Hãy chăm sóc mình
Con người không thể tự cô lập, tước bỏ mọi mối quan hệ. Nhưng cái quan trọng nhất là tìm về chính mình, không đánh mất bản thể. Tinh thần ấy trong cuốn tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ” được Shin Kyung Sook lột tả dưới nhiều khía cạnh: quan hệ gia đình, phong tục tập quán, đức tin tôn giáo... Mà con người càng lớn càng có dấu hiệu “li tâm” quá rõ rệt. Rồi đến một ngày “Cuộc sống ở trên thành phố đầy áp lực, mỗi khi tuyệt vọng người đầu tiên cô nghĩ đến là mẹ”.
Cuốn truyện mở đầu bằng tình huống: lạc mất mẹ. Đó chỉ là cái cớ để cho các nhân vật cảm được thật ra mình đang lạc mất mình, lạc mất thế giới tinh
thần đang ẩn sâu trong chính con người mình. Người mẹ mất tích đã mở ra một thế giới hình ảnh về mẹ, thế giới ấy gắn liền với quá khứ của
mỗi người. Hình ảnh cô con gái không ngừng tìm kiếm mẹ chỉ tượng trưng cho việc nhân vật không ngừng nỗ lực tìm kiếm lại sự cứu chuộc tâm hồn, tìm lại sự che chở cho chính mình.
Cuốn truyện khép lại khi nhân vật không thể tìm được mẹ bên ngoài, nhưng lại tìm được mẹ bên trong - “thiêng đường đã mất” ở ngay trong chính bản thân mình. Đồng nghĩa với cứu chuộc được chính mình. Nhưng sự đời luôn trôi chảy, tìm lại đã khó nhưng giữ cho nó sống mãi lại càng khó, bởi thế nên khi kết truyện nữ văn sĩ mới hạ một câu như là lời nhắn nhủ về thế giới tinh thần của con người: Hãy chăm sóc mẹ. Thật ra nhà văn muốn nói: Hãy chăm sóc mình!
Ấy là hằng số mang giá trị nhân văn. Mẹ ở trong mình, nơi nơi, ngày ngày, mãi mãi. Chăm sóc mình không phải là vị kỷ. Biết thương thân mình - tiền đề cần có để thương người khác, thương mọi người. Đó là ý thức thân phận, tự ngã - động lực trong hai tiếng gọi “Mẹ ơi”. Gọi mẹ, chính là gọi dậy bản thể đời mình.
NGUYỄN ÐẶNG THÙY TRANG