Từ tận đáy của lòng chân thành
Trên con đường làng cát trắng bên bờ sông Lại Giang quê hương tôi, vẫn còn đó những vết chân tròn đi về hôm sớm. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Người về từ chiến trường năm xưa bây giờ ai cũng tóc ngả màu bạc. Mọi thứ rồi cũng đổi thay. Chỉ có những vết chân tròn là vẫn còn nguyên vẹn đó, vẫn đi cùng người qua những tháng năm, như là chứng tích của một thời lửa đạn…
Chiến tranh qua đi, quê hương hòa bình trở lại. Những người lính năm xưa lặng lẽ trở về giữa cuộc sống thường ngày, với một phần cơ thể không còn lành lặn. Họ không cần xướng danh ca tụng, họ trở về bình dị khiêm nhường, như những người điềm nhiên làm xong một việc nghĩa như nước sông Lại hiền hòa, xanh biếc quanh năm.
Dưới bóng dừa, cạnh dòng sông quê êm đềm, tôi vẫn hay ngồi chuyện trò cùng mẹ Sáu, bác Tư, chú Út. Ở quê tôi những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những chú thương binh, bệnh binh của làng tôi vẫn sống an nhiên, bền bỉ. Nhưng từ ánh mắt thăm thẳm xa ngái của họ, tôi hiểu rằng, cái giá để đổi lấy cuộc sống yên bình hôm nay quá lớn. Và tôi thường tự hỏi, công ơn của lớp lớp người người ngã xuống, hy sinh máu xương cho dân tộc có thể lấy gì để đáp đền cho tròn?
Thế hệ chúng tôi lớn lên giữa hòa bình. Chúng tôi không trực tiếp chứng kiến chiến tranh khắc nghiệt, chúng tôi thiếu trải nghiệm nên không thể cảm nhận hết nỗi đau đớn từ thể xác đến tâm hồn của những người trở về từ chiến tranh. Dẫu vậy, việc chúng ta đã và đang làm hy vọng có thể làm vơi bớt phần nào những mất mát của họ.
Trên quê hương ta, truyền thống uống nước nhớ nguồn luôn được đề cao, tôi thấy vui khi được góp phần vào những hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Quét dọn nghĩa trang, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, xây nhà tình nghĩa, nhận chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ các thương bệnh binh, trẻ em nhiễm chất độc màu da cam,… những việc làm ấy chẳng đáng là bao so với sự hy sinh của cả một thế hệ. Nhưng tôi tin rằng, những nghĩa cử ấy sẽ làm ấm lòng các mẹ, các chú, các anh. Và bởi bên những vết chân tròn nhẫn nại ấy, có cả vết chân vẹn nguyên hình hài của tất cả chúng tôi, nên những đáp đền hôm nay không phải chỉ vài ba tháng, năm bảy năm mà phải là thế hệ này nối tiếp thế hệ kia.
Tham gia nhiều hoạt động, tôi luôn tự hỏi rằng, chúng ta phải làm thêm những gì để máu xương của những người nằm xuống không bao giờ là vô nghĩa. Tôi chợt hiểu rằng, đền ơn đáp nghĩa đâu chỉ có Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 hằng năm, đâu chỉ có số tiền trợ cấp hằng tháng, đâu phải đợi đến lúc ốm đau tang ma, đâu chỉ là việc của đoàn thể. Ơn nghĩa không thể đo bằng vật chất! Đền ơn là giúp làm nhẹ đi sự nặng nhọc của những vết chân tròn, là lau khô những giọt nước mắt, là xoa dịu những cơn đau, làm vơi đi những ánh mắt buồn bằng những nụ cười tươi mới… Và hơn hết là sự biết ơn ấy phải bắt nguồn từ tận đáy của lòng chân thành trong mỗi chúng ta.
PHẠM TUẤN VŨ