Ðứa con của Desiree
* Truyện ngắn của KATE CHOPIN
Khi thời tiết trong ngày dễ chịu, quý bà Valmonde dong xe ngựa qua L’ Abri để xem Desiree và đứa bé. Thật buồn cười khi nghĩ về chúng nó! Kỳ lạ thật! Dường như chỉ mới hôm qua thôi, Desiree còn bé tí, lúc mà ngài Valmonde phát hiện ra cô đang nằm ngủ trong bóng râm của cái cột nhà bằng đá lớn khi lái xe qua cổng nhà. Cái sinh linh bé nhỏ tỉnh giấc trên tay ông và khóc đòi “bố”.
Đa số tin rằng cô bị bỏ rơi. Cuối cùng thì Valmonde cũng bỏ qua những đồn đoán và Desiree, được ý Chúa từ tâm gửi đến, là đứa bé trong tâm nguyện của bà. Cô lớn lên, trở nên xinh đẹp, hiền dịu, có tình cảm và chân thật, trở thành biểu tượng của cả trang trại Valmonde. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cô gái đứng dựa vào cái cột đá nơi mà cô đã nằm ngủ dưới bóng râm của nó mười tám năm về trước, đúng lúc Aubigny đi xe ngang qua và nhìn thấy, đã yêu cô. Đó là cách tất cả những người họ Aubigny yêu, như thể trái tim bị kích động bởi một phát súng lục. Sự say đắm, bùng dậy trong anh hôm đó, lướt qua như một trận mưa rào, như một ngọn lửa trên thảo nguyên.
Ngài Valmonde thì thực tế hơn, ngài muốn mọi chuyện phải được xem xét rõ ràng, kể cả nguồn gốc của cô gái. Nhưng chàng Armand nhìn vào mắt cô rồi không hề quan tâm đến cái gì khác nữa. Anh đã được nhắc nhở đến cái nguồn gốc không tên tuổi của cô. Một cái tên có nghĩa lý gì khi anh có thể cho cô cái cổ kính nhất, đáng tự hào nhất ở trang trại Louisiana. Anh đặt và kiên nhẫn đợi hoa gửi đến từ Paris, rồi họ kết hôn.
Bốn tuần rồi bà Valmonde chưa gặp Desiree và đứa bé. Bà rất hay rùng mình khi đến L’ Abri. Cái nơi buồn tẻ này trong nhiều năm không hề biết đến sự dịu dàng của một cô gái. Ngài Aubigny già nua cưới vợ, rồi mất vợ ở Pháp. Ngài yêu đất đai của mình, từ bấy đến giờ, đến nỗi chưa từng rời nơi đây đến một lần. Mái nhà đổ dốc và đen như cái nắp ống khói, choài ra ngoài hành lang rộng bao quanh ngôi nhà trát vữa màu vàng. Những cây sồi cổ thụ, thâm nghiêm trồng gần nhà vươn những cành đầy lá, phủ bóng râm lên mái nhà như một tấm áo choàng. Trái với cha, những quy tắc của chàng Aubigny bó buộc những người làm da đen thuộc sở hữu của anh, không như cái thời của ông chủ già dễ chịu, khoan dung.
Người mẹ trẻ dần tỉnh, trong làn vải muslin mềm trắng viền đăng-ten, nằm dài trên một chiếc xe ngựa. Đứa bé nằm ngủ bên cạnh, ngay trên ngực nàng. Người vú nuôi da màu ngồi cạnh cửa sổ đang tự quạt mát cho mình. Valmonde khẽ chạm những ngón tay mập mạp lên người Desiree và hôn cô, âu yếm giữ cô chốc lát trong tay mình.
Rồi bà quay sang đứa bé. “Đây thật sự không phải là một đứa bé sơ sinh”, bà kêu lên. Rồi bà cười với Desiree, “Cái con lợn dơ dáy này! Và nhìn chân cẳng hắn kìa, cả hai tay và móng tay nữa chứ - móng ra móng đấy. Zandine phải cắt nó đi vào sáng nay, không đúng ư, Zandine?”.
