Vì sao doanh nghiệp hưởng ứng chưa mặn mà?
Tuy không có con số thống kê cụ thể song Sở VH-TT, LÐLÐ tỉnh - hai đơn vị chủ chốt trong tổ chức thực hiện phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Phong trào) - đều xác nhận, các DN (cả nhà nước lẫn tư nhân) tham gia rất ít và còn có xu hướng giảm hoặc có biểu hiện buông bỏ Phong trào.
Liên hoan Cơ quan văn hóa huyện An Lão lần 3 - 2017 có 57 đơn vị tham gia nhưng trong số này chỉ có 2 doanh nghiệp.
Theo Sở VH-TT và LĐLĐ tỉnh, trong những năm đầu triển khai phong trào, khoảng sau năm 2000 đến trước năm 2011, với khí thế hào hứng buổi đầu, tuy có những hạn chế nhất định song vẫn có một số lượng khá đông DN (đại đa số là DN nhà nước) hưởng ứng phong trào, đăng ký tham gia thực hiện. Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, phong trào giảm sức thu hút. Tiêu chí cao song danh hiệu - “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” - lại bị xem là “hữu danh vô thực” khiến Phong trào “mất điểm”.
Văn bản chỉ đạo chồng chéo, bất cập, thay đổi liên tục
Theo ông Lê Từ Bình, Trưởng Ban Tuyên giáo, LĐLĐ tỉnh, điểm bất cập chung và lớn nhất là việc chuyển sang khoán trắng cho tổ chức công đoàn từ đăng ký, kiểm tra đến công nhận. Điều này nảy sinh một số bất cập: không đủ nhân lực để thực hiện, không chủ động về kinh phí (LĐLĐ cấp huyện làm dự trù và xin kinh phí từ UBND cùng cấp; ở cấp tỉnh, kinh phí lại do Sở VH-TT quản lý, trong khi đơn vị thực hiện chính là LĐLĐ tỉnh)… Trong đó, bị phản ứng nhiều nhất là Thông tư 08/2014 (của Bộ VH-TT&DL), được ban hành khi chưa thống nhất với Tổng LĐLĐ Việt Nam song lại quy định việc đăng ký xây dựng DN đạt chuẩn văn hóa do chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) thực hiện (Thông tư 01/2012 là do thủ trưởng đơn vị đăng ký).
“Các cấp công đoàn phản ứng mạnh vì phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) là phong trào của chính quyền, việc tổ chức thực hiện nếu không có sự đồng ý của thủ trưởng đơn vị thì công đoàn không thể làm được. Giao chủ tịch CĐCS đăng ký là không phù hợp. Khâu chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn thực hiện có quá nhiều văn bản chồng chéo, bất hợp lý, rắc rối do thay đổi liên tục khiến cho nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là DN không còn thiết tha với Phong trào. Những năm gần đây, nhiều DN chuyển sang cổ phần hóa, số DN tham gia phong trào càng giảm. Bị “thoái trào” trong nhiều năm như vậy, nên từ 2015 đến nay, mặc dù các cấp, các ngành hữu quan đã ban hành một số văn bản hướng dẫn và đôn đốc thực hiện phong trào nhưng tình hình chưa vực dậy được”, ông Lê Từ Bình cho biết.
Về phía Sở VH-TT - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Nguyễn Văn Ngọc thì cho rằng, nguyên nhân khách quan chính khiến DN hưởng ứng phong trào còn ít, chưa mặn mà, một phần bởi danh hiệu chưa được điều tiết trong Luật Thi đua - Khen thưởng, chưa được Nhà nước thừa nhận như hai danh hiệu (Gia đình văn hóa và Thôn/làng/khu phố văn hóa)!
Không đủ sức hấp dẫn
Theo số liệu do Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh cung cấp, đến năm 2011 chỉ có 6/97 DN (thuộc quản lý của Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh) đăng ký xây dựng và tất cả được công nhận (Công ty TNHH NLG Quy Nhơn, chi nhánh Công ty CP Bia Sài Gòn - miền Trung tại Quy Nhơn, Công ty CP Quốc Thắng, Công ty TNHH Bình Phú, Công ty TNHH Đức Toàn, Công ty TNHH Phú Hiệp). Tuy nhiên sau đó, tất cả 6 đơn vị không tiếp tục đăng ký duy trì phong trào.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Ngọc Anh, với hệ thống tiêu chuẩn công nhận cao, mang tính toàn diện, đồng nghĩa với việc DN phải đầu tư lớn để đáp ứng tiêu chuẩn, nỗ lực nhiều hơn để thực hiện Phong trào. Tuy nhiên, kết quả đạt được - danh hiệu lại không gắn với những lợi ích thực tiễn, sát sườn. Dù biết đích của Phong trào là vì sự phát triển bền vững của DN, vì lợi ích của người lao động nhưng chỉ điều này, e không đủ để DN chủ động, tích cực với Phong trào.
Ông Nguyễn Ngọc Anh thẳng thắn bày tỏ: “Để chủ trương lớn này của Đảng và Nhà nước thực hiện thật sự hiệu quả, theo tôi, một trong những giải pháp căn cơ là Trung ương cần nghiên cứu kỹ mối quan hệ giữa xây dựng DN đạt chuẩn văn hóa với đánh giá các tiêu chí thi đua khác, để cụ thể hóa, tăng giá trị, vị thế của đơn vị đạt danh hiệu. Một DN đạt danh hiệu, bảo lưu danh hiệu qua nhiều năm liền đồng nghĩa DN đó uy tín, có nội lực, tiềm năng, hoạt động hiệu quả, chăm lo tốt đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người lao động…, họ phải được ưu đãi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tôi cho rằng, thời này DN không đặt nặng thành tích, nhất là khi đó là danh hiệu của một phong trào, nếu không đi kèm với những quyền lợi thiết thực và chính đáng, trong bối cảnh nhiều DN lớn trong tỉnh chuyển sang cổ phần hóa, DN nhỏ và vừa thì hạn chế về nguồn lực thì rất khó để vận động, khuyến khích DN tham gia phong trào”.
SAO LY