Tăng cường đảm bảo ATGT đường sắt
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ TNGT đường sắt, làm chết 8 người, bị thương 2 người, số người thương vong cao hơn cả năm 2016. Bên cạnh nguyên nhân ý thức người dân chưa cao, nhiều đường ngang hợp pháp trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường sắt.
Ngành chức năng tiến hành đóng tà vẹt bê tông tại km 1080+570 (thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn).
Mỗi ngày, điểm giao cắt đường bộ với đường sắt tại km 1126+520 thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn xã Canh Thuận, huyện Vân Canh có hàng chục chuyến xe chở hàng hóa có tải trọng lớn qua lại. Tuy nhiên, đường ngang này không được duy tu, sửa chữa thường xuyên nên đã hư hỏng, xuống cấp. Đặc biệt, dù có lưu lượng xe qua lại nhiều nhưng trước đây, tại vị trí này chỉ có biển báo tàu hỏa. Từ khoảng tháng 3.2017, Đội quản lý đường sắt Vân Canh đã lập chốt gác chắn, cảnh báo tàu cho người qua lại. 6 nhân viên của đội thay phiên trực chốt, nhưng vì hoạt động kiêm nhiệm nên những người gác chắn cũng không thể nắm hết lịch tàu chạy trong ngày. Ông Phan Xuân Nhật, Đội Quản lý đường sắt Vân Canh, Công ty CP Đường sắt Phú Khánh, cho biết: “Chúng tôi xin kế hoạch của gác chắn dưới, thì chỉ nắm được lịch của tàu khách, còn tàu hàng thì không nắm được, nên phải tăng cường tuần tra để canh giờ đón tàu. Nhưng mỗi khi xe cộ qua lại cũng lo lắm, nên khi sắp có tàu là phải chặn không cho xe qua, để tránh những sự cố đáng tiếc”.
Tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Bình Định dài hơn 146km, với 222 điểm đường bộ và đường sắt giao cắt đồng mức. Đáng nói là nhiều điểm giao cắt đường ngang với đường sắt vẫn còn tồn tại những bất cập về hạ tầng. Đơn cử, tại km 1080+570 (thuộc thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn), ngành chức năng đã lắp đặt hệ thống rào chắn bằng sắt chạy dọc đường sắt để đảm bảo ATGT đường sắt, và cách đó khoảng 130 m có 1 đường ngang có gác chắn; tuy nhiên, dọc tuyến này lại có rất nhiều đoạn trống được ngành đường sắt chừa ra cho tiện việc đi lại của người dân, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt. Để khắc phục tình trạng trên, ngày 28.6, Đội quản lý đường sắt Diêu Trì, thuộc Tổng Công ty đường sắt Nghĩa Bình, phối hợp với ngành chức năng đã tiến hành đóng tà vẹt bê tông khu vực này, không cho ô tô qua lại. Việc làm này đã bị các hộ dân phản ứng, bởi khu vực được rào chắn bị thu hẹp từ 5 m còn 1,5 m, và khu vực này có khoảng 30 hộ với gần 200 nhân khẩu sống bằng nghề nông nên cần có lối rộng để vận chuyển nông sản vào mùa thu hoạch. Ông Lê Quang Khánh, một người dân sống tại khu vực này, nói: “Cả xóm chỉ có duy nhất con đường này dẫn vào xóm. Giờ đóng lại thì việc vận chuyển nông sản của chúng tôi sẽ gặp khó khăn. Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, cũng chính là đảm bảo an toàn tính mạng cho chúng tôi, nhưng để thuận tiện cho đời sống nhân dân, đề nghị cấp trên làm đường gom phía tây của đường sắt này để đảm bảo việc đi lại, chuyên chở hàng hóa cho chúng tôi”.
Được biết, ngoài khu vực này, trên địa bàn TX An Nhơn, tại đường ngang cảnh báo tự động ở km 1079+109 (đoạn qua phường Nhơn Hưng) cần giải tỏa tầm nhìn hướng Tây Bắc và hướng Đông Bắc; làm gờ giảm tốc ở cả 2 phía đường bộ đi vào đường ngang tại km 1082+980 (phường Nhơn Hưng); làm gờ giảm tốc cả 2 phía đường bộ đi vào đường ngang, sửa chữa đèn cảnh báo đi chậm phía trái, sơn lại vạch dừng 2 bên, cải tạo hạ độ dốc 2 bên đường bộ đi vào đường sắt tại km 1084+237 (phường Bình Định).
Trước tình hình TNGT đường sắt có nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian qua, việc chủ động cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông an toàn, phát hiện và xử lý kịp thời các vị trí không đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh là cần thiết. Song cũng cần khảo sát thực tế để vừa đảm bảo an toàn chạy tàu vừa đáp ứng tốt nhất nhu cầu sinh hoạt của người dân sống quanh khu vực có đường sắt đi qua.
K.ANH