“Thưa quý bà! Chỉ cái cách cậu nhỏ này khóc, cũng đã làm điếc tai người ta rồi” . Valmonde không hề rời mắt khỏi đứa bé. Bà bế nó lên, bước đến cửa sổ, nơi sáng sủa nhất. Bà nhìn đứa bé từng ly từng tý rồi đưa đôi mắt sắc lẹm về phía Zandine đang ngoảnh mặt nhìn chăm chăm về phía cánh đồng.
“Vâng, đứa bé lớn rồi đấy, phải thay đổi cách chăm đi”, bà nói chậm rãi trong khi đặt đứa bé trở lại bên cạnh mẹ nó. Khuôn mặt Desiree ngời lên thứ ánh sáng hạnh phúc.
“Ôi, con tin Armand là người hạnh phúc nhất xứ đạo này, con tin vậy chính vì nó mang họ anh ấy! Và mẹ à!”, cô kéo đầu Valmonde xuống gần cô hơn và thầm thì, “anh ấy chưa từng trừng phạt một ai trong số họ, không một ai cả, từ khi đứa bé chào đời. Ngay cả Negrillow, kẻ giả vờ đốt cháy chân anh, làm anh phải nghỉ việc, anh chỉ cười và nói rằng Negrillow là kẻ hậu đậu nhất quả đất. Ôi mẹ, con hạnh phúc quá!”.
Đám cưới, rồi sau đó, sự ra đời của thằng bé làm dịu đi nhiều bản tính độc đoán, quá quắt của Armand. Điều này khiến Desiree hạnh phúc tột cùng. Cô yêu anh điên cuồng. Khi anh cau mày, cô sợ run lên. Nhưng bất chấp tất cả, cô yêu anh. Khi anh kể từ khi anh yêu cô mỉm cười, cô không đòi hỏi gì hơn nữa, ngay lập tức xem đó là phúc lành của Chúa. Kể từ khi yêu cô, khuôn mặt ngăm đen, đẹp trai của anh thường không bị vẻ nghiêm khắc làm cho biến dạng.
* * *
Một ngày nọ, lúc thằng bé được khoảng ba tháng tuổi, Desiree nhận ra chắc chắn có cái gì đó vô hình đang đe dọa sự thanh thản trong cô. Ban đầu nó mơ hồ. Rồi thì bầu không khí bí ẩn giữa những người da đen. Rồi những lần đến thăm không mong đợi, khó hiểu của những người hàng xóm xa xôi. Rồi sự thay đổi kỳ lạ, đáng sợ trong ứng xử của chồng cô, đáng sợ đến mức cô không dám đề nghị anh giải thích. Ánh sáng tình yêu vốn có dường như tan biến. Anh cố ý vắng nhà. Và khi ở nhà lại tránh mặt cô, cả con cô nữa mà không có lý do. Và dường như quỷ Sa-tăng bỗng dưng đưa lối hành xử độc ác của anh trở lại. Desiree đau khổ tưởng chết đi được.
Một buổi chiều nóng nực, cô ngồi trong phòng, những ngón tay lơ đãng kéo những sợi tóc nâu dài, óng mượt như tơ xõa xuống vai. Đứa bé mặc quần áo sơ sài nằm ngủ trên chiếc giường xa hoa như một cái ngai vàng với màn trướng treo lửng bằng sa-tanh kẻ sọc. Một chú bé da đen lai trắng trần trùng trục đứng quạt cho đứa bé bằng cái quạt lông công. Cô nhìn con bằng đôi mắt buồn và cố vạch màn sương u ám đầy nguy hiểm mà cô cảm thấy đang quấn chặt lấy mình. Hết nhìn con lại nhìn cậu bé đứng cạnh con mình, “ A”, cô thốt lên. “Đó là tiếng khóc thầm” của họ mà cô không giúp ích gì được, cái vô hình mà cô đã không hiểu được. Máu cô trở nên băng giá và dường như có hơi ẩm lạnh giá đang tụ lên mặt cô.
