Thấp thỏm bên mép sông
Bờ sông An Lão đoạn qua xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân) đang bị xói mòn, xâm thực nghiêm trọng. Không những nhiều diện tích đất canh tác, nhà cửa của người dân nơi đây, mà ngay cả tuyến tỉnh lộ 629 cũng đang đứng trước nguy cơ bị nước cuốn trôi.
Bà Nguyễn Thị Lắm (thôn Mỹ Đức) lo lắng trước nạn bờ sông An Lão qua nhà bà bị xói lở, xâm thực.
Vừa sống vừa run
Sông An Lão đoạn chảy qua xã Ân Mỹ dài khoảng 12 km giáp với 5 thôn: Mỹ Thành, Mỹ Đức, Long Quang, Long Mỹ, Đại Định. Khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng; nước cuốn trôi nhiều phần đất dọc mép sông và ăn sâu vào bên trong. Hiện, tại một số đoạn, nước sông chỉ cách nhà dân 2-3m; nhiều ngôi nhà nằm chênh vênh bên mép sông. Tỉnh lộ 629 cũng có nhiều đoạn chỉ cách bờ sông 2-3m. Các dải cây xanh, cây bụi trồng bên đường để hạn chế, ngăn chặn nạn sạt lở, xâm thực nay trơ gốc.
Theo người dân địa phương, trước năm 2010, bờ sông cách đất canh tác, đất ở hơn 30m. Còn bây giờ, sông ngày càng “phình” ra, liên tục “ăn” vào khu đất sản xuất tạo thành những hàm ếch hoặc những bờ vực dựng đứng sâu hơn 4m rất nguy hiểm. Người dân trồng tre, dừa hoặc đổ thêm đất đá, xà bần để giữ đất khỏi bị tuột xuống sông, nhưng không cải thiện được tình hình. Đặc biệt, đoạn sông qua 3 thôn Mỹ Đức, Long Quang và Long Mỹ, miệng “hà bá” cách nhà của 4 hộ dân gần đó chỉ 2-3 m.
Bà Nguyễn Thị Lắm (thôn Mỹ Đức), nhà ở sát bờ sông, nói: Trước năm 2010, công trình phụ, chuồng trại nuôi heo của gia đình cách bờ sông chừng 10m thì nay chỉ còn 1m; mép tường nhà cách bờ chừng 3m. Những hộ sống gần sông chúng tôi lúc nào cũng nơm nớp, không biết khi nào nhà cửa rơi tõm xuống sông. Muốn di dời đến chỗ khác thì không có tiền mua đất, tiếp tục ở lại đây thì nguy hiểm vô cùng”.
Bà Lê Thị Nhi (thôn Mỹ Đức) cũng chia sẻ nỗi lo: “Mùa lũ cuối năm 2016, cả xóm đều bất an khi thấy cây cối, đất đai, vườn tược chìm xuống sông. Nhiều đêm đang ngủ, nghe tiếng ầm ầm sạt lở phía sau nhà là gia đình nháo nhào. Nhà tôi cách mép sông hơn 2m, không biết mùa mưa tới sẽ ra sao. Chúng tôi mong chính quyền địa phương, các ngành chức năng của tỉnh xem xét, hỗ trợ để dân di dời đến nơi an toàn hơn”.
Cần di dời khẩn cấp
Ông Lê Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Mỹ, xác nhận, bờ sông An Lão đoạn chảy qua địa bàn xã đang bị xói lở, xâm thực rất nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của 47 hộ sống ở 3 thôn Mỹ Đức (12 hộ), Long Quang (10 hộ) và Long Mỹ (25 hộ). Trung bình mỗi năm có khoảng 500 m2 đất ở và đất sản xuất của dân đổ xuống lòng sông. Khu vực sạt lở nghiêm trọng nhất là ở đội 5, thôn Mỹ Đức.
Có thể, một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông An Lão hiện nay là việc khai thác cát quá mức ở hạ lưu sông Lại Giang, trong đó có mỏ cát ở gần chân cầu Bồng Sơn (cũ) thuộc xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn. Dù người dân xã Ân Mỹ đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp HĐND xã, huyện và trong những lần tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, nhưng đến nay vẫn chưa thấy cấp thẩm quyền phản hồi.
Ông Lê Văn Hưng phân tích thêm, ngoài sự thay đổi theo quy luật tự nhiên “bên lở bên bồi”, thì việc khai thác cát quá mức ở hạ lưu sông Lại Giang làm lòng sông sâu hơn, dòng chảy thay đổi, làm tình trạng sạt lở gia tăng. Sông An Lão chảy qua xã Ân Mỹ nằm ở thượng nguồn, nên đất, cát cứ trôi về hạ lưu để bồi lắng cho lượng cát đã bị khai thác, làm lòng sông ở nơi này ngày một sâu thêm. Khi lũ về, nước cuốn bờ, liên tục gây xói lở, xâm thực. “Trước tình hình này, đến nay, UBND xã đã di dời, cấp đất tái định cư cho 2 hộ cùng trú ở đội 5, thôn Mỹ Đức. Các hộ còn lại, xã đang xem xét, tìm kiếm quỹ đất và nguồn kinh phí để di dời”, ông Hưng nói thêm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: “Việc đầu tư, xây dựng kè chống sạt lở dọc sông An Lão qua xã Ân Mỹ là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho các hộ dân lẫn tuyến tỉnh lộ 629. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí nên trước mắt, khi mùa mưa bão đến, UBND huyện lên phương án di dời dân lên trú ở những khu vực kiên cố, an toàn hơn. Về lâu dài, huyện kiến nghị tỉnh, Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để xây dựng kè ngăn chặn hiện tượng xói lở, xâm thực”.
Trong khi chờ đợi kinh phí, hàng chục hộ dân sống ven bờ sông An Lão đoạn xã Ân Mỹ vẫn thắc thỏm với nỗi lo có ngày tài sản, ruộng vườn đổ ập xuống sông.
TRỌNG LỢI