Sử dụng thiết bị y tế từ JICA: Tăng hiệu quả khám chữa bệnh
Ðến cuối tháng 6.2017, BVÐK tỉnh đã tiếp nhận đủ những thiết bị y tế (TBYT) cuối cùng trong gói hỗ trợ từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản, do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ. Sau thời gian sử dụng, nhiều thiết bị đã được đánh giá hỗ trợ hiệu quả cho việc khám và điều trị bệnh.
Như vậy là sau hơn một năm kể từ ngày BVĐK tỉnh ký hợp đồng với Tổng Công ty Mitsubishi (Nhật Bản) để triển khai thực hiện gói thầu mua sắm và lắp đặt TBYT, các TBYT trong danh mục đã được cung cấp đầy đủ. Đây là một nội dung của Dự án Phát triển bệnh viện tỉnh, vùng - giai đoạn 2, hợp phần BVĐK tỉnh.
Các TBYT mới được trang bị giúp bác sĩ BVĐK tỉnh chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác, hiệu quả hơn.
- Trong ảnh: Bác sĩ, kỹ thuật viên thực hiện một ca phẫu thuật khối u.
Ðợt “nâng cấp” khá toàn diện
Theo đó, bệnh viện được mua sắm, lắp đặt 171 hạng mục (626 thiết bị) có tổng mức đầu tư hơn 448 tỉ đồng. Do nhiều TBYT hiện đại, chưa từng được sử dụng ở BVĐK tỉnh, nên các bác sĩ, nhân viên y tế đã được cử đi đào tạo, tập huấn ở các trung tâm lớn, nhằm sử dụng thành thạo, hiệu quả các thiết bị mới.
Theo bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh, hầu hết các khoa của bệnh viện đều được nhận thiết bị mới từ Dự án. Trong đó, một số khoa cận lâm sàng như khoa Chẩn đoán hình ảnh có nhiều máy móc quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến nhiều khoa khác. Một số thiết bị đặc biệt cần thiết như máy can thiệp mạch vừa được trang bị cho khoa Nội tim mạch, giúp nhiều bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch, bởi việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc các bệnh viện có máy để can thiệp thường là muộn, rất nguy hiểm đến tính mạng. Trước đây, cả BVĐK tỉnh chỉ có một máy can thiệp mạch nên luôn quá tải, nhưng nay tình trạng này đã cơ bản được giải quyết.
“Có thể nói những TBYT vừa được đưa vào sử dụng đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại BVĐK tỉnh, giúp đội ngũ y bác sĩ thuận lợi, chính xác hơn trong việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, những TBYT mới giúp các bác sĩ áp dụng được nhiều kỹ thuật mới trong phẫu thuật, điều trị, góp phần kéo giảm số ca bệnh phải chuyển lên tuyến trên”, ông Hồ Việt Mỹ khẳng định.
Cho cả hiện tại và tương lai
Là đơn vị có mối liên hệ mật thiết về chuyên môn với nhiều khoa, phòng khác trong bệnh viện, đợt này, Khoa Chẩn đoán hình ảnh được bổ sung 2 máy siêu âm, 1 máy chụp X-quang, 1 máy CT-scanner, 1 máy MRI.
Bác sĩ Huỳnh Lê Anh Vũ, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, cho biết, Dự án này giúp Khoa có thêm các máy móc hiện đại phục vụ người bệnh. Những kỹ thuật tiên tiến của các thiết bị mới như: máy siêu âm, X-quang, MRI, CT-scanner… cho ra hình ảnh rõ ràng hơn, giúp việc chẩn đoán của các bác sĩ chuyên khoa nhanh chóng, chính xác hơn trước rất nhiều. Ví dụ như máy CT-scanner trước đây chỉ có 6 lát cắt, máy mới có tới 128 lát cắt, giúp việc chẩn đoán dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một số kỹ thuật liên quan đến các thiết bị mới hiện chỉ có ở các bệnh viện tuyến trung ương nên còn phải chờ xác định giá dịch vụ mới có thể áp dụng.
Theo bác sĩ Đào Văn Nhân, Trưởng khoa Ngoại thần kinh - Cột sống, BVĐK tỉnh: “Việc thiếu TBYT là một trong những rào cản lớn khiến chúng ta không thể áp dụng được nhiều kỹ thuật tiên tiến vào thực tiễn. Khá nhiều bác sĩ từng được tập huấn ở các trung tâm lớn hoặc ở nước ngoài, nắm vững kiến thức, thực hành thành thạo, nhưng khi về không có đủ dụng cụ để áp dụng. Ví dụ như mới đây, khoa Ngoại thần kinh - Cột sống được nhận một kính hiển vi phẫu thuật 3D, có thể thấy được chiều sâu trong phẫu trường, giúp phẫu thuật viên đánh giá được thương tổn tốt hơn so với loại kính đã sử dụng trước đây. Nhờ đó, chúng tôi đã thực hiện được khoảng chục ca phẫu thuật đạt độ chuẩn xác cao hơn, can thiệp hiệu quả hơn so với trước”.
Bên cạnh những TBYT được đưa vào sử dụng ngay tại các khoa, phòng, một số thiết bị được “để dành” phục vụ cho các dự án trong tương lai gần. Đơn cử như bộ dụng cụ thụ tinh ống nghiệm IVS, được chuyển về Khoa Sản, để chờ sự ra đời của Đơn nguyên hiếm muộn. Đây là nội dung còn thiếu đối với hầu hết các bệnh viện khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Bác sĩ Hồ Việt Mỹ cho biết, nhiều bác sĩ, nhân viên, kỹ thuật viên đã được cử đi học tập tại các bệnh viện chuyên khoa tại TP Hồ Chí Minh. BVĐK tỉnh liên hệ chặt chẽ với Bệnh viện Từ Dũ để nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn. Sau khi được Bộ Y tế kiểm tra, cấp phép sẽ đưa vào hoạt động.
LÊ CƯỜNG