Ðối thoại để hiểu dân, làm việc có lợi cho dân
Căng thẳng đến kịch tính, 2 buổi đối thoại giữa Ðảng, chính quyền với người dân huyện Hoài Ân được tổ chức ngày 30.6 đã thật sự đi trúng đích. Ở đó, bà con được nói lên những lo lắng, bức xúc dồn nén đã lâu. Còn người lãnh đạo cũng có dịp chia sẻ, giải thích để người dân hiểu và đồng hành với chính quyền trong quá trình thực thi chính sách.
Người dân đã nói lên những lo âu, bức xúc của mình qua các buổi đối thoại.
Không giống các cuộc tiếp xúc, đối thoại thông thường, chủ đề của các buổi đối thoại này được chọn và ấn định, nên tất cả ý kiến đều tập trung vào đây. Với Ân Tường Đông là kế hoạch xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn ở khu vực Hóc Táo Cùng (thôn Diêu Tường). Với Ân Đức, không gì nóng bỏng hơn “cuộc chiến” giữa người dân và doanh nghiệp trong quá trình khai thác cát ở bãi bồi sông Kim Sơn (thuộc địa phận thôn Khoa Trường).
“Đảng, chính quyền không lo cho dân thì lo cho ai?”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu buộc phải thốt lên như thế trước 27 lượt ý kiến gay gắt của người dân Ân Tường Đông trong buổi sáng 30.6. Nhiều người nói 2-3 lượt vẫn chưa thỏa mãn. Tất cả đều bày tỏ không đồng tình với việc xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn tại địa điểm đã chọn, vì cho rằng gần khu dân cư, gần đầu nguồn nước chảy ra đồng ruộng, đầu ngọn gió, sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống. Căng thẳng đến mức nhiều người đòi “ra Trung ương”, đòi “sống chết” để ngăn cản cho kỳ được chủ trương này.
“Ðịa điểm xây dựng bãi rác ở đầu nguồn nước, lại đầu ngọn gió. Trước đã chọn một lần, rồi thôi, chúng tôi ăn ngon ngủ yên được 2-3 năm, nay lại quyết thế này”
Bà TRỊNH THỊ THANH THỦY, thôn Diêu Tường, xã Ân Tường Đông
Hơn 80 tuổi, vừa mới ốm dậy, nhưng cụ Nguyễn Đức Đạt (ở thôn Diêu Tường) cũng chống gậy đến hội trường UBND xã. Chân cụ run run, nhưng giọng thì dứt khoát: “Địa điểm chọn làm bãi rác như thế là không ổn, 1 - 2 năm đầu thì không sao, chứ 20-30 năm nữa ai biết thế nào? Bãi rác thì phải làm rồi, nhưng phải làm kỹ lưỡng”. Còn ông Lê Minh Cảnh (thôn Thạch Long 1) nói thẳng, rác của nhà nào “nhà nấy xử”, của thôn nào thì “thôn nấy lo”.
Sau phần đăng đàn giải thích của lãnh đạo huyện và các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhẹ nhàng phân tích lẽ thiệt hơn, bởi “nóng quá mất khôn”. Đồng thời, ông rành mạch giải thích các yếu tố kỹ thuật của bãi rác thải tập trung.
“Ðịa điểm chọn đã được nghiên cứu rất kỹ. Tôi sẽ chỉ đạo và giám sát quá trình xây dựng và vận hành, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN CHÂU
“Cả tỉnh giờ chỉ còn mỗi Hoài Ân chưa có bãi rác tập trung. Lãnh đạo huyện phải xuống Hoài Nhơn “năn nỉ” cho đổ rác nhờ. Bà con cũng phải nghĩ rộng ra một chút, mình biết sạch sao để người khác phải chịu dơ? Để chọn được vị trí này, cơ quan chức năng cũng đã nghiên cứu, cân nhắc rất kỹ lưỡng. Tôi sẽ giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật”, ông Trần Châu nói.
Buổi đối thoại chiều cùng ngày có phần “hạ nhiệt”, nhưng cũng không ít những ý kiến gay gắt. Không gay gắt sao được, khi xô xát đã 2 lần diễn ra giữa người dân thôn Khoa Trường và Công ty TNHH Tân Lập (thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân). Bà Nguyễn Thị Chớ (ở cùng thôn), vặn hỏi: “Họ nói có phép đàng hoàng, sao phải lén lút múc cát lúc 1-2 giờ sáng?”. Trưởng thôn Dương Tân Thành cũng than trời: “Xã, huyện nói không biết, vì tỉnh cấp phép. Dân thì cứ đổ thôn ăn tiền doanh nghiệp, chúng tôi chỉ biết chịu đòn”.
Ông Trần Châu khẳng định, UBND tỉnh chỉ cho phép Công ty TNHH Tân Lập khai thác cát ở bãi bồi, nếu doanh nghiệp cố tình khai thác ở bên lở, múc sâu quá quy định thì sai rồi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Phòng TN&MT huyện kiểm tra ngay, nếu có sai phạm thì phải xử phạt. Công an huyện cũng cần điều tra làm rõ, nếu người của doanh nghiệp có hành vi đánh dân, thách thức pháp luật đúng như phản ánh thì phải xử lý nghiêm. Hội trường nhiều người vỗ tay ủng hộ.
Thêm một cầu nối
Một điểm đáng ghi nhận tại hoạt động đối thoại này là tính tương tác thể hiện rất rõ. Dân nêu ý kiến, cán bộ đáp lời, dân lại chất vấn tiếp khi chưa hài lòng. Người dân thôn Khoa Trường đặt vấn đề, giấy phép cho Công ty TNHH Tân Thành do ai cấp, nếu công ty làm sai thì có thu hồi được không, ai có quyền thu hồi? Sau phần trả lời của đại diện Sở TN&MT, người dân vẫn không đồng ý. “Tôi thấy bà con ý kiến đúng, lãnh đạo Sở cần trả lời rõ ràng, tập trung vào vấn đề chính”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phan Phi Hổ đề nghị.
Các buổi đối thoại này nằm trong khuôn khổ kế hoạch tổ chức đối thoại giữa Đảng, chính quyền với nhân dân năm 2017 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng, như một hình thức đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Mặt trận. Thẳng thắn, cởi mở, thực chất…, hoạt động đối thoại đã đạt được mục tiêu đặt ra: Thêm một cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Nhịp cầu ấy càng có ý nghĩa trước những vấn đề nóng bỏng, chưa đạt được sự đồng thuận cao giữa hai bên. Ở đó, tổ chức Mặt trận thật sự là người nối nhịp, để Đảng, chính quyền gần dân, hiểu dân, giải quyết rốt ráo từng khúc mắc, ưu tư.
Chưa hết, “chúng tôi sẽ giám sát lời hứa hôm nay của ông Phó Chủ tịch tỉnh. Mặt trận huyện cũng phải tăng cường chức năng giám sát, nhất là vấn đề khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường”, ông Phan Phi Hổ khẳng định.
NGUYỄN VĂN TRANG