Ví dầu tình bậu muốn thôi…
Phiên tòa phúc thẩm vụ án truy nhận cha cho con, ban đầu chỉ có hai người, một nam một nữ, đều 27 tuổi. Bị đơn là nam, đã có vợ, con. Nguyên đơn là mẹ đơn thân.
Trước đây, họ đã có thời gian có quan hệ tình cảm, yêu đương. Khi mối tình đơm hoa kết trái thì chàng trai nọ nói lời giã biệt. Cô gái tự sinh con, nuôi con một mình, cho con mang họ mẹ. Khi con hơn 2 tuổi, cô làm đơn xin xác nhận cha cho con.
Dựa vào kết quả giám định AND từ mẫu tóc, máu và niêm mạc miệng của cả ba người (đã chứng minh đứa bé là con chung của cả hai với xác xuất 99,9999%), tòa sơ thẩm đã tuyên buộc người cha tên L.(*) có nghĩa vụ chu cấp tiền nuôi dưỡng con đến năm con 18 tuổi với mức 600 ngàn đồng/tháng; ngoài ra chịu thêm khoản chi phí giám định AND hơn 6,1 triệu đồng (được quy định tại Điều 138 Bộ Luật tố tụng dân sự).
L. kháng án. Trước hội đồng xét xử phúc thẩm, L. trình bày lý do: “Tui làm nghề sửa xe máy, thu nhập khi có khi không, lại còn nuôi vợ và con. Vậy nên, mức hỗ trợ nuôi con vậy là nhiều, gần bằng nửa tháng lương tối thiểu chứ ít gì. Tui đề nghị hỗ trợ 400 đồng/tháng. Vả lại, lỡ tui hổng làm ra đồng bạc nào mà cứ buộc tui phải chu cấp thì lúc ấy biết làm sao được…”.
Nguyên đơn trình bày, chi phí nuôi con mỗi tháng khoảng trên 2 triệu đồng, nhưng thu nhập từ nghề thợ may của cô mỗi tháng chỉ trên 1 triệu đồng. “Vậy làm sao cô đủ nuôi con?”- tòa hỏi. “Chủ yếu là nhờ cha mẹ ruột phụ thêm vào” - người vợ đáp.
Chủ tọa phiên tòa quay sang phân tích với L.: “Anh là đàn ông, cho dù gặp khó khăn thì cũng không thể bằng cái khó khăn của một người phụ nữ đơn thân nuôi con, chưa kể đến điều tiếng xã hội. Mà, nuôi con anh chứ con ai nữa, sau này lá rụng về cội. Giả sử nếu anh bị đau ốm nặng hoặc tán gia bại sản, của cải không còn gì, thì có lẽ người ta cũng không buộc anh phải thi hành án đâu… ”. Nghe xuôi tai, L. đồng ý với mức hỗ trợ nuôi con 600 ngàn đồng/tháng.
Nhưng đến khoản tiền chi phí giám định AND mà tòa sơ thẩm tuyên buộc thì L. kiên quyết không chịu trả. L. viện dẫn đến Điều 63 Luật Hôn nhân gia đình, thậm chí còn tranh luận gay gắt với Hội đồng xét xử: “Trong luật không quy định tôi phải nộp khoản tiền này, để tôi lấy máy “đao” tài liệu (tải dữ liệu từ mạng internet - PV) chứng minh”. Để đương sự tâm phục khẩu phục, chủ tọa phiên tòa đã đồng ý cho tạm hoãn phiên tòa để chờ, song mãi mà L. vẫn chưa tìm thấy tài liệu. Lúc này, người nhà của L. cũng đã vào ngồi dự ở khán phòng, phụ họa cùng với con trai.
Nhân lúc phiên tòa tạm hoãn, tôi tranh thủ lân la trò chuyện với mẹ của L., đang ngồi ở ngoài hành lang: “Nghe nói, sau khi cô gái đó sinh em bé, cô cũng có đến thăm, cho tiền mẹ con cô ấy?”. Người mẹ lắc đầu: “Làm gì có chuyện đó. Chắc gì con cháu của tui mà đến thăm nom. Chuyện người này nuôi con người kia thời nay đâu phải hiếm. Bởi vậy, phải cứ nhờ giám định AND cho chắc, nếu đúng là con cháu mình thì mình nhận chứ sao. Cách đây hai năm, ngày tôi cưới vợ cho thằng L., con đó cũng đã tới quậy một trận tưng bừng, cỗ bàn chuẩn bị hàng chục triệu đồng phải đem đi đổ”. L. ngồi trong khán phòng tiếp lời mẹ: “Cô ấy không những quậy đám cưới của tôi, đập phá nhiều đồ đạc, lại còn vu cho chị tôi đánh cô ấy gây thương tích”.
Tôi nhìn quanh quẩn, hình như nguyên đơn và cả người cha của cô ấy đã lặng lẽ bỏ ra ngoài từ lâu…
Hội đồng xét xử phúc thẩm hôm ấy đã tuyên y án sơ thẩm. L. và cả gia đình anh ta hình như vẫn chưa thấy thỏa mãn, ngoại trừ tận mắt chứng kiến được kết quả xét nghiệm AND, rằng đó chính là máu mủ nhà mình. Phía nguyên đơn cũng lặng lẽ rời tòa.
Án phúc thẩm đã tuyên, hiệu lực đã có. Cuối cùng thì cháu bé cũng đã được gia đình bên nội thừa nhận nhờ vào kết quả giám định AND. Vậy nhưng, chẳng hiểu sao, người ngoài như tôi vẫn thấy lấn cấn trong lòng. Mối quan hệ ông bà cháu chắt, tình cha con ruột rà thiêng liêng là vậy, mà cứ phải bất đắc dĩ thế sao.
NGUYỄN SƠN
(*) Vì lý do tế nhị, tòa soạn không đưa tên thật của những người có liên quan trong vụ án.