Có phải vậy không em! - Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH ÁI
1. Em thích biển. Biển với sóng. Cồn cào và tĩnh lặng. Ðắm say và tha thiết... “Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về”... Giai điệu vang lên từ chiếc radio cũ dẫu rọt rọt rẹt rẹt vẫn đủ ru em vào nhịp sóng thở...
Mấy tháng trước, em nhớ… Không đêm nào em không úp mặt vào gối khóc. Sáng, lũ bạn lại thấy mắt em như cái trứng gà, sưng húp. Em lẳng lặng đến lớp, vào chỗ ngồi của mình và yên vị cho đến hết tiết học. Về lại lủi thủi, cũng một mình. Không đứa bạn nào của em biết em vướng chuyện gì. Cũng không đứa nào hỏi, chỉ vỗ vỗ lưng, khoác vai an ủi, vì nghĩ thôi thì mọi chuyện rồi cũng qua. Cũng từ đó em có thói quen lang thang dọc bờ biển, nằm dưới gốc dừa và nghe nhạc Trịnh, cái loại nhạc mà người ta nói là “cổ” và “già”... cùng với “một người lạ”!
Thời gian gần đây, bố em làm ăn thua lỗ, mọi thứ trong nhà cứ lần lượt ra đi. Căn nhà cũng suýt bị cầm bán làm bố mẹ suy sụp rất nhiều. Em thương bố mẹ lắm. Em hiểu hoàn cảnh gia đình mình. Làm thêm, cái ý nghĩ ấy vụt sáng trong đầu em nhưng chợt tan như chưa hề tồn tại. Với bàn tay tật nguyền này, em không làm gì được nhiều. Sức vóc của em suy sụp hẳn sau tai nạn năm ấy. Em nghẹn ngào. Em ức lắm. Em dằn vặt về cái sự vô tích sự của em.
- Khốn nạn! Sao ông trời trêu tôi mãi thế!-Em gào lên bất lực trong tiếng nấc hàng đêm...
Ðầu óc em suốt ngày suy nghĩ lung tung những điều u ám. Bữa cơm gia đình, với em, bây giờ buồn và nhạt. Bố mẹ không nói với nhau lời nào trong suốt những bữa ăn. Mẹ em cũng thôi không còn âu yếm em như trước. Em biết, mẹ đang lo cho bố. Sau vụ làm ăn bất thành, bố rạc người. Ðôi mắt ông cụp xuống, sâu hõm vì mệt mỏi. Chưa ngày nào ông ngã lưng trước mười hai giờ khuya, bên đống giấy tờ lộn xộn. Em thấy cổ em thắt nghẹn lại khi vai bố em run lên từng hồi… Bố giấu mọi người, khóc một mình, điều mà nó chưa từng thấy. Em buồn và sợ. Sợ cái mùi u ám “nặng trịch” đang vây lấy nhà em. Và cả ngôi nhà vốn thân thuộc, ấm áp này, dường như cũng đang bệnh...
2. Ở trường, thầy cô bắt đầu chú ý bộ mặt thảm não của nó. Một sự lạ lùng đến phải lo âu. Vài thầy cô quan tâm nó, hỏi han nhưng nó cũng chỉ ậm ừ lắc đầu, rồi lại thôi... Chắc có lẽ đến cả việc nói nó cũng không nói nổi...
Nhưng thật kỳ diệu! Một buổi chiều nhạt nắng, khi nó đang ủ rũ ở ghế đá thì một bàn tay đặt lên vai nó. Một cây kẹo mút được dúi vào tay nó. Nó ngạc nhiên nhưng cũng chẳng buồn ngước nhìn “kẻ quấy rầy”.
- Sao đó cô bạn nhỏ?- Một giọng nói trầm trầm vang lên làm nó giật mình. Là Nguyên! Cậu bạn học kín tiếng cùng lớp!
- Ði dạo với mình nhé! Một chút thôi…- Cậu ta cười dịu dàng và kéo nó đi...
Biển đã ở trước mặt. Phẳng lặng và dập dìu sóng. Những cơn gió nồng ấm làm nó dễ thở hơn một chút. Vừa đi dọc bờ cát, hắn vừa kể, kể về biển, về sóng, về những con cá tươi bố hắn đánh bắt được. Bố Nguyên làm nghề chài lưới. Như là đứa con của biển, da thịt ông ấy thấm vị muối, vị gió và rám mùi nắng.
- Bố mình rất dẻo. Dẻo và dai như những sợi chão để đủ sức lượn trên những đợt sóng dữ để ra khơi xa và vào bờ an toàn. Nhưng lại rất thẳng tính, rất lành và hiền...- Giọng Nguyên âm ấm - Mình nghĩ mọi ông bố đều thế cả, chỉ khác nhau ở vẻ biểu hiện thôi! Bố mình bảo, tất cả rồi cũng sẽ qua! Niềm vui, hạnh phúc, nỗi buồn, sự thất vọng, kể cả những nỗi đau đớn tưởng chừng khiến người ta nát tan ra thành từng mảnh nhỏ. Tất cả rồi cũng sẽ qua, điều cần có là ta phải dẻo dai và thẳng lưng mà sống! Bố mình nói thế và mình cho như thế là đúng!
