Giải quyết khiếu nại, tố cáo: Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm túc
Theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân thời gian qua nhìn chung có xu hướng giảm. Tuy nhiên, ở một số địa phương, trong đó có Bình Ðịnh, vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số thời điểm.
Thông tin trên được Thanh tra Chính phủ đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác tiếp dân, giải quyết KNTC phức tạp, kéo dài khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại TP Quy Nhơn ngày 23.6. Tại sự kiện này, cũng như hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 (do UBND tỉnh tổ chức ngày 30.6), Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đều đặc biệt lưu ý tình trạng KNTC kéo dài, vượt cấp có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh.
Thanh tra tỉnh và các cơ quan chức năng tổ chức đối thoại với dân về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng liên quan đến đền bù, mở rộng QL 1D.
Tăng cả 3 chỉ số
Đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình KNTC của công dân tuy có giảm về số lượt người khiếu kiện nhưng tăng về số vụ việc và số đoàn đông người. Cụ thể, trong 6 tháng qua, các địa phương trong khu vực đã tiếp trên 26.000 lượt công dân với trên 19.000 vụ việc, 329 đoàn đông người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 2.518 lượt người, nhưng số vụ KNTC tăng 833 vụ việc, số đoàn đông người tăng 55 đoàn.
“Phải rà soát lại các vụ KNTC xem vướng mắc chỗ nào để giải quyết cho dân. Phải tìm hiểu cho kỹ để tập trung giải quyết dứt điểm các trường hợp hiện đang đeo bám tại Hà Nội. Cái nào chúng ta làm chưa đúng thì sửa, cái nào có thể vận dụng được thì vận dụng tối đa để giải quyết cho dân. Trường hợp nào chúng ta đã vận dụng đầy đủ hết rồi mà vẫn không được thì kiên quyết xử lý”.
Chủ tịch UBND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG
Riêng Bình Định, 6 tháng đầu năm 2017, các cấp, các ngành đã tiếp nhận và xử lý 1.928 vụ việc KNTC; tổ chức tiếp 2.665 lượt công dân, trong đó có 23 đoàn đông người với 426 người. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ KNTC tăng 244 vụ; công dân đến trụ sở tiếp dân tăng 115 lượt người; số đoàn đông người tăng 7 đoàn.
“Cả 3 chỉ số đều tăng. Nội dung KNTC chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng (chiếm khoảng 70%). Bên cạnh tính chất đặc thù của hoạt động giải phóng mặt bằng - đền bù đất phải thực hiện nhiều làm phát sinh khiếu kiện, công tác giải quyết KNTC cũng còn nhiều bất cập”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhận định.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay, có nhiều công dân Bình Định kéo ra Trung ương khiếu kiện đông người. Tuy là các vụ việc riêng rẽ, nhưng khi ra Hà Nội, người dân lại tụ tập thành đoàn đông người, thời điểm cao nhất có đến 34 người, hiện nay vẫn còn trên 20 người. Dù lãnh đạo tỉnh rất quan tâm tìm mọi giải pháp xử lý, cử nhiều đoàn công tác ra Hà Nội kiên trì thuyết phục nhưng vẫn còn một số công dân chây ỳ không về.
Một trong những vụ việc kéo dài là năm 2003, bà V.T.G. (ở phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) có đơn đòi lại diện tích đất mà trước đây bà cho HTX nông nghiệp Nhơn Hòa mượn xây dựng kho vật tư; UBND TX An Nhơn cho biết đã xem xét, giải quyết phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, bà G. vẫn thường xuyên đến các cơ quan Trung ương khiếu nại đòi lại khu đất cũ.
Xác định trách nhiệm, kiên quyết xử lý sai phạm
Ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết KNTC, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập. Trong đó, đáng chú ý là ý thức trách nhiệm của các cấp trong việc giải quyết KNTC chưa cao, nhất là ở cấp xã, huyện. “Nhiều người đứng đầu địa phương chỉ giải quyết cho hết thẩm quyền; có chủ tịch huyện, xã khi dân đến khiếu nại thì không giải thích, không động viên gì hết, chỉ nói “Tôi cứ giải quyết như vậy, bà có muốn thì đi kiện, lên tỉnh mà nằm”. Chúng tôi đã chỉ đạo chấn chỉnh việc này, yêu cầu Thanh tra tỉnh tập trung thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong lĩnh vực này”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho hay.
Ở chiều ngược lại, về ý thức của người dân, cũng phải thừa nhận một thực tế là nhiều người lợi dụng quyền tự do dân chủ, cố tình đeo bám, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Trong khi đó, biện pháp giải quyết chưa kiên quyết nên nhiều phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, tạo áp lực đối với cơ quan quản lý nhà nước. Một cán bộ phụ trách công tác tiếp dân ở TX An Nhơn từng chia sẻ, anh phải chịu rất nhiều áp lực mỗi khi tiếp ông H.T.T (ở xã Nhơn Khánh). Dù vụ khiếu nại của ông T. đã được UBND tỉnh giải quyết, nhưng ông không đồng ý, tiếp tục thể hiện thái độ không đúng mực tại các cơ quan nhà nước khi khiếu nại.
Trong khi đó, về khách quan, nổi lên là chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng thường xuyên thay đổi. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết, kể từ năm 1993 đến nay, chính sách này đã 5 lần thay đổi, càng về sau càng có lợi cho dân. “Như Khu Kinh tế Nhơn Hội rộng đến 12.000 ha, không thể 1-2 năm mà giải phóng xong mặt bằng, mà phải có lộ trình 5-7 năm. Khi có chính sách mới, những người được giải quyết đền bù theo chính sách cũ quay ra kiện. Rất nhức nhối nhưng tỉnh không giải quyết được”, ông Dũng chia sẻ.
Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND tỉnh đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật về đền bù giải phóng mặt bằng theo hướng ổn định lâu dài, không thể “nay sửa mai sửa”, làm phát sinh KNTC phức tạp. Bên cạnh đó, phải xác định rõ trách nhiệm của công dân và người có thẩm quyền trong giải quyết KNTC. Nếu cán bộ sai thì kỷ luật, thậm chí cách chức; dân khiếu nại sai thì cũng phải xử lý nghiêm túc.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cũng cho rằng, để giải quyết dứt điểm các vụ KNTC kéo dài, phức tạp, tập trung đông người, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với lãnh đạo các địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các đơn vị chưa thực hiện tốt. Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp với các ngành làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC.
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành cũng nêu vấn đề: “Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an cần rà soát lại các vấn đề sâu sắc hơn, hiệu quả hơn trong giải quyết KNTC, tránh thành điểm nóng đông người, phức tạp. Chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng Công an các cấp xử lý ngay các điểm nóng xảy ra từ cơ sở”.
MAI LÂM