Nhiều nguy cơ với cộng đồng khi "lười" tiêm vắcxin cho trẻ nhỏ
Mặc dù được khuyến cáo là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho trẻ nhưng thời gian gần đây, hiện tượng "chống" tiêm vắcxin khá phổ biến trong cộng đồng mạng khiến nhiều phụ huynh lo lắng, băn khoăn.
Tuy nhiên, các chuyên gia, bác sỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm cho rằng đó là việc làm vô căn cứ. Việc không tiêm vắcxin phòng bệnh sẽ gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe của trẻ nhỏ cũng như của cộng đồng.
Trẻ tiêm vắcxin tại Trung tâm y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
80% trẻ nhập viện do bệnh truyền nhiễm chưa được tiêm vắcxin
Được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 10/2016 nhưng đến tháng 7/2017, bé Thái Quốc Huy, 12 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre, vẫn phải nằm ở phòng cấp cứu đặc biệt của khoa Nhiễm-Thần kinh.
Theo các bác sỹ, bé Huy mắc viêm não Nhật Bản và dù đã được điều trị trong thời gian dài nhưng vẫn chưa thể bỏ được máy thở.
"Phụ thuộc vào máy thở kéo dài như thế này, tiên lượng bệnh nhi sẽ bị bội nhiễm dẫn đến tử vong," bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Chị Trần Thị Yến Nga, mẹ của Quốc Huy cho biết bé chưa được tiêm phòng bất cứ loại vắcxin nào và bản thân chị cũng chưa từng nghe nói đến bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là một trong nhiều trường hợp trẻ bị mắc bệnh vì không tiêm phòng vắcxin đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Ngoài viêm não Nhật Bản, các bệnh sởi, thủy đậu, viêm não do não mô cầu, ho gà, uốn ván... là những bệnh truyền nhiễm mà trẻ dễ mắc phải nếu không được tiêm phòng vắcxin đầy đủ. Với kinh nghiệm hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay khoảng 80% trẻ nhập viện do các bệnh truyền nhiễm, điều trị tại khoa, chưa được tiêm phòng vắcxin trước đó.
Nhiều người hẳn chưa quên dịch sởi xảy ra tại miền Bắc năm 2014 đã khiến hàng ngàn trẻ mắc bệnh và hơn 100 trẻ tử vong. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, trong số các bệnh nhân sởi được ghi nhận trên toàn quốc thời điểm đó, có đến 80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng.
Hay mới đây, vào tháng 7/2016, một ổ dịch bạch hầu bùng phát tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, khiến 37 người mắc bệnh và 3 người tử vong. Thực tế ghi nhận, ổ dịch bạch hầu rải qua các độ tuổi từ 4 đến 52.
Theo Phó Giáo sư Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, trong cộng đồng vẫn tồn tại tỷ lệ nhất định những người chưa được tiêm phòng, tích lũy qua các năm, tạo điều kiện cho bệnh bạch hầu tấn công.
Cần tiêm chủng để bảo vệ cho cả cộng đồng
Về lợi ích của vắcxin, bác sỹ Trương Hữu Khanh cho biết trong hơn 30 năm qua, nhờ thực hiện nhiều chương trình lớn về tiêm chủng mà hằng năm số trẻ mắc lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, viêm màng não do Hib... tại Việt Nam liên tục giảm, thậm chí có những dịch bệnh đã được thanh toán hoàn toàn.
Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ năm 1984 cho đến năm 2014, nhờ chương trình tiêm chủng mà trên cả nước số ca mắc ho gà giảm hơn 900 lần, bạch hầu giảm gần 600 lần, sởi hơn 550 lần, uốn ván giảm gần 60 lần. Ước tính Việt Nam đã dự phòng cho 6,7 triệu trẻ em khỏi mắc bệnh và 43.000 trẻ tránh khỏi tử vong do các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi. Chiến dịch tiêm chủng cũng góp phần giảm 2/3 tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990-2015.
Về mặt kinh tế, các chuyên gia cho rằng đầu tư tiêm chủng tiết kiệm nhiều chi phí hơn so với điều trị. Chẳng hạn, chi phí tiêm phòng bệnh sởi chỉ mất 1/23 so với chi phí điều trị sởi. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ để có thể phòng ngừa các loại bệnh tật. “Nếu bây giờ phụ huynh không tiếp vắcxin, không tiếp tục chích ngừa cho trẻ thì dịch bệnh chắc chắn sẽ quay lại và cái giá phải trả là sinh mạng của nhiều trẻ. Chống vắcxin là có tội với sức khỏe của cộng đồng, có tội với sức khỏe của nhân dân”, bác sỹ Trương Hữu Khanh khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Phan Trọng Lân cho rằng khi phụ huynh do dự, không tiêm phòng cho con là bỏ qua mất thời điểm phòng bệnh tốt nhất cho con mình. Đồng thời, việc chống lại vắcxin, không tiêm vắcxin không những ảnh hưởng đến đứa trẻ đó, gia đình đó mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cả cộng đồng vì bệnh sẽ lây lan cho cộng đồng.
"Trong nhiều năm qua, hệ thống tiêm chủng của Nhà nước đã rất nỗ lực để đưa tỷ lệ tiêm chủng lên cao không phải nhằm bảo vệ cho một vài cá thể mà để bảo vệ cho cả cộng đồng," Phó giáo sư Phan Trọng Lân phân tích. Do vậy theo ông Lân, xã hội càng làm tốt công tác tiêm chủng vắcxin phòng bệnh bao nhiêu thì dịch bệnh càng giảm xuống ở ngưỡng thấp bấy nhiêu. Nếu không thực hiện tiêm chủng thì dịch bệnh sẽ trở lại và bùng phát rất nhanh bởi việc giao lưu, đi lại hiện nay rất phổ biến.
Trước những ý kiến trái chiều về vắcxin, bác sỹ Trương Hữu Khanh cho rằng trước khi được đưa ra thị trường, tất cả các vắcxin đều trải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và được kiểm định rất chặt chẽ bởi Hội đồng khoa học, Hội đồng y đức, do vậy tính an toàn rất cao. Các loại vắcxin đã sử dụng trong thời gian dài thì độ an toàn càng được kiểm định chắc chắn và cho đến nay trên thế giới chưa ghi nhận những ảnh hưởng của vắcxin đối với trẻ. Tuy nhiên, bác sỹ Khanh cho biết, việc tiêm vắcxin cũng có một số phản ứng không mong muốn mang tính cá thể, tính cơ địa.
"Một vài cá thể, một vài cơ địa có phản ứng không mong muốn với vắcxin nhưng không phổ biến và cũng chưa ghi nhận hậu quả nào nghiêm trọng," bác sỹ Khanh khẳng định.
Bác sỹ Trương Hữu Khanh khuyên tất cả các phụ huynh hãy là những ông bố, bà mẹ thông thái, cần tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến những bác sỹ có chuyên môn, có tâm huyết trước khi tiêm phòng bởi việc tiêm các loại vắcxin cũng cần thứ tự ưu tiên mới phát huy hiệu quả tốt nhất và tiết kiệm chi phí.
Theo ĐINH HẰNG (TTXVN/Vietnam+)