Cô gắng nói chuyện với cậu nhỏ da đen nhưng thoạt đầu không nói nên lời. Khi nghe gọi tên mình, nó nhìn lên và thấy bà chủ chỉ tay ra cửa. Nó để sang bên chiếc quạt lớn, mềm mại rồi ngoan ngoãn, lén đi qua sàn nhà bóng loáng bằng đôi chân trần, ra khỏi phòng. Cô còn lại trong phòng, bất động, nhìn chăm chú đứa con, khuôn mặt hiện lên nỗi sợ hãi. Đúng lúc này, chồng cô đi vào phòng mà không để ý gì đến cô, đến bàn viết và bắt đầu tìm kiếm gì đó trong đống giấy tờ.
Cô đứng dậy, lảo đảo đi về phía anh.
“Armand”, cô gọi anh, giọng như một mũi giáo đâm vào anh, nhưng anh không nói gì. “Armand”, cô hổn hển gọi lại, chộp lấy tay anh. “Hãy nhìn con của chúng ta! Nó nói lên cái gì!? Hãy nói cho em biết!”
Anh lạnh lùng gỡ những ngón tay cô rồi hất tay cô ra.
“Nói cho em biết nó nói lên cái gì!?”, cô gào lên tuyệt vọng.
“Nó có nghĩa”, anh phớt tỉnh trả lời “nó không phải là đứa bé da trắng. Nó còn có nghĩa cô không phải người da trắng”.
Mỗi tiếng một trong câu nói của Armand như từng nhát búa kết tội Desiree. Nhưng nó gây ra ở cô một phản ứng chối từ bằng một sự can đảm chưa từng có.
“Đó là những lời dối trá, không đúng sự thật, em là người da trắng. Nhìn tóc em này- màu nâu, và mắt - màu xám. Armand, anh biết nó màu xám mà. Và da em màu vàng!”.
Cô giằng lấy cổ tay chồng:
“Nhìn tay em này, còn trắng hơn cả tay anh, Armand à,” - Cô cười ngất - “trắng như một người đàn bà da trắng”.
Armand ngoảnh mặt một cách nhẫn tâm, đi ra ngoài, để lại cô với đứa con của họ. Khi bình tĩnh trở lại, có thể cầm bút viết, cô gửi một bức thư đầy tuyệt vọng cho quý bà Valmonde.
“Mẹ của con! Họ bảo con không phải người da trắng, Armand bảo con không phải người da trắng. Vì Chúa, mẹ hãy bảo họ điều đó không phải sự thật. Con sẽ chết! Con phải chết! Con không thể sống với nỗi bất hạnh thế này được”.
Bức thư trả lời rất ngắn gọn.
“Desiree của ta: Về nhà của họ Valmonde đi con. Trở về với mẹ, người luôn yêu con. Hãy đi cùng với con của con”.
Khi thư tới, Desiree cầm nó đến phòng làm việc của chồng, để bức thư mở ra trên bàn, trước chỗ anh ngồi. Cô giống như một hòn đá, lặng thinh, trắng bợt, bất động sau khi để bức thư ở đó.
Armand lặng thinh đưa mắt qua những dòng thư. Anh ta không nói gì. “Em sẽ đi chứ, Armand?”, cô nói bằng giọng sắc nhọn, đau đớn chờ đợi. “Ừ, đi đi!”, “Anh thật sự muốn em đi chứ?”, “Ừ, tôi muốn cô đi đi!”.
Anh ta nghĩ thượng đế đã đối xử tàn tệ và bất công với mình. Anh ta cho rằng, bằng cái cách hành hạ tâm hồn vợ mình, anh ta tự trả lại cho mình sự công bằng mà Chúa lấy đi của anh ta. Hơn nữa, anh ta không còn yêu cô nữa vì sự tổn thương vô hình mà cô đã gây ra cho gia tộc và danh tiếng của anh ta.
