Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017: Cần vượt qua nhiều thách thức
Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh đạt 20.955,1 tỉ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ năm 2016. Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm là 7,7% như kế hoạch, đòi hỏi từ nay đến cuối năm tỉnh phải phấn đấu tăng trưởng trên 8%. Rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (đứng) khẳng định, nửa chặng đường còn lại của năm 2017 rất khó khăn và nặng nề; vì vậy, các cấp, ngành cần tiếp tục cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp chỉ đạo, điều hành.
Đó là nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng tại hội nghị trực tuyến với các địa phương đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, do UBND tỉnh tổ chức ngày 30.6.
“Dấu trừ” từ nông nghiệp
Dự thảo báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng qua của UBND tỉnh cho thấy, đóng góp trong GRDP tăng 6,54% so với cùng kỳ, khá nhất là công nghiệp và xây dựng tăng 9,75%; tiếp đến là dịch vụ tăng 7,92%; trong khi đó, nông - lâm - thủy sản chỉ tăng 2,37%. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, nguyên nhân chính làm cho GDRP của tỉnh tăng thấp trong 6 tháng đầu năm là do ngành Nông nghiệp có mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Đi vào cụ thể, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay, giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 7.253 tỉ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt tăng 3,4%, chăn nuôi giảm 2,3%, dịch vụ nông nghiệp tăng 2,5%. Như vậy, nguyên nhân chính nằm ở mức giảm của lĩnh vực chăn nuôi. Đáng chú ý, do tình trạng cung vượt cầu nên giá thịt heo hơi suốt thời gian qua ở mức rất thấp, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, một khó khăn nữa là thu ngân sách. Đi qua nửa năm, tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt 52% dự toán, nhưng bài toán khó nhất là khoản thu công thương nghiệp - ngoài quốc doanh chiếm hơn 50% dự toán pháp lệnh giao lại mới đạt 36%. Vấn đề này, gần như địa phương, đơn vị nào cũng bị vướng. “Hết sức buồn! DN thành lập mới thì tăng, đến nay đã lên con số khoảng 6.000 DN, cộng thêm 25.000 hộ kinh doanh, mà thuế công thương nghiệp - ngoài quốc doanh thì cứ liên tục không đạt”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng nói.
+ Một trong những điểm sáng nổi bật trong sản xuất công nghiệp là ngành sản xuất và phân phối điện đạt mức tăng trưởng 23,5%.
- Trong ảnh: Kiểm tra, sửa chữa hệ thống truyền tải điện về nông thôn. Ảnh: VĂN LƯU
Trong bối cảnh đó, ngành Công nghiệp cho thấy dấu hiệu khả quan với chỉ số sản xuất tăng 7,98% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là những đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp địa phương ở một số ngành như sản xuất chế biến thực phẩm, trang phục, sản xuất thuốc, sản xuất sản phẩm từ kim loại. Ngoài ra, điểm sáng nổi bật trong tăng trưởng sản xuất là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 23,5% (cùng kỳ giảm 11,56%); sự phục hồi của ngành chế biến bàn ghế gỗ.
“Trong 31 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh, có 15 sản phẩm tăng trên 8%, trong đó có đến 5 sản phẩm tăng rất cao với hơn 20%. Chỉ có 5 sản phẩm giảm tăng trưởng (so với cùng kỳ là 15 sản phẩm). Có thể nói, sản xuất công nghiệp có chiều hướng phục hồi, phát triển tốt, làm tiền đề cho tăng trưởng của cả năm”, Giám đốc Sở Công Thương Man Ngọc Lý phân tích.
Tập trung cho từng giải pháp cụ thể
Với tốc độ tăng trưởng nói trên, nửa chặng đường còn lại của năm được Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhận định là rất khó khăn và nặng nề, nhưng lại có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2017 mà nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra. Do đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp chỉ đạo, điều hành, nhất là những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đã được phê duyệt theo kế hoạch.
Cùng với các giải pháp được đưa ra trong dự thảo báo cáo của UBND tỉnh, người đứng đầu tỉnh đặc biệt nhấn mạnh cụ thể trong những lĩnh vực tác động lớn đến tăng trưởng KT-XH chung của tỉnh. Cụ thể, với ngành Nông nghiệp, trên cơ sở những tồn tại, vướng mắc hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sau hội nghị này, ngành Nông nghiệp phải tổ chức hội nghị đánh giá toàn diện từ khâu quy hoạch, chính sách và các giải pháp, biện pháp mà ngành đã triển khai, nhằm vực dậy giá trị sản xuất, nhất là trong chăn nuôi và thủy sản.
“Cũng có những nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của 5 đợt mưa lũ cuối năm 2016, hay tác động của giá sản phẩm đến sản xuất của ngành chăn nuôi. Nhưng, trên thực tế, ngành Nông nghiệp của tỉnh còn những dư địa rất lớn để phát triển nông nghiệp trong lĩnh vực thủy sản; hay kế hoạch phát triển từ nuôi tôm công nghệ cao đang được Tập đoàn Việt - Úc triển khai tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ” - Chủ tịch Hồ Quốc Dũng gợi mở.
Liên quan đến việc phát triển thủy sản, thời gian qua bị “ảnh hưởng” bởi tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/CP bị hỏng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải xử lý kiên quyết và dứt điểm; nhưng phải hết sức bình tĩnh, khách quan trong đánh giá, công bố thông tin hết sức đầy đủ, vi phạm đến đâu xử lý đến đó, vừa để bảo vệ quyền lợi của ngư dân, vừa ổn định sản xuất.
Về khó khăn được chỉ rõ trong công tác thu ngân sách là khoản thu công thương nghiệp - ngoài quốc doanh, nhiều địa phương hết sức quan tâm. Ông Nguyễn Công Thành, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thông tin: “Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các chi cục thuế phối hợp với chính quyền địa phương siết chặt quản lý. Bên cạnh một số giải pháp đang được tỉnh triển khai, một số địa phương cũng đã chủ động thí điểm nhiều giải pháp chống thất thu”.
Ðối với hoạt động du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 50 dự án đầu tư, các dự án đang được đẩy nhanh tiến độ. Công tác quy hoạch phát triển du lịch cũng được quan tâm. Hiện nay, Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Phương Mai - Núi Bà và Quy hoạch phát triển du lịch các huyện phía Bắc tỉnh đang được triển khai thực hiện. Chủ tịch Hồ Quốc Dũng đặc biệt lưu ý ngành Du lịch và UBND TP Quy Nhơn là những đơn vị “chủ công”, đi đôi với xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch cần chú trọng yếu tố đảm bảo môi trường, cảnh quan du lịch, quản lý giá cả, kết nối hệ thống lưu trú trên địa bàn, tránh mỗi nơi một kiểu, mỗi nơi một giá!
THU HIỀN