Sự cố tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67: Hé lộ thỏa thuận “đen” giữa doanh nghiệp với ngư dân
5 ngư dân có tàu vỏ thép gỉ sét tại Bình Định đã ký với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương một hợp đồng “đen” chấp thuận việc cắt giảm một số chi phí và hạng mục lắp đặt trên tàu. Đây là “trận đồ” mà doanh nghiệp bày ra để dụ ngư dân, thực hiện hành vi “rút ruột” tàu vỏ sắt, vi phạm tinh thần, chủ trương Nghị định (NĐ) 67 của Chính phủ.
Tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 tại Bình Định bị hư hỏng
Tặng tiền để ký hợp đồng
5 ngư dân có tàu cá vỏ thép đóng theo NĐ 67 do Công ty Đại Nguyên Dương đóng, vừa hé lộ với báo chí sự thật về việc doanh nghiệp đi cửa sau nhằm trục lợi. Đơn tường trình của anh Võ Tuân, xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99018-TS gửi đến Báo SGGP vào sáng 4.7 nêu rõ: Trong lúc nhận chủ trương đóng tàu vỏ thép theo NĐ 67, ông Lữ Xuân Nhân, Phó Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương, đã tìm đến đồng thời nói “cho không” 500 triệu đồng với lý do để hỗ trợ một phần chi phí làm “quà” cầu hên chuyến biển đầu tiên của các ngư dân.
Cũng theo đơn tường trình trước khi đưa tiền cho ngư dân, ông Lữ Xuân Nhân đã buộc các ngư dân phải viết đơn nhận số tiền 500 triệu đồng trên của công ty này; đưa ra lý do để làm bằng chứng vì sợ rằng ngư dân nhận tiền rồi lại “lật kèo” đi đóng tàu của đơn vị khác.
Với những điều kiện ưu ái đặc biệt trên, 5 ngư dân ở 2 huyện Phù Cát, Phù Mỹ (Bình Định) đã đặt bút ký vào giấy nhận tiền cũng như hợp đồng đóng tàu của công ty này mà không mảy may nghi ngờ. “Sau khi đóng tàu, tôi ra Nam Định để xem xét công tác đóng tàu, thì thái độ của họ lạnh nhạt. Doanh nghiệp này còn nhốt tàu tôi lại đến 2 - 3 tháng sau mới cho về. Họ bắt tôi ký vào 3 - 4 tờ giấy gì đó rồi mới cho đưa tàu về, không biết sau đó họ có điền gì vào đó không, chúng tôi không rõ. Giờ tàu hư hỏng, gỉ sét cỡ đó thì mới biết mình bị gài, bị lừa”, chủ tàu Nguyễn Văn Manh, tàu vỏ thép BĐ 99567-TS (huyện Phù Mỹ) bùi ngùi.
“Biên bản thỏa thuận và cam kết thực hiện” do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương soạn thảo và buộc ngư dân ký vào
Biên bản kỳ lạ
Các ngư dân thông tin thêm, trong quá trình đóng tàu, ngư dân còn được doanh nghiệp “biếu” thêm 150 triệu đồng tiền nước, xe đón đưa, thuê nhà nghỉ… trong các chuyến ra Nam Định (trụ sở Công ty TNHH Đại Nguyên Dương) để giám sát tàu. Ngư dân Trần Minh Vương, chủ tàu vỏ thép BĐ 99027-TS, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát (Bình Định) tường trình tiếp: Đến ngày 5.5.2016, 5 con tàu của ngư dân Bình Định đã được Công ty Đại Nguyên Dương đóng xong. Trước khi viết lệnh xuất xưởng, lãnh đạo công ty này đưa ra một tờ giấy đánh máy sẵn ghi là “Biên bản thỏa thuận và cam kết thực hiện”, do ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ký, yêu cầu các ngư dân ký vào thì mới viết lệnh xuất xưởng.
Tóm tắt nội dung biên bản, do ngư dân Trần Minh Vương cung cấp, trong đó ghi rằng: Trong quá trình vay vốn để đóng tàu cá vỏ thép nghề lưới vây mạn, do ngư dân không có đủ điều kiện nên đã vay của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương số tiền 650 triệu đồng để tham gia vốn đối ứng với phía ngân hàng. Do không kịp thu xếp được nguồn vốn để trả nợ cho công ty, ông Trần Minh Vương yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương cắt giảm một số chi phí và hạng mục lắp đặt lên tàu, nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng và yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu của đăng kiểm, hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến quá trình khai thác. Sau này, tàu đi vào khai thác, khi có điều kiện ông Trần Minh Vương tự nâng cấp các hạng mục theo mong muốn để hoạt động tốt hơn và có hiệu quả hơn. Ông Trần Minh Vương cam kết với các thỏa thuận trên và không có bất kỳ yêu cầu hay khiếu nại nào, sau khi ký vào biên bản này, hai bên thống nhất xóa số nợ 650 triệu đồng cho ông Trần Minh Vương…
Với biên bản thỏa thuận trên, doanh nghiệp đã đánh tráo từ thép Hàn Quốc sang Trung Quốc, nhiều vị trí không đảm bảo thép cấp A, kém chất lượng dẫn đến hiện tượng gỉ sét sớm trên tàu; máy bảo ôn trong hệ thống bảo quản hầm lạnh đã bị thay thế bằng máy Trung Quốc (trong hợp đồng là máy của Ý hoặc Đức); tời và lưới thì doanh nghiệp để ngư dân tự trang bị, để trừ vào khoản tiền 650 triệu đồng đã vay trước đó (trong hợp đồng tời và lưới 250 triệu đồng).
Theo tường trình của ngư dân Trần Minh Vương, khi đọc xong biên bản thỏa thuận nói trên, các chủ tàu nhận thấy quá vô lý, đồng loạt phản đối cách làm của doanh nghiệp. “Thế nhưng ông giám đốc công ty nói rằng, nếu ngư dân không đồng ý ký vào biên bản thì họ sẽ không viết lệnh xuất xưởng và nhốt tàu lại, không cho hạ thủy. Vì bị gài vào bước đường cùng nên chúng tôi đã ký vào biên bản. Đến ngày 12.5.2016, doanh nghiệp mới ký lệnh xuất xưởng”, ngư dân Trần Minh Vương nói.
Đến thời điểm này, ngư dân đã gửi đơn tường trình lên chính quyền địa phương để mong tìm hướng giải quyết. Sáng 4.7, phóng viên Báo SGGP đã liên hệ với lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để tìm hiểu sự tình nhưng không được. Trong khi đó, trả lời phóng viên, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được báo cáo nào về sự việc trên, tỉnh Bình Định sẽ làm rõ sự tình khi nhận được báo cáo cụ thể.
Theo NGỌC OAI (SGGP)