Trại giam Kim Sơn: Giúp phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng
Tạo điều kiện tái hòa nhập xã hội cho phạm nhân là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Trại giam Kim Sơn (Bộ Công an, đóng ở địa bàn xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) đã và đang triển khai thực hiện.
Các phạm nhân được học nghề để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Dạy nghề để tái hòa nhập
Để giúp đỡ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng sau mãn hạn tù, Trại giam Kim Sơn đã phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân. Từ đầu năm đến nay, Trại đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh mở 1 lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề và cấp chứng chỉ cho 30 phạm nhân học nghề cơ khí; phối hợp với Liên doanh Hưng Tín - Cao đẳng nghề Gia Lai tổ chức 8 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 280 phạm nhân. Trong đó, 175 phạm nhân được học nghề xây dựng (5 lớp); 105 phạm nhân học nghề hàn (3 lớp). Ngoài ra, thông qua các tổ lao động, nhiều phạm nhân trong trại có tay nghề sẽ hướng dẫn, truyền nghề cho các phạm nhân chưa thạo nghề.
Không chỉ đào tạo nghề, Trại còn cung cấp danh sách phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, trao đổi thông tin, tình hình liên quan về phạm nhân với Công an, chính quyền địa phương, nhằm cùng chính quyền, ngành chức năng kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những người sắp hoàn lương để có kế hoạch hỗ trợ, động viên khi họ trở lại với đời thường. Hội nghị gia đình phạm nhân được tổ chức định kỳ hàng năm cũng là một biện pháp hỗ trợ phạm nhân tái hòa nhập. Thông qua Hội nghị, Trại đã phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và gia đình phạm nhân tạo điều kiện tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc để ổn định cuộc sống.
Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn, cho biết: “Chúng tôi quan tâm giúp họ được học kiến thức pháp luật, tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, nhất là kỹ năng tìm kiếm việc làm, cung cấp thông tin KT - XH của đất nước và địa phương để không bị lạc hậu khi trở về. Những trường hợp khó khăn về nơi cư trú, không còn người thân thích… Trại giam chủ động liên hệ với chính quyền địa phương, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội đề nghị tiếp nhận họ trở lại làm việc, sinh sống”.
Tự tin làm lại cuộc đời
Nhờ được hỗ trợ chu đáo sau khi ra tù, nhiều đối tượng hoàn lương đã tái hòa nhập tại cộng đồng, trở thành các chủ doanh nghiệp và giúp đỡ được cho nhiều người khác, trong đó có những người mãn hạn tù, ổn định cuộc sống. Như trường hợp của Nguyễn Trùng D., giờ đã là Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí, xây dựng, quảng cáo D.G; không chỉ tạo công ăn việc làm cho mình mà còn cho nhiều bạn tù. Hay như Đỗ Đình H., không có nghề nghiệp; khi vào Trại giam Kim Sơn chấp hành án phạt tù đã được đào tạo và cấp chứng chỉ nghề xây dựng. Được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù đợt 30.4.2017, ra tù, H. đã tự nuôi bản thân mình từ chính nghề học được khi ở trại. H. chia sẻ: “Mọi thứ với tôi chỉ mới bắt đầu. Còn nhiều khó khăn và thử thách, song tôi sẽ cố gắng sống tốt, tự lo cho bản thân và có thể phụ giúp gia đình, vậy là mừng. Còn anh C.B. (Hoài Nhơn) sau 9 năm hoàn lương, đúc kết: “Tôi nghĩ chỉ cần mình quyết tâm, tự lo cho mình thì cuộc sống sẽ dần ổn định. Những ngày đầu mới về nhà, tôi bị nhiều người dè bỉu nên buồn lắm. Nhờ gia đình và nhất là được chính quyền địa phương động viên, định hướng nghề nghiệp nên tự tin hơn và đã làm lại cuộc đời từ nghề hàn được học trong những ngày ở trại”. B. hiện có thu nhập tương đối ổn định ở địa phương.
Tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập và đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhì của Trại giam Kim Sơn, tổ chức 21.6, Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an, đã nhấn mạnh: Nhờ sự chủ động thực hiện chương trình cải tạo, giáo dục phạm nhân nên Trại giam Kim Sơn đã góp phần quan trọng vào thành công của công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người mãn hạn tù. Tuy nhiên, việc tái hòa nhập xã hội cho người mãn hạn tù đòi hỏi sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội và tình cảm, trách nhiệm, sự giúp đỡ của gia đình, người thân cũng như cố gắng của người chấp hành hình phạt tù mới hy vọng họ thực sự hoàn lương và trở thành người có ích cho xã hội.
K.ANH