Dạy pháp luật cho học sinh phải gắn với thực tiễn cuộc sống
PGS-TS Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng Ðại học Luật (Ðại học Huế) đã chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi về lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 720 giáo viên đang giảng dạy môn Giáo dục công dân (GDCD) ở các trường THCS và THPT, được Sở GD&ÐT tổ chức lần đầu tiên, từ ngày 3 - 23.7.
Giảng viên Hồ Thị Vân Anh đang giảng bài Luật Dân sự.
Ở 7 lớp tập huấn, các học viên sẽ được cập nhật kiến thức pháp luật hiện hành để biết học sinh có những quyền gì cần được tôn trọng, phải xử lý như thế nào cho phù hợp với học sinh cá biệt quấy rối trong lớp học, dạy học pháp luật trong môn GDCD như thế nào cho hiệu quả… Môn GDCD đã là một nội dung của kỳ thi THPT quốc gia và việc tổ chức những lớp tập huấn như trên được đánh giá là cần thiết.
* Điều học viên quan tâm nhất là nội dung của khóa tập huấn. Ông có thể chia sẻ cụ thể không, thưa ông?
- Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác giảng dạy môn GDCD trong các trường phổ thông là nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT đặt ra trong năm 2017 và Sở GD&ĐT đã phối hợp với Trường ĐH Luật thực hiện việc này.
Để làm tốt công việc, tôi và một số giảng viên của trường đã biên soạn cuốn Tài liệu Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên dạy môn GDCD. Các mảng kiến thức chúng tôi đề cập đến là kiến thức chung về Nhà nước và pháp luật, để trang bị cho đội ngũ giáo viên tất cả kiến thức về nguồn gốc, bản chất, chức năng, kiến thức về Nhà nước và pháp luật. Đồng thời, đi sâu vào một số nội dung của các luật và một số chuyên ngành với mục đích cập nhật những kiến thức luật mới, bởi trong năm vừa rồi, Quốc hội ban hành rất nhiều đạo luật mới.
* Với một lĩnh vực rộng như kiến thức pháp luật, cô đọng sao cho phù hợp với đối tượng lĩnh hội là giáo viên phổ thông, hướng tới mục tiêu truyền đạt cho học sinh là điều rất quan trọng…
- Trước khi triển khai thực hiện chương trình cũng như biên soạn giáo trình cho khóa tập huấn này, chúng tôi đã thành lập hội đồng tổ chức nghiên cứu chương trình giáo dục của các lớp - từ lớp 6 đến lớp 12.
Cụ thể, chúng tôi nghiên cứu nội dung sách giáo khoa, những yêu cầu đặt ra với giáo viên lên lớp. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã biên soạn giáo trình này nên nội dung bám rất sát yêu cầu kiến thức của từng lớp, từng cấp học.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức một số đề tài nghiên cứu khoa học, ở mức độ nghiên cứu về việc giảng dạy môn GDCD trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Những người thực hiện đề tài đã khảo sát thực tế việc dạy học, đi phỏng vấn học sinh xem ý kiến các em thế nào về môn học, các em có thích thú với môn học không. Rồi phỏng vấn giáo viên giảng dạy xem họ có gặp khó khăn gì.
Trên cơ sở tổng hợp nhiều nguồn thông tin như vậy, chúng tôi biên soạn ra giáo trình với những giải pháp hiệu quả với đội ngũ giáo viên trung học.
* Còn về phương pháp giảng dạy, truyền đạt thì sao, thưa ông?
- Tài liệu có 3 chuyên đề với nội dung rất cụ thể về việc này. Đó là chuyên đề 5 về phương pháp dạy học pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học; chuyên đề 6 về phương pháp tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở trường trung học; và chuyên đề 7 về kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật.
* Riêng với nội dung pháp luật, ngoài phần lý thuyết cần nắm, học viên rất cần nghe những dẫn chứng cụ thể. Những tiết học của lớp tập huấn có đảm bảo việc này không, thưa ông?
- Trong tài liệu này, có 10 chuyên đề, được biên soạn theo quy định khung của Bộ GD&ĐT. Trong mỗi chuyên đề đều có những bài tập giải quyết các tình huống cụ thể. Pháp luật phải luôn gắn với thực tiễn cuộc sống. Mỗi chuyên đề có những tình huống mẫu và trên lớp giảng viên sẽ phải linh hoạt và thường xuyên đưa ra những dẫn chứng phù hợp với nội dung truyền đạt.
* Xin cảm ơn ông!
Sau khi hoàn thành khóa tập huấn, học viên sẽ hiểu rõ những kiến thức cơ bản về hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nhận thức được vai trò và ý nghĩa của việc giáo dục pháp luật trong môn GDCD, cách thức tổ chức công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở trường trung học; nâng cao chất lượng dạy học môn GDCD cấp THCS, THPT.
Về kỹ năng, học viên được trang bị các kỹ năng tìm hiểu, học tập, sử dụng kiến thức pháp luật (lý thuyết và thực tiễn), các kỹ năng cơ bản trong hoạt động giáo dục pháp luật, các kỹ năng hỗ trợ cho hoạt động giáo dục pháp luật.
Về thái độ, học viên sẽ có ý thức nâng cao năng lực nghề nghiệp, trau dồi đạo đức, tác phong sư phạm mẫu mực của nhà giáo; khách quan, khoa học trong đánh giá và tự đánh giá quá trình dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật; có ý thức tôn trọng, chấp hành Hiến pháp, ý thức bảo vệ pháp luật và lợi ích của việc chấp hành pháp luật để góp phần ổn định môi trường giáo dục, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
NGỌC TÚ