Cái câu chuyện không đầu không đuôi hắn kể làm nó thích... Nó lắng nghe, khi chăm chú, khi say sưa... Và trong một khoảnh khắc nó vô tình quên đi mọi sự phiền muộn đang đè lên tim nó bấy lâu nay... Nguyên vẫn kể, kể rất nhiều và hăng hái, tưởng chừng như lời một bài hát mà nhịp phách không thể ngừng. Giống như một câu chuyện dài, một góc tiểu thuyết mà tụi bạn vẫn hay kể nó nghe. “Một chuỗi dài của sóng” len lỏi vào mọi ngóc ngách ý nghĩ của nó, làm sợi dây thần kinh nó chùng lại. Nó bỗng thấy tim mình xao động trước sóng. Bất chợt, nó đưa tay tóm lấy bọt sóng bạc đầu. Bọt vỡ tan, chảy khỏi tay nó. Mát quá! Thích thật!...
Nguyên và nó đi rất xa. Nguyên chỉ cho nó bắt còng. Những con còng be bé mà lanh lẹ thật. Nó hồ hởi. Tay nó xộc tìm hang còng và run lên khe khẽ khi bắt được một chú còng tí tẹo, vàng vọt, ngọ ngoạy trong lòng tay. Nó lại thả chúng đi và hồn nhiên reo lên khi nhìn con còng chạy như cỗ máy nhỏ trên mặt cát.
- Nhanh ghê luôn đó!- Nó cười, nói với Nguyên, mắt nó ánh lên những tia sáng trong lành.
- Cười rồi kìa!- Nguyên reo lên.
Ði mỏi, Nguyên lại dắt nó lên bãi cỏ xanh, nơi có những cây dừa hiền lành tỏa bóng mát. Nó thở nhẹ, ngả lưng vào gốc dừa. Còn Nguyên, cậu ta bung tay bung chân trên cỏ mướt. Nguyên khẽ nhẩm một giai điệu, nhỏ, nhưng đủ để nó nghe thấy. Những ca từ xa lạ, nó chưa nghe bao giờ. Nó nhắm mắt lại và tiếp tục nghe lời “biển hát”...
Giờ là nhạc Trịnh. Nguyên giới thiệu với nó và bài hát đấy là “Biển nhớ”. Nó thấy hay. Nhưng nó cũng thấy lạ lẫm. Trước giờ nó cũng nghe nhạc Trịnh nhưng chưa khi nào nó nghĩ đến những giai điệu da diết thế này. Cũng chưa ai trải những biểu cảm của ca khúc lên cát và chỉ cho nó thấy một cách đơn giản như thế. Nó vừa dõi theo những vạch loằng ngoằng trên cát, vừa ngoan ngoãn chăm chú nghe...
3. Tim nó đã vui trở lại. Nó chia sẻ chuyện của mình với Nguyên, như một người bạn lâu năm. Và Nguyên đã “quẹt một que diêm” lóe lên trong đầu nó, một thứ ánh sáng bùng cháy, nhỏ nhoi mà chói rực. Nó hiểu và nó tỉnh ra. Nó biết phải làm gì... Trời chập choạng tối. Nó tạm biệt người bạn “không quen” và chạy ù về nhà.
Nó không còn úp mặt vào gối nữa... Nụ cười, niềm tin, sự chân thành từ Nguyên đã giúp nó. Bằng nỗ lực của đôi tay chăm việc nhà và cách dấn tới trong những câu chuyện mà nó cố khơi gợi, nó khơi lại nét bình yên trong mắt mẹ, sự mạnh mẽ trong suy nghĩ của bố. Rồi thì cuối cùng bố mẹ nó cũng trò chuyện lại với nhau, bố nó lại cười. Nụ cười tươi như ngói mới giữa khung trời xám xịt của một ngày mưa dầm trái mùa...
Và một thói quen được hình thành... Buổi chiều nó lại ra biển, ngồi dưới gốc dừa với nhạc Trịnh và “người bạn mới”.
“Nửa bóng xuân qua ngập ngừng… Nghe trời gió lộng mà thương...”. Bản nhạc đã dứt nhưng sóng biển lại mở ra trong lòng nó, tiếng vang vọng tới ngút ngàn. Hít một hơi dài, vị biển tràn trong lồng ngực, nó cảm thấy khoan khoái.
Nhìn qua phía tay trái… Ở gốc dừa cạnh nó, Nguyên tựa lưng, duỗi chân, tay lúi húi kết một chùm hoa muống biển. Nó cười...
4. Thật ra, đôi khi chỉ cần ta mở lòng ra, một chút thôi, tình thế sẽ khác. Có phải vậy không em!
N.T.B.A (Lớp SP Ngữ văn K.38, ĐH Quy Nhơn)