Nên tầm soát dấu hiệu của bệnh ung thư
Ai cũng biết, ung thư là bệnh rất nguy hiểm. Nếu chủ động tầm soát, sàng lọc và phát hiện sớm sẽ giúp hạ thấp giai đoạn lâm sàng và giảm tỉ lệ tử vong. Ung thư gan và ung thư cổ tử cung là những bệnh ung thư phổ biến, rất nguy hiểm.
Hiện BVĐK tỉnh ta đã thực hiện được khá nhiều xét nghiệm tầm soát ung thư. Những người có người thân đã mắc ung thư, có dấu hiệu bất thường liên quan đến ung thư, nên sớm đi xét nghiệm, chẩn bệnh.
Ung thư gan: Ung thư gan là bệnh có tiên lượng vô cùng xấu. Hầu hết những người khi phát hiện ra bệnh thường chỉ sống được từ 3 - 6 tháng. Ở giai đoạn đầu, bệnh ung thư gan rất khó nhận biết, các khối u thường âm thầm phát triển, và khi khối u phát triển lớn thì người bệnh đã ở giai đoạn nguy hiểm.
Tầm soát, phát hiện sớm dựa vào xét nghiệm AFP *. Người có vi-rút viêm gan B trên 35 tuổi hay trong gia đình có người bị ung thư gan cần phải thử máu đo AFP và chất men chuyển hóa amin mỗi năm một lần. Siêu âm bụng: Có thể thấy rõ kích thước cũng như hình thái của khối u, có giá trị trong việc chẩn đoán tính chất của khối u gan. Chụp CT Scan: Thường dùng để chẩn đoán ung thư gan, nó thể hiện rất rõ ràng độ lớn nhỏ và hình thái, số lượng cùng vùng biên.
Ung thư cổ tử cung (CTC): Là ung thư phổ biến đứng hàng thứ hai trong các loại ung thư ở phụ nữ. Hơn 99% ung thư CTC là do HPV. Tuy nhiên, ung thư CTC có thể phòng ngừa, chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Với những tiến bộ của y khoa hiện đại, bệnh này được chữa khỏi gần 100% các trường hợp được phát hiện sớm. Vì vậy tất cả phụ nữ nên đi thử Pap mỗi năm một lần. Và sau 3 lần thử Pap với kết quả bình thường, bác sĩ có thể đề nghị đi thử Pap ít thường xuyên hơn. Ngoài ra, bạn có thể thực hiện thêm các xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ như: Soi cổ tử cung*: Dùng dụng cụ quan sát cổ tử cung nhằm kiểm tra bất thường trong đó. Sinh thiết cổ tử cung*: một mẫu nhỏ trong cổ tử cung được lấy ra để xác định sớm các mầm bệnh chứa tế bào ung thư. Bạn cũng hoàn toàn phòng ngừa nhiễm HPV bằng cách dùng vắc-xin nếu chưa bị nhiễm loại vi-rút này. Nên đi khám phụ khoa định kỳ, làm xét nghiệm và điều trị đúng mức các tổn thương tiền ung thư.
Theo Hướng dẫn Quốc gia về sàng lọc ung thư CTC năm 2011 bao gồm: Làm xét nghiệm Pap (Pap truyền thống, Pap dung dịch (LBC), HPV AND. Xét nghiệm HPV AND có thể được làm cùng với Pap để sàng lọc ở phụ nữ từ 30 tuổi trở lên. Nhưng nó không thể thay thế xét nghiệm Pap. Xét nghiệm HPV AND cũng được dùng ở phụ nữ có kết quả xét nghiệm Pap bất thường nhẹ để đánh giá xem có cần làm thêm xét nghiệm hoặc điều trị hay không.
BSCK2 TRẦN HIỆP
(Khoa Ung Bướu - BVÐK tỉnh Bình Ðịnh)
-----------------------------------------
(*) là các xét nghiệm đang thực hiện tại BVÐK tỉnh.