Cán bộ huyện An Lão ham học tiếng Hre
Ông Thân Hữu Sơn, Trưởng Phòng Nội vụ huyện An Lão, cho biết, sau khi khai giảng lớp học tiếng Hre dành cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan của huyện và các đơn vị trực thuộc tỉnh đóng trên địa bàn huyện vào ngày 19.6 vừa qua, Phòng đã tham mưu với huyện làm tờ trình gởi UBND tỉnh xin chủ trương mở thêm một lớp nữa trong năm nay. Lý do rất đơn giản: có quá nhiều cán bộ đề xuất nguyện vọng được học tiếng Hre, nhằm phục vụ tốt cho công việc của mình!
Học để phục vụ đồng bào tốt hơn
Chiều 30.6, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện An Lão, lớp học tiếng Hre sôi nổi hẳn lên khi cô giáo Đinh Thị Xinh ôn lại bài chào hỏi đã dạy vào chiều hôm trước. Học viên không chỉ hào hứng tham gia phát biểu mà còn quay sang thực hành với người kế bên. “Các anh, chị tiến bộ rất nhiều!”, cô giáo người Hre tỏ ra hài lòng.
50 học viên của lớp đều là công chức, viên chức - mỗi người một nghề, ai cũng bận nhiều việc nhưng đều thu xếp để đến lớp với cùng một mong muốn: học để có thể nghe được, hiểu được và giao tiếp với đồng bào Hre bằng tiếng nói của chính họ.
+ Đa số cán bộ, giáo viên các trường mẫu giáo, mầm non ở huyện An Lão là người Kinh.Nhờ biết tiếng Hre họ sẽ nghe, hiểu và trao đổi nhiều hơn với trẻ và phụ huynh người Hre.
- Trong ảnh: Cô và trẻ Trường Mẫu giáo xã An Hòa.
“Trong công việc, nhiều cán bộ phải giao tiếp hàng ngày với bà con, nhưng hiệu quả rất hạn chế. Đồng bào thì không diễn đạt trọn vẹn điều họ muốn trình bày bằng tiếng Kinh, còn cán bộ thì gần như không biết tiếng Hre. Muốn chất lượng công việc đạt hiệu quả cao hơn, mình phải chủ động nắm bắt và thông hiểu bà con. Đó là chưa kể đến một thực tế, đồng bào nói chuyện với cán bộ bằng tiếng Kinh, nhưng giữa họ với nhau thì lại bằng tiếng Hre. Cán bộ không nắm được hết tâm tư, nguyện vọng của họ nên muốn tư vấn, hướng dẫn đến chi tiết cũng khó!”, ông Nguyễn Trực, Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện An Lão, trao đổi.
Là một học viên nghiêm túc, bà Nguyễn Thị Bích Lộc, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Lão, xác định, khóa học sẽ giúp bà giao tiếp dễ dàng với phụ huynh, học sinh người Hre, đặc biệt trong việc giải thích cho bà con hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số mà ngành đang triển khai thực hiện.
Cũng như bà Lộc, bác sĩ Trịnh Ngọc Lợi, Trưởng khoa Ngoại - Sản, Trung tâm Y tế huyện An Lão, hàng ngày khám, chữa bệnh cho hàng chục bệnh nhân người Hre. Và đây là lý do ông tích cực tham gia lớp: “Đa số người già Hre nói tiếng Kinh rất khó khăn. Bác sĩ muốn trao đổi chi tiết buộc phải thông qua con cháu của họ. Thậm chí đôi khi một vài người không có con cháu đi theo, mình lại phải tìm người thạo tiếng để hướng dẫn cặn kẽ. Bệnh nhân mà không hiểu được tường tận hướng dẫn của thầy thuốc thì làm sao dám nghĩ đến hiệu quả điều trị. Tôi muốn thành thạo tiếng Hre để việc thăm khám bệnh, hướng dẫn điều trị cho đồng bào tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn”.
Lớp học tiếng Hre do Sở Nội vụ tổ chức khai giảng vào ngày 19.6 vừa qua tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện An Lão là lớp thứ 4. Ba lớp trước lần lượt được mở vào các năm 2011, 2013 và 2015 với tổng cộng 150 học viên. Thăm dò sơ bộ cho thấy, tất cả các học viên đều cải thiện tích cực công việc của họ với nhiều mức độ khác nhau nhờ giao tiếp được với đồng bào Hre.
“Được trang bị nền tảng cơ bản về tiếng nói, chữ viết, nhiều cán bộ đã có cơ sở để tiếp tục phát triển vốn ngôn ngữ của mình bằng việc học hỏi, cập nhật kiến thức từ giao tiếp với bà con!”, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Thân Hữu Sơn hào hứng cho biết.
Nhu cầu tăng cao và tăng nhanh
Không chỉ có tiếng Hre, tiếng Chăm, tiếng Bana cũng là đối tượng được quan tâm. Hàng năm, tỉnh ta đều phân bổ chỉ tiêu, bố trí kinh phí để mở những lớp học này. Theo quy định, mỗi lớp có tối đa 50 học viên; thế nhưng, số lượng đăng ký thường nhiều hơn. Như lớp học tiếng Hre này tại An lão, vừa có thông báo đã có hơn 100 người đăng ký nên huyện phải xét chọn kỹ với tiêu chí ưu tiên cho những người thường đi cơ sở, công việc tiếp xúc trực tiếp với đồng bào.
Các lớp học thường kéo dài trong 6 tháng, sau khi hoàn thành, các học viên sẽ nghe được, nói được, hiểu được tiếng Hre; được cấp chứng chỉ. Giáo viên của lớp học năm nay gồm 4 người, tài liệu giảng dạy được biên soạn dựa chủ yếu vào cuốn sách Bộ chữ Hre Bình Định, do UBND tỉnh, Sở KH&CN, Ban Dân tộc tỉnh và Viện Ngôn ngữ học phối hợp biên soạn. Trong quá trình học, học viên còn được tham gia các đợt đi giao lưu, thực tế với đồng bào tại thôn, làng.
“Học viên sẽ học từ những điều cơ bản nhất, giống như học sinh lớp 1 học chữ cái vậy, sau đó lên lớp 2, 3, 4… đến lớp 12, đặc biệt chú trọng đến những quy tắc giao tiếp sinh hoạt hàng ngày, những đặc điểm văn hóa, giá trị truyền thống cơ bản của đồng bào”, ông Đinh Văn Thành, giáo viên của lớp cho biết.
Để tạo thuận lợi cho các huyện, Sở Nội vụ luân phiên mở mỗi năm một lớp - năm ngoái mở lớp học tiếng Bana thì năm nay mở lớp dạy tiếng Hre. “Thế nhưng, nhu cầu học tiếng Hre của đội ngũ cán bộ hiện rất lớn. Huyện đang xin tỉnh mở thêm 1 lớp nữa trong năm nay, huyện sẽ cố gắng cân đối kinh phí tổ chức lớp học. Hy vọng mọi việc sẽ thông suốt! Thấy có nhiều cán bộ ham học, chính mình cũng rất phấn khởi!”, ông Thân Hữu Sơn chia sẻ.
NGỌC TÚ