Giữ lửa nghề truyền thống ở TX An Nhơn: Nhiệt tâm song hành với cải tiến, đổi mới
Sinh ra và trưởng thành trong lòng những làng nghề ở TX An Nhơn, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống đều bám nghề, giữ nghề bằng cái tâm nhiệt thành. Họ kiên định với công thức của cha ông truyền lại, song, không quên tìm kiếm, đầu tư máy móc, thiết bị mới để nâng cao giá trị của sản phẩm.
Nặng tình lưu giữ
“Ở làng bún, từ nhỏ đến lớn, lúc nào trong bụng đều có sợi bún, không làm bún thì làm gì” là câu cửa miệng của ông Đoàn Thiên Lang (66 tuổi) lúc bắt chuyện với những vị khách tham quan Làng bún tươi Ngãi Chánh (xã Nhơn Hậu). Có hơn 30 năm gắn với nghề bún, cụ ông này chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của nghề bún tươi Ngãi Chánh- từ thuở sợi bún ra đời hoàn toàn bằng sức người cho đến khi có sự vào cuộc của máy móc.
Dây chuyền sản xuất bánh hỏi khép kín được đầu tư mới của hộ bà Trần Thị Hiền tăng năng suất lên gấp 3 lần so với dàn máy cũ.
Những năm trước, tận dụng nước gạo, phụ phẩm của việc sản xuất bún, người dân Ngãi Chánh nuôi heo. Giá một ngày công làm bún thường chưa đến 100 ngàn đồng nên đời sống kinh tế của người dân Ngãi Chánh khá lên phần lớn là nhờ nuôi heo. Hai năm nay, khi heo xuống giá, hầu hết các hộ làm bún đều ngừng chăn nuôi hoặc chỉ nuôi số lượng rất nhỏ để cầm chừng.
“Giá gạo, chăn nuôi có thể lên xuống, bấp bênh nhưng nghề bún thì vẫn giữ nguyên vị trí. Người làm bún vẫn kiên trì với nghề. Mỗi sáng sớm vẫn có ít nhất 4 chiếc xe tải chở theo 12 tấn bún tỏa về các chợ. Trong ngày vẫn rải rác nhiều chuyến xe khác”, ông Lang cho biết.
Cũng liên quan đến sản phẩm làm ra từ hạt gạo, khu vực Nhơn Thuận (phường Nhơn Thành) nổi danh với làng nghề bánh hỏi, bánh ướt. Ở đây, người lớn tuổi bền bỉ giữ nghề bằng kinh nghiệm lâu năm. Những người trung niên thì trăn trở với chuyện tìm người kế nghiệp.
Bà Trần Thị Hiền (45 tuổi), một hộ sản xuất bánh hỏi, bánh ướt quy mô lớn của làng, cũng vừa thuyết phục được cậu con trai đã tốt nghiệp đại học tại TP Hồ Chí Minh quay về quê học hỏi, gánh vác cơ sở khi cha mẹ già yếu. Từ lúc con trai trở về, thông qua sự kết nối của con, hộ bà Hiền có thêm nhiều đơn hàng từ TP Hồ Chí Minh. Niềm vui bởi lửa nghề vẫn được tiếp nối, người trẻ trong nhà vẫn trân quý và đang góp công sức để làm sống dậy cái nghề cha ông truyền lại đã lan tỏa ấm áp.
Ứng dụng máy móc tiên tiến
Xác định phải luôn đổi mới trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng bánh, từ năm 2011, bà Hiền đã đầu tư 2 dây chuyền sản xuất bánh ướt hiện đại do các thợ cơ khí tại tỉnh Nam Định sản xuất.
Hai tuần nay, gia đình bà còn đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất bánh hỏi khép kín (xuất xứ từ Nam Định). Tổng giá trị đầu tư cho dàn máy hiện đại này khoảng 500 triệu đồng. Riêng dàn máy sản xuất bánh hỏi trị giá 171 triệu đồng, trong đó, ngành Công Thương hỗ trợ thông qua chương trình khuyến công 80 triệu đồng.
Bà Hiền kể: “Với dây chuyền sản xuất bánh hỏi hiện tại, chúng tôi mất 1 tuần làm quen và hư hao khoảng 1 tạ gạo để có thể cho ra mẻ bánh đúng yêu cầu. Đến khi quen rồi, mọi chuyện dễ dàng hẳn. Dây chuyền sản xuất hiện tại có năng suất gấp 3 lần dàn máy cũ. Đó là chưa kể, chúng tôi còn có thể điều chỉnh công suất của máy tùy vào đơn hàng. Nhờ vậy, gia đình tiết kiệm được thời gian lẫn công sức mà vẫn có thể sản xuất được lượng bánh lớn để cung cấp trong và ngoài tỉnh”.
Điều khá đáng tiếc là đến giờ, cơ sở của bà Hiền là đơn vị duy nhất trong làng nghề bánh ướt, bánh hỏi Nhơn Thuận thực hiện đầu tư, ứng dụng các dây chuyền sản xuất tiên tiến.
Nhưng ở Ngãi Chánh thì khác. Từ năm 2007, nhiều người làm nghề bún ở Ngãi Chánh đã tìm ra tỉnh Nam Định để đặt hàng dây chuyền sản xuất bún với năng suất gấp đôi, gấp ba lần. Trong 10 năm qua, dây chuyền sản xuất khép kín này đã dần dần thay thế cách thức sản xuất thủ công, dựa vào sức người. Hiện, cả thôn Ngãi Chánh có khoảng 20 máy sản xuất bún. Trung bình, có từ 4 đến 6 hộ sản xuất bún sử dụng chung một máy với mức giá thuê máy là 45.000 đồng/ngày.
Mạnh mẽ và tốc độ hơn trong ứng dụng máy móc tiên tiến có lẽ là nghề tiện gỗ mỹ nghệ ở xã Nhơn Hậu. Hầu hết các cơ sở sản xuất lớn ở làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ đều mạnh tay đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để làm ra những sản phẩm gỗ tinh xảo.
20 năm trong nghề, ông Ngô Xuân Thảo đã trang bị được một hệ thống máy liên hợp (phụ trách các công đoạn: bào, cưa, dọn, chạy chỉ...). Đây chỉ là thiết bị cơ bản, phổ thông của người làm nghề gỗ mỹ nghệ. “Để tăng năng suất và hiện đại hơn, chúng tôi mơ ước đến dàn máy liên hợp CNC. Song, hiện nay, chỉ có nhà máy lớn mới đủ khả năng trang bị”, ông Thảo cho biết thêm.
NGUYỄN MUỘI