản xuất, sơ chế nhựa của ông Hồng nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam; cũng không có chuyện chủ cơ sở xả nước thải trực tiếp ra môi trường như dân phản ảnh. Tuy nhiên, cơ sở này còn để bao bì ny lon rơi vãi nhiều nơi, chưa thu gom, xử lý kịp thời; tập kết chất thải ngay cạnh bờ sông nhưng chưa có biện pháp bảo quản, xử lý phù hợp. Vì vậy, sắp tới, Phòng tiếp tục kiểm tra, nếu chủ cơ sở không có biện pháp khắc phục triệt để, khiến môi trường bị ảnh hưởng thì sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
NHƠN HỘI - CÔNG LUẬN