Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật: Chuyển động tích cực
Những khiếm khuyết trên cơ thể khiến người khuyết tật (NKT) gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Thiếu kiến thức, hiểu biết pháp luật cộng với hạn chế năng lực bản thân làm cho nhiều người chưa được đảm bảo quyền lợi ngay cả ở mức tối thiểu.
NKT cần được TGPL để tăng hiểu biết pháp luật, đảm bảo quyền lợi theo quy định.
- Trong ảnh: NKT huyện Tây Sơn được thăm khám để cấp dụng cụ hỗ trợ.
Thực trạng đó là động lực để Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước (thuộc Sở Tư pháp) tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức và kỹ năng TGPL về chính sách NKT cho người thực hiện TGPL và thành viên ban chủ nhiệm các câu lạc bộ TGPL trên địa bàn tỉnh.
Nhiều rào cản
Trực thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, Chi hội Nguyễn Nga là nơi tập hợp được khá đông đảo NKT ở nhiều dạng và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người chật vật khi tìm đến “mái nhà chung” này. Chi hội trưởng Nguyễn Thị Thanh Nga chia sẻ rằng, chị vẫn luôn ray rứt vì vẫn chưa thể đón nhận một bạn gái khiếm thị về với Chi hội.
Cô gái (đề nghị được giấu tên) năm nay 18 tuổi, từ nhỏ đã không được nhìn thấy ánh sáng cuộc đời. Cha mẹ không muốn con gái ra khỏi nhà, không muốn ai trông thấy đứa con khuyết tật của mình. Tù túng ở nhà mãi, đến năm 16 tuổi, cô gọi điện cho chị Nga, bày tỏ hy vọng được vào Quy Nhơn học nghề, tự nuôi sống bản thân. Ngặt nỗi, dù cả nhà đã cố sức thuyết phục, nhưng người cha vẫn nhất quyết nói không. Ông cũng thẳng thừng ngăn cấm chuyện làm chứng minh nhân dân cho con gái. “Hai năm ròng rã, mỗi lần ai đem chuyện đó ra bàn, cha lại nổi giận. Nên em vẫn chỉ quanh quẩn ở nhà thôi”, cô buồn rười rượi nói.
Đó không chỉ là trường hợp cá biệt. Chị Nga kể, có một người đi xe lăn, chỉ còn một mắt đến Chi hội Nguyễn Nga học nghề. Ở quê đồn người này có “công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá lắm”. Chính quyền xã đành đoạn cắt chế độ trợ cấp hằng tháng của Nhà nước dành cho NKT. Biết chuyện, chị phải nhờ người quen đứng ra thu xếp mới đòi lại được quyền lợi chính đáng cho anh. “Nhiều người không biết mình được quyền gì. Khi nắm được thông tin thì cũng chẳng biết nhờ cậy ai để đòi lại thứ mà mình đáng được hưởng”, chị Nga cho hay.
Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước Huỳnh Văn Chưa cũng cho rằng, việc tiếp cận pháp luật của NKT còn rất nhiều hạn chế. NKT đi lại khó khăn, thêm vào đó là mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân nên ngại tìm đến nguồn thông tin và sự giúp đỡ. Trung bình mỗi năm, Trung tâm thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 5-7 NKT tại tòa án các cấp - một con số khiêm tốn!
Nỗ lực lấp khoảng trống
Năm 2016, cùng với sự chủ động của các hội đặc thù, Trung tâm TGPL nhà nước đã thực hiện TGPL miễn phí 2 lần cho Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, 1 lần cho Hội Người mù tỉnh. Ông Chưa khẳng định, các hoạt động này thật sự hữu ích, thể hiện rõ quan điểm “đưa TGPL đến với người dân, chứ không để họ tìm đến TGPL”.
Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL nhà nước cũng chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ thực hiện TGPL và thành viên ban chủ nhiệm các câu lạc bộ TGPL trong vấn đề phổ biến, thực thi các chính sách, pháp luật liên quan đến NKT. Tại hội nghị tập huấn được tổ chức ngày 7.7, nội dung được chú trọng là những điểm mới của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Đất đai năm 2013. Đáng chú ý là chuyên đề xác định mức độ khuyết tật và chính sách pháp luật cho NKT được Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước Nguyễn Quốc Khánh trực tiếp trình bày. Nhiều thông tin quan trọng được nhấn mạnh, như trình tự, thủ tục và thẩm quyền xác định mức độ khuyết tật, cùng các chính sách cụ thể dành cho NKT.
Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nguyễn Hùng Thanh cho rằng, hoạt động tập huấn này rất bổ ích với nhiều thông tin thiết thực, đặc biệt là các quyền lợi NKT được hưởng theo quy định của pháp luật. Thường xuyên tham gia TGPL cùng Trung tâm TGPL nhà nước ở các vùng sâu, vùng xa, ông Thanh nhận định: “NKT nói chung, người mù nói riêng rất cần được TGPL, bởi họ gặp khó ngay cả với những quyền lợi tối thiểu như được khai sinh, cấp thẻ NKT. Nhiều người đã lớn tuổi vẫn chưa có giấy khai sinh mà chẳng biết kêu ai. Vì thế, vai trò của những người TGPL còn rất nặng nề, chúng tôi cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đưa chính sách, pháp luật đến với NKT, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho họ”.
NGUYỄN VĂN TRANG