Khởi động Ðề án bảo tồn hát bội và bài chòi
Cuối năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Ðề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát bội và bài chòi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Sau một thời gian chuẩn bị, đến nay Ðề án đã khởi động.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát bội, bài chòi Bình Định còn gặp nhiều khó khăn. Có thể kể đến tình trạng các đoàn tuồng không chuyên, CLB bài chòi dân gian ở các địa phương chưa có cơ sở vật chất, trang thiết bị để ổn định chỗ tập luyện và biểu diễn. Hoặc như việc sưu tầm, nghiên cứu về hát bội, bài chòi chưa được tiến hành một cách đầy đủ, hệ thống và thường xuyên. Việc truyền dạy nghệ thuật hát bội, bài chòi tuy ai cũng biết là rất cần thiết nhưng đến giờ vẫn còn nhiều hạn chế…
Các nghệ nhân đoàn tuồng Trần Quang Diệu đang biểu diễn.
Nghệ nhân Phan Ngọc Bạn, Trưởng Đoàn tuồng Trần Quang Diệu, bộc bạch: “Các đoàn tuồng không chuyên tồn tại được là nhờ dân nuôi bao nhiêu năm qua. Tuy nhiên, hoạt động biểu diễn của các đoàn không chuyên cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là lực lượng kế cận, trang thiết bị biểu diễn. Chúng tôi rất mong được hỗ trợ để có thể tiếp tục cống hiến, tham gia phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống…”.
Từ hội nghị triển khai Đề án tổ chức hồi cuối tháng 6 vừa qua, sắp tới Sở VH-TT sẽ thành lập Ban tổ chức thực hiện Đề án, lập kế hoạch triển khai các dự án trong Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở sẽ phối hợp cùng tập trung thực hiện các mục việc cụ thể.
Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình được giao chủ trì xây dựng đề cương triển khai các dự án: Sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa, số liệu hóa các bài bản, tư liệu về hát bội, bài chòi Bình Định. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ nghệ nhân hát bội, bài chòi dân gian.
“Để thực hiện Dự án Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ nghệ nhân, chúng tôi đề xuất các giải pháp về tổ chức tập huấn công tác lập hồ sơ, rồi quan tâm phối hợp lập hồ sơ trình các cấp phê duyệt… với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, địa phương để giúp các nghệ nhân cần được giúp đỡ”, ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, cho biết.
Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, Nhà hát tuồng Đào Tấn, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch trình Sở VH-TT đề xuất triển khai thực hiện các dự án: Truyền dạy di sản hát bội, bài chòi trong cộng đồng và trong trường học; phục hồi bảo tồn các vở tuồng cổ, bài chòi dân gian…
NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, cho biết: “Đoàn đã xây dựng kế hoạch trình Sở VH-TT đề xuất tiến hành các hoạt động giới thiệu, dạy hát dân ca bài chòi cho học sinh; đẩy mạnh việc truyền dạy các trích đoạn tiêu biểu, các vai mẫu cho lực lượng diễn viên trẻ. Bên cạnh đó, sẽ mời các nghệ nhân giỏi về bài chòi cổ về truyền dạy thêm cho lực lượng diễn viên của Đoàn... Khi kế hoạch được phê duyệt, chúng tôi sẽ cố gắng triển khai ngay”.
Từ sự quan tâm của các đơn vị liên quan ở giai đoạn “khởi động” Đề án, có thể hi vọng công tác bảo tồn di sản hát bội và bài chòi sẽ có thêm chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Ðề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát bội và bài chòi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đã đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp:
- Nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn những giá trị tiêu biểu của hát bội, bài chòi.
- Truyền dạy nghệ thuật hát bội, bài chòi trong cộng đồng và trong trường học.
- Phục hồi bảo tồn các vở tuồng cổ, hội đánh bài chòi cổ, vở bài chòi dân gian.
- Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để bảo tồn và phát huy di sản tuồng, bài chòi.
- Tăng cường tuyên truyền quảng bá, giới thiệu di sản.
- Ðầu tư xây dựng cơ sở vật chất thiết chế phục vụ khai thác sử dụng, phát huy giá trị di sản.
- Gắn kết phát huy giá trị tuồng, bài chòi với hoạt động phục vụ phát triển du lịch.
HOÀI THU