Cấp nước sạch ở Mỹ Chánh: Niềm vui chưa trọn vẹn
Mỹ Chánh - xã đồng bằng ven biển của huyện Phù Mỹ, thường xuyên khát nước, đặc biệt vào mùa khô, vì nguồn nước giếng đào, giếng khoan bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Những năm gần đây, khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nguồn nước tự nhiên bị khô kiệt, sông suối, ao hồ bị ô nhiễm, khiến cho tình trạng thiếu nước sạch ở đây càng trầm trọng.
Nước sạch - “vui chẳng tày gang”
Năm 2004, nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh được xây dựng, công suất thiết kế 900m3/ngày đêm, cấp nước cho 1.800 hộ dân, do HTX Dịch vụ điện nước xã Mỹ Chánh quản lý. Đến năm 2014, công trình này xuống cấp, hư hỏng nặng, chỉ còn khả năng cấp nước cho 350 hộ ở thôn Hiệp An, quanh chợ An Lương gần nhà máy. Một lần nữa, vấn đề nước sạch ở đây lại trở nên cấp bách.
Bà Trần Thị Biện (bên phải) ở thôn An Xuyên 2, phải mua nước ở xã Cát Minh, Phù Cát.
Tháng 8.2015, công trình nâng cấp, mở rộng nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 11,5 tỉ đồng nhằm cung cấp nước sạch cho hơn 3.000 hộ dân ở 6 thôn thuộc xã Mỹ Chánh và thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát. Đây là một phần của Dự án Cấp nước và vệ sinh cộng đồng do Tổ chức Đông Tây hội ngộ viện trợ không hoàn lại. Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) thuộc Sở NN&PTNT được giao làm chủ đầu tư và quản lý, vận hành nhà máy thay HTX Dịch vụ điện nước xã Mỹ Chánh. Tháng 6.2016, công trình hoàn thành với sự vui mừng của người dân địa phương.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Theo ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT, khoảng 2.470/3.034 hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch ở Mỹ Chánh có nước sạch sử dụng, chiếm khoảng 80%. Tuy nhiên, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, lại cho biết: “Chưa đầy 50% số hộ trên địa bàn xã có nước sạch sử dụng. Một số thôn, đặc biệt là 3 thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2, An Xuyên 3 rất bức xúc vì thiếu nước sạch. Nguồn nước cấp không thường xuyên, thiếu ổn định. Một tuần, nhà máy cấp nước 3 lần, mỗi lần 2-3 giờ. Người dân được thông báo lịch cấp nước và chuẩn bị tích trữ nước. Những hộ không có nước sạch từ nhà máy thì sử dụng nước giếng công cộng do xã xây hoặc mua nước do tư nhân bán. Mùa nắng hạn cao điểm thường vào tháng 6-7 âm lịch; năm nay nhờ có mưa trái mùa nên đỡ bớt phần nào, nhưng không biết sắp tới tình hình sẽ ra sao”.
Ông Lê Văn Lâm, ở xóm Trung An, thôn An Hoan, chia sẻ: “Năm ngoái, cứ 2-3 tháng mới có nước một lần. Đường ống để lâu không sử dụng nên đóng rong đóng rêu. Nước thì đục ngầu, không dùng được. Năm nay, nước đỡ hơn, khoảng 10-20 ngày thì có nước một lần. Nước trong, uống được. Nhưng khoảng 1 tháng nay, nước bị cúp. Tui phải đi xin nước giếng cách nhà 100m, nhưng chủ yếu là mua nước giếng khoan của tư nhân, với giá 5.000 đồng/10 can (loại 20 lít)”.
Ông Huỳnh Bá Hòa ở thôn An Xuyên 2, cho biết: “Tui phải chi 12 triệu đồng khoan giếng ở thôn Lương Thái, cách nhà 500 m, và kéo đường ống về nhà. Không thể khoan giếng gần nhà vì bên dưới có lớp đá bàn cứng; khoan xuyên qua lớp đá thì nước bị nhiễm mặn. Nước sạch của nhà máy mới có trở lại hồi đầu tháng giêng năm nay nhưng chảy thất thường. Lúc thì có buổi sáng, lúc thì buổi chiều, có khi chảy ban đêm. Phải canh chừng để hứng nước”.
Bà Trần Thị Biện, ở sâu hơn trong thôn An Xuyên 2, bức bách: “Cách đây 5-6 năm, khu vực này có nước sạch đúng 1 lần. Giữa năm 2016, nghe nói sắp có nước trở lại, các hộ trong thôn bỏ ra 600-700 ngàn đồng/hộ để lắp lại đồng hồ đo nước mới. Nhưng trong năm 2016, nước chỉ có được vài lần. Từ đầu năm 2017 đến nay, chỗ này và thôn An Xuyên 3 không có một hột nước nào. Người dân phải mua nước bên Cát Minh (Phù Cát) với giá 1.000 đồng/can 20 lít”.
Thiếu vốn đầu tư
Ông Nguyễn Văn Tánh cho biết, nguyên nhân thiếu nước hiện nay chủ yếu là do mạng lưới đường ống cấp nước quá cũ, hư hỏng nặng dẫn đến tình trạng rò rỉ. Tỉ lệ thất thoát nước lên tới hơn 50%. Sau nhiều lần làm đường, đường ống nằm sâu dưới đất nên khó xác định vị trí bể vỡ. Bể chứa nước lọc của nhà máy quá nhỏ (chỉ 150m3), không đủ dung tích điều hòa nước theo quy định (500m3). Nguồn điện vận hành nhà máy chưa ổn định vì sử dụng chung mạng lưới điện hạ thế của khu dân cư. Nguồn nước thô chỉ có 1.200m3/ngày đêm, chưa đáp ứng công suất thiết kế 2.000m3/ngày đêm cho khu xử lý. Để khắc phục những vấn đề này, cần phải đầu tư 4,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn hiện rất khó khăn, chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Cũng theo ông Tánh, trước mắt, Trung tâm NS&VSMTNT vẫn tiếp tục điều tiết cấp nước luân phiên theo lịch, thông báo cho người dân biết để có kế hoạch tích trữ nước. Trung tâm thành lập tổ chống thất thoát nước trên toàn tuyến với nhiệm vụ phát hiện và xử lý kịp thời những điểm rò rỉ trên những đoạn ống xung yếu; tăng cường quản lý nhà máy để hạn chế tổn thất do lỗi kỹ thuật; lên kế hoạch trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung nguồn vốn đầu tư cho các hạng mục còn thiếu.
TỐ UYÊN