Desiree quay lại lảo đảo như người bị đánh rồi đi chậm chạp ra cửa, lòng hy vọng anh ta sẽ gọi cô lại. “Tạm biệt, Armand” cô nói như van nhưng anh ta không trả lời. Đó là cú đấm định mệnh cuối cùng của anh ta. Desiree đi tìm con cô. Zandine đang dạo bộ trong hành lang tối tăm với nó. Cô ôm lấy đứa bé từ trong tay người vú nuôi không một lời giải thích, rồi xuống thềm, đi bộ ra, dưới những cành sồi đầy sức sống. Desiree không thay bộ đồ trắng mỏng manh và dép lê. Tóc cô để xõa và những tia nắng mặt trời làm những sợi tóc rối vàng óng. Cô không đi con đường rộng, gồ ghề dẫn tới nông trại xa xôi của Valmonde. Cô đi bộ ngang qua cánh đồng hoang hóa, những gốc cây làm đôi chân thanh tú bầm tím và xé toạt cái áo dài cô mặc thành từng mảnh tả tơi. Cô biến mất trong đám lau sậy, dương liễu um tùm dọc theo nhánh sông sâu, nước chảy lững lờ.
Vài tuần sau, có một cảnh tượng kỳ lạ diễn ra ở L’ Abri.
Ở giữa sân sau là một đống lửa lớn. Armand Aubigny ngồi trong phòng trước, chỉ huy một “cuộc trình diễn”. Chính tay anh ta phân phát cho nửa tá nô lệ da đen những thứ đem đi đốt: Một chiếc nôi thanh nhã bằng gỗ dương liễu, nhiều loại tã lót đắt tiền, những cái váy lụa, các thứ đồ làm bằng nhung và sa-tanh, tất tần tật, kể cả đồ làm bằng ren, đồ thêu, mũ trẻ sơ sinh và găng tay.
Thứ cuối cùng ra đi là một cuộn thư nhỏ, những chữ viết nhỏ nhắn, ngây thơ viết vội mà Desiree gửi cho anh ta trong những ngày yêu nhau, chuẩn bị cưới hỏi rộn ràng. Còn lại một mẩu thư sót lại, Armand Aubigny lấy ra từ trong ngăn kéo, nhưng nó không phải của Desiree, nó là một phần của bức thư cũ mà mẹ anh ta gửi cho cha anh ta.
Armand Aubigny im lặng đọc thư của mẹ anh. Bà ta cảm ơn Chúa vì lòng nhân từ trong tình yêu của chồng. “Nhưng trên tất cả”, bà viết, “ngày cũng như đêm, em cảm ơn Chúa lòng thành đã sắp đặt cuộc sống chúng ta. Khéo đến nỗi Armand yêu quý của chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được rằng người mẹ ruột vĩnh viễn yêu thương của nó lại thuộc về cái chủng tộc bị nguyền rủa bởi màu da nô lệ!”.
Kate Chopin (1851 - 1904), tên thật là Katherine O’Flaherty, người Mỹ gốc Ireland. Tác phẩm của bà phản ảnh sự kết hợp phong phú của hai nền văn hóa, người Hoa Kỳ da đen và người Pháp sống ở địa phương này.
Tác phẩm được nhiều người biết đến gồm có: A Pair of Silk Stockings (Ðôi tất bằng lụa), A Reflection (Hồi tưởng), A Respectable Woman (Người phụ nữ đáng kính), A Shameful Affair (Mối tình nhục nhã), At the ‘Cadian Ball (Ðêm khiêu vũ), Beyond the Bayou (Qua khỏi vùng đầm lầy), Desiree’s Baby (Ðứa con của Desiree), Ma’am Pelagie (Bà Pelagie), Regret (Hối tiếc), The Kiss (Nụ hôn), The Locket (Cái mề đay lồng ảnh), The Storm (Cơn bão), The Story of an Hour (Câu chuyện một giờ).
NGÔ HỒNG SƠN (dịch)