Xã Phước Lộc (Tuy Phước): Bỗng dưng... mất đất
Sau nhiều lần đo đạc, chỉnh lý đất đai, một gia đình ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) tình cờ phát hiện gia đình bị mất một thửa đất trồng lúa; phần diện tích đất ở thể hiện trên sổ đỏ cũng bị hụt đi nhiều so với thực tế.
Ðất lúa bị thiếu, đất ở bị hụt
Theo trình bày của gia đình ông Hồ Văn Ngôn (1934, trú tại thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), năm 1993, gia đình ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) với tổng diện tích 3.880 m2 (gồm đất ở và đất vườn, đất trồng lúa). Năm 1997, sau khi tách sổ đỏ, ông Ngôn sở hữu 2.672 m2 đất trồng lúa (gồm 3 thửa số 202 (rộng 1.168 m2), 208 (734 m2), 297 (770 m2); đến năm 2002, ông Ngôn được cấp sổ đỏ phần diện tích đất ở là 627m2, trong khi diện tích đất ở thực tế là 1.090 m2. Tuy nhiên, do quá mừng sau một thời gian dài mới được cấp sổ đỏ, nên ông Ngôn đã không hề phát hiện ra sự khác biệt này. Đến năm 2003, ông Ngôn chuyển nhượng 207 m2 đất vườn cho người khác; trên sổ đỏ thể hiện ông còn lại 420 m2 đất ở và vườn.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Ngôn các năm 1993, 1997 và 2002 có sự chênh lệch rõ ràng về diện tích.
Tháng 2.2017, ông Ngôn đến UBND xã Phước Lộc đề nghị cấp lại sổ đỏ đất trồng lúa, thì được UBND xã trả lời ông chỉ có 2 thửa đất trồng lúa là thửa số 202 và thửa số 208 (!). Bỗng dưng bị mất một thửa đất, gia đình ông Ngôn đã nhiều lần lên UBND xã hỏi thì mới biết được một phần diện tích của thửa đất 297 (gần 510m2 ) đã “lọt” vào sổ đỏ của ông Hồ Đăng Khoa (con trai ông Ngôn). Cũng từ đây, gia đình ông “tình cờ” phát hiện ra phần diện tích đất ở của gia đình trong sổ đỏ chỉ có 627m2 trong khi diện tích thực là 1.090 m2.
Bà Hồ Thị Ngọc, con gái của ông Ngôn, trình bày: Sau khi phát hiện ra việc này, cha tôi đã lên UBND xã nhiều lần để yêu cầu xã giải thích. Tại buổi làm việc, cán bộ địa chính xã đã đưa ra hướng giải quyết là do xã đã cấp “nhầm” một phần diện tích thửa đất 297 cho hộ ông Khoa; nên xã sẽ hủy sổ đỏ của ông Khoa để chỉnh lý lại sổ đỏ cho cha tôi. Đã 5 tháng trôi qua, xã vẫn chưa thực hiện.
Sai sót là do Vlap đo đạc?
Ngày 21.6, PV Báo Bình Định đến làm việc tại UBND xã Phước Lộc. Trước sự chứng kiến của bà Hồ Thị Ngọc, ông Hồ Đăng Khoa và ông Thái Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, ông Nguyễn Quốc Bảo - cán bộ địa chính xã Phước Lộc- giải thích: “Năm 2008, đoàn đo đạc của dự án Vlap về xã để đo đạc cấp đổi sổ đỏ theo hiện trạng thửa đất đang canh tác. Vì thửa đất của ông Ngôn và ông Khoa ở cạnh nhau, 2 hộ tự đắp bờ làm ranh giới, khi đoàn tiến hành đo đạc lại không có mặt cả 2 người, nên mới dẫn đến sự sai lệch hình thể 2 thửa đất như hiện nay(!).
Ông Bảo nói thêm: “Tôi cũng đã hướng dẫn, giải thích cho 2 bên việc này; nếu muốn làm lại sổ đỏ thì phải hủy sổ đỏ hiện tại của ông Khoa, sau đó thuê đơn vị đo đạc hoặc tôi sẽ đo cho gia đình, để chỉnh lý lại cho đúng. Hiện, ông Khoa cũng đã làm đơn xin chỉnh lý lại sổ đỏ đúng với hiện trạng thực tế của thửa đất”. Khi PV hỏi thêm vì sao diện tích đất ở thể hiện trên sổ đỏ bị thiếu nhiều so với diện tích thực tế ông Ngôn đang sở hữu, ông Bảo giải thích rằng trong thửa đất ở, đất vườn rộng 1.090 m2 của ông Ngôn có 369m2 đã được cấp cho ông Hồ Văn Túc (một người con trai khác của ông Ngôn); trong khi cả ông Ngôn lẫn ông Túc đều xác nhận không biết đến sự việc này. Lúc này, ông Bảo lại nói năm 2008 đoàn đo đạc của dự án Vlap về đo đạc, bản thân ông cũng không biết vì sao (!) .
Còn theo trình bày của ông Hồ Đăng Khoa thì: “Sau khi được đo và cấp lại sổ đỏ, 3 thửa đất của tôi có tổng diện tích 1.284 m2 vẫn không thay đổi. Tôi không hiểu vì sao hình thể của thửa đất trong sổ đỏ và trên thực tế có sự khác biệt như hiện nay. Khi nhận sổ đỏ về, tôi thấy diện tích không thay đổi là yên tâm rồi, đến khi UBND xã gọi tôi tới làm việc, tôi mới biết sự sai lệch này. Chính vì việc này mà anh em trong gia đình tôi lục đục”.
Giải thích sự sai lệch này, ông Thái Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho rằng, không riêng gì gia đình ông Ngôn mà hiện nay, trên địa bàn xã, tình trạng chênh lệch về diện tích, sai lệch hình thể của các thửa đất sau quá trình đo đạc Vlap khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là bởi trước đây việc đo đạc và vẽ bản đồ bằng tay theo phương pháp thủ công; nhưng sau đó công đoạn này được thực hiện bằng máy chuyên dụng, dẫn đến có sự chênh lệch về diện tích và bản đồ của thửa đất. Đây cũng là nguyên nhân của một số vụ tranh chấp trong dân.
Ông Thuận nói thêm: “Khi phát hiện có sự chênh lệch diện tích hoặc sai lệch hình thể của thửa đất, người dân có thể làm đơn yêu cầu chỉnh lý. Trường hợp có xảy ra tranh chấp vì nguyên nhân này, UBND xã cũng sẽ cố gắng giải quyết nhanh gọn. Nếu trong trường hợp tranh chấp mà các bên không tự thỏa thuận được thì xã sẽ mời các hộ lên làm việc và hướng dẫn người dân thủ tục để chỉnh lý lại sổ đỏ đúng với hiện trạng thực tế”.
KIM CHI