Áp lực sau mùa thi
Chỉ còn ít ngày nữa, tỉnh ta sẽ công bố kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi THPT Quốc gia. Sau khi hoàn thành hai kỳ thi này, trong thời gian chờ kết quả, nhiều em đi chơi xa, nghỉ ngơi tại nhà hay chơi thể thao, thư giãn để giải tỏa căng thẳng. Nhưng cũng không ít em có tâm lý hoang mang, lo lắng không kém giai đoạn trước kỳ thi, trong đó phần bắt nguồn từ cha mẹ chiếm tỉ lệ không ít.
Trong khi chờ kết quả, không ít em hoang mang, lo lắng chẳng kém gì giai đoạn trước kỳ thi.
Vì nhiều lý do: muốn được hãnh diện, lo lắng cho tương lai của con, muốn con lọt vào trường tốt…, một số phụ huynh bắt con mình học ngày học đêm, hạn chế đến tối đa những hoạt động không phải là việc học tập. Chưa hết, sau khi thi xong, những phụ huynh này dồn dập truy con bằng những câu: “Con làm bài có được không? Nhắm có đạt điểm cao không? Có vào được trường X, Y, Z không?”. Rồi họ “đe dọa” con mình: “Con mà thi trượt chắc ba (mẹ) ra đường phải úp thúng vô mặt”, “Con mà không đỗ coi như khỏi nói chuyện học hành gì nữa”... Rất nhiều người cho rằng đó là một cách yêu thương, chăm sóc, bảo vệ con; đảm bảo tương lai cho con mình! Rằng mục đích sẽ biện minh cho phương tiện, giờ nó có thể hờn giận nhưng sau này nó sẽ biết ơn!
Ít ai chịu dừng lại đôi chút để thử tự hỏi rằng, với những áp lực như thế thì tâm - sinh lý con mình sẽ rơi vào trạng thái nào? Cứ tưởng khi kết thúc mùa thi sẽ được cùng bạn bè đi chơi đâu đó hay ba mẹ sẽ dẫn đi du lịch xa nhà đổi gió, hoặc ít ra cũng được nghỉ xả hơi, nhưng nào ngờ tâm trạng không khá hơn, mà nhiều em ngược lại còn hoang mang, đau đầu, căng thẳng. Một số em lo âu đến mức cứ như kẻ mất hồn, thậm chí trầm cảm, tự kỷ.
Tất nhiên, ai cũng mong muốn con mình đạt điểm cao trong một kỳ thi quan trọng như thế. Và càng không có phụ huynh nào muốn thấy con mình phải chờ đến năm sau để thi lại... Nhưng không phải vì thế mà chuyển áp lực lên con cái. Việc học như một chuyến đi xa. Trên con đường dài đằng đẵng ấy không lúc nào cũng trải thảm đỏ, đầy hoa thơm cỏ lạ. Mà đôi khi nó cũng gập ghềnh, chông gai, trắc trở. Hơn nữa, có gây áp lực thì trong giai đoạn này cũng không thể làm thay đổi kết quả được nữa.
Dù gì đi chăng nữa, cha mẹ cũng nên là người bạn thực sự của con mình. Chỉ có vậy mới hiểu các em đang muốn gì, nghĩ gì và cần gì. Nên tìm cách giải tỏa những căng thẳng nếu con mình đang lo lắng. Cách tốt nhất là hãy giả định những khả năng có thể xảy ra và những giải pháp tương ứng. Như thế mới thật sự là yêu thương, chăm sóc con!
NGUYỄN HOÀNG DUY