Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường quản lý, khai thác cát sỏi:
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm
(BĐ) - Ngày 6.7, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước (QLNN) đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng (ngồi giữa, trong cùng) và các đại biểu tại điểm cầu Bình Định.
Theo báo cáo của Chính phủ, cả nước hiện có 824 mỏ cát, sỏi được cấp phép, 90 giấy phép dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, đường thủy nội địa có tận thu sản phẩm cát; trên 500 giấy phép bến bãi kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát và hàng trăm bến bãi hoạt động tự phát… Thời gian qua hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi ở nhiều địa phương đã gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Kết quả, 3 tháng đầu năm 2017, lực lượng công an đã xử lý 2.128 vụ, xử lý 749 đối tượng vi phạm, tịch thu 26 tàu thuyền hút cát, xử phạt 13,1 tỷ đồng… Bộ GTVT đã yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với hầu hết các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa tận thu sản phẩm cát.
Đối với tỉnh Bình Định, thời gian qua, UBND tỉnh đã cấp 47 giấy phép thăm dò, khai thác cát cho 46 đơn vị. Hiện tại có 13 giấy phép thăm dò của 12 đơn vị còn hiệu lực, 34 giấy phép đã thăm dò xong và được phép khai thác với tổng diện tích cấp phép khai thác là 98,64ha; trữ lượng cấp phép là 2.280.702m3 và công suất khai thác là 390.018m3 /năm. Thời gian qua, hoạt động khai thác cát trên địa bàn cơ bản theo đúng quy định. Tuy nhiên, do nhu cầu bức xúc về cát xây dựng tại các tỉnh miền Nam nên đã xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp cung cấp cho các đầu nậu để vận chuyển khỏi tỉnh; gây nguy cơ khan hiếm vật liệu xây dựng, kéo theo việc khai thác cát quá mức, khai thác trái phép, ảnh hưởng đến môi trường và gây mất an ninh trật tự.
Tại Hội nghị, sau khi nghe ý kiến của đại diện các bộ, ngành, địa phương, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã phát biểu ý kiến chỉ đạo: Yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố cần phân tích, đánh giá toàn diện về kết quả cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác QLNN đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi; trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp thiết thực, hiệu quả về thể chế và tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả QLNN, giải quyết căn bản tình hình khai thác, kinh doanh cát sỏi, tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khai thác cát sỏi, lập lại trật tự trong lĩnh vực này; đồng thời nghiên cứu, đề xuất giải pháp về nguồn vật liệu thay thế cát, sỏi, phục vụ cho nhu cầu xã hội. Đặc biệt, đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khai thác, kinh doanh cát sỏi, nhất là các trường hợp “bảo kê”, tiếp tay…
Tin và ảnh: Viết Hiền