Giao khoán quản lý và bảo vệ rừng: Ðược và chưa được
Chính sách giao khoán quản lý rừng vừa bảo vệ tài nguyên rừng bền vững, vừa đem lại sinh kế ổn định cho cộng đồng dân cư sở tại. Song bên cạnh những lợi ích thiết thực, công tác giao khoán rừng trên địa bàn tỉnh ta còn bộc lộ không ít bất cập.
Cộng đồng giữ rừng
Đến nay, đã có trên 105 ngàn ha rừng trên địa bàn toàn tỉnh được giao khoán cho dân quản lý, bảo vệ. Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT), việc này đã góp phần tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời giải quyết việc làm cho người dân và hạn chế được tình trạng khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép ở địa phương.
Các thành viên trong tổ bảo vệ rừng ở làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) tuần tra, bảo vệ rừng.
Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, đến nay, toàn huyện có gần 26.800 ha rừng được giao khoán cho 2.088 hộ gia đình, 35 tập thể cộng đồng thôn và 2 tổ chức để quản lý, bảo vệ. Chính sách này khuyến khích sự tham gia của hộ gia đình, cộng đồng dân cư và phát huy vai trò của người dân trong tham gia bảo vệ rừng, đồng thời tạo quan hệ gắn kết giữa người dân và lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc vận động tuyên truyền trong công tác bảo vệ rừng. Ông Đinh Thái, Trưởng làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh), chia sẻ: “Làng Hà Ri có 157 hộ gia đình và hầu hết đều nhận khoán quản lý rừng. Ngoài tuần tra, kiểm soát, người dân còn lập chốt bảo vệ vào năm 2015. Thời gian qua, chốt đã tham gia phát hiện khoảng 20 vụ khai thác rừng trái phép, giao ngành chức năng xử lý”.
Tại huyện Hoài Ân, đến nay, đã có gần 11.000 ha rừng trên địa bàn đã giao khoán cho 889 hộ dân và 3 tổ chức cộng đồng dân cư ở 3 xã Ân Sơn, Bok Tới, Đắk Mang. Ông Huỳnh Thanh Phương, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Hoài Ân, cho biết, để công tác này mang lại hiệu quả, những năm qua, UBND huyện Hoài Ân đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên họp dân để tuyên truyền Luật Bảo vệ, phát triển rừng, xây dựng quy ước, tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét... Do thực hiện tốt mô hình toàn dân tham gia bảo vệ rừng mà nhiều năm liền xã Ân Sơn đã không để xảy ra tình trạng phá rừng. Ông Đinh Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Ân Sơn, chia sẻ kinh nghiệm: “Toàn xã có 158 hộ thì có đến 130 hộ đăng ký tham gia bảo vệ rừng. Có đối tượng khả nghi vào địa bàn có ý định xâm hại rừng đều bị người dân phát hiện, kịp thời báo cho lực lượng chức năng”.
Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, nhận xét: “Chính sách giao khoán rừng mang lại hiệu quả rất lớn, vừa trực tiếp tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân, vừa gắn trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ rừng. Ngoài ra, còn bù đắp nguồn nhân lực thiếu hụt của cơ quan quản lý trực tiếp”. Đến nay, đã có gần 23.000 ha rừng trên địa bàn huyện được giao khoán cho 763 hộ dân. Trong khi hầu hết rừng có “chủ” rất ít khi xảy ra tình trạng xâm hại rừng, thì ngược lại, 17 vụ phá rừng xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2017 đều diễn ra trên diện tích do UBND xã, thị trấn quản lý.
Còn bất cập
Nhưng, bên cạnh các kết quả đạt được, chính sách giao khoán quản lý rừng còn bộc lộ không ít hạn chế. Một số diện tích rừng tự nhiên được giao khoán đã bị xâm hại. Đơn cử ở huyện Hoài Ân, 6 tháng đầu năm 2017, xảy ra 4 vụ phá rừng gây thiệt hại 3,1 ha rừng; đến nay, BQLRPH huyện Hoài Ân đã xác định 4 đối tượng xâm hại rừng và đã chuyển sang Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Tại huyện Vĩnh Thạnh, từ năm 2014-2016, xảy ra 20 vụ, gây thiệt hại 7,1 ha, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Phân tích nguyên nhân rừng giao khoán bị xâm hại, ông Nguyễn Sơn Tùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng, mức hỗ trợ cho hộ nhận khoán từ 200 - 400 ngàn đồng/ha/năm chưa phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tự giác tổ chức liên kết trong tuần tra, kiểm tra rừng đối với hộ nhận khoán, trong khi đó việc trồng rừng kinh tế lại mang hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, không ít đối tượng lén lút xâm hại rừng. Ngoài ra, còn có nguyên nhân lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở chưa phối hợp chặt chẽ với hộ nhận khoán; việc trao đổi, nắm bắt thông tin còn chậm, không kịp phát hiện rừng bị xâm hại.
Để chính sách giao khoán quản lý rừng ngày càng phát huy hiệu quả, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho rằng, ngoài việc tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng, Nhà nước cần nâng mức hỗ trợ nhận khoán, bởi mức hỗ trợ như hiện nay là khá thấp. Đây chính là “rào cản” làm chậm tiến độ giao rừng cho dân. Đó chưa kể diện tích rừng tự nhiên giao cho hộ và cộng đồng có trữ lượng thấp, chất lượng rừng kém, lâm sản ngoài gỗ ít và nằm ở xa khu dân cư nên ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng.
TRỌNG LỢI