Má đã “sưng”, vẫn chưa được “vạ”
Thời gian gần đây, báo Bình Định phản ánh một số trường hợp người mua nhà đấu giá thi hành án (THA), sau khi đấu giá trúng, dù đã nộp đủ tiền phải mỏi mòn chờ đợi cơ quan chức năng bàn giao tài sản.
Có vụ việc kéo dài 1 năm, có vụ kéo dài đến 3 - 4 năm. Đương sự đi mòn đường chết cỏ, gõ cửa từng cơ quan chức năng để cầu cứu, đòi quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình là sở hữu ngôi nhà mình bỏ tiền ra mua. Vậy mà, lắm khi vụ việc rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan khiến người mua bế tắc, chẳng khác nào “kiến leo cành đa”, trong khi các vụ mua bán bất động sản thông thường khác thì một khi tiền đã chuyển vào tài khoản của người bán, người mua được chuyển quyền sở hữu ngay tức thì. Tiền trao cháo múc sòng phẳng.
Nguyên nhân thì có rất nhiều. Cụ thể, khi cơ quan chức năng kê biên, phát mãi tài sản để THA thì người bị THA ù lì, chống đối, thậm chí còn “tử thủ”, hay đưa mẹ già con dại làm hoàn cảnh. Gặp những “pha” này, không ít địa phương hay cơ quan chức năng lúng túng, không dám mạnh tay cưỡng chế. Lại cũng có trường hợp vướng mắc phát sinh về thủ tục, đất chưa “sạch” đã mang ra bán đấu giá. Khi người đấu trúng đã nộp đủ tiền mua, cơ quan chức năng mới phát hiện và không biết xử lý sao với phần đất lấn mà chủ trước đã lấn chiếm thêm hay đất nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ, nên phải tham khảo cấp có thẩm quyền. Mà việc này, lại cần có thời gian chờ... câu trả lời. Khốn nỗi, người đấu giá trúng nhà có nhu cầu thì mới mua nhà, và hàng tháng phải trả nợ lãi vay tiền mua nhà. Nhưng, tiền đã lỡ trao, không chờ cũng phải chờ.
Oái ăm và tiến thoái lưỡng nan hơn nữa là trường hợp nhà mua đấu giá bị người phải THA tái chiếm. Chả là, sau khi cơ quan chức năng cưỡng chế buộc người phải THA phải ra khỏi nhà, giao nhà cho người đấu giá trúng, thì ngay sau đó, chủ cũ tìm cách phá cửa hoặc đe dọa để tái chiếm nhà. Đến nước này, người mua cầu cứu cơ quan chức năng, nhưng cơ quan chức năng lắc đầu vì “đã chìa khóa trao tay, bàn giao xong nhà cho chủ mới là xong trách nhiệm, giữ được nhà hay không là chuyện của anh”. Vậy nên, mới có trường hợp người đấu giá trúng đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa đòi được ngôi nhà đã “lỡ” mua, và nghe đâu người con tiếp tục theo đuổi việc đòi nhà của cha.
Thành ra, đôi lúc trà dư tửu hậu, bạn bè tôi khuyên chớ dại mua nhà đấu giá. Ngoài vấn đề tâm linh, có lẽ họ ngại không may gặp phải rắc rối như trên để rồi tiền mất tật mang. Riêng tôi lại nghĩ, trách nhiệm bàn giao nhà đấu giá sòng phẳng theo kiểu tiền trao cháo múc như trong mọi giao dịch dân sự khác là trách nhiệm của cơ quan chức năng! Nhà phải “sạch” trước khi đưa ra bán đấu giá để THA; nếu có vướng víu về thủ tục, luật pháp thì phải giải quyết cho xong trước khi mang ra đấu giá. Không thể đấu giá xong rồi... để đương sự phải mò mẫm, tự giải quyết trong mớ bòng bong không phải do mình gây ra.
Điều 38 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định về bồi thường thiệt hại đối với hành vi chậm giao tài sản theo đúng quy định của pháp luật (quá 30 ngày kể từ khi người trúng đấu giá giao đủ tiền). Tuy nhiên, hình như cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào người dân kiện cơ quan chức năng về hành vi này. Phải chăng, chờ một “vạ” là được cơ quan chức năng bàn giao tài sản đấu giá trúng đã hết hơi, nên người mua không còn can đảm (hay không dám) để chờ đòi thêm “vạ” nữa?
NGUYỄN NAM