Công tác giám sát trong Ðảng: Mở rộng nội dung, chủ thể và đối tượng giám sát
Kể từ Ðại hội Ðảng lần thứ X (NK 2005-2010) đến nay, ngoài chức năng kiểm tra, Ðiều lệ Ðảng bổ sung thêm chức năng giám sát của tổ chức đảng và UBKT các cấp. Theo đó, Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát trong Ðảng, kèm theo Quyết định số 68-QÐ/TW, ngày 21.3.2012 (gọi tắt là QC 68). Mới đây, ngày 1.6.2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định 86-QÐ/TW (gọi tắt là QÐ 86) thay thế QC 68 nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát trong Ðảng trong đó mở rộng nội dung, chủ thể và đối tượng giám sát.
UBKT các địa phương ký kết nội dung thi đua năm 2017. Ảnh: VĂN LƯU
Nội dung, chủ thể và đối tượng giám sát được mở rộng
Nhìn chung, QĐ 86 kế thừa hầu hết những nội dung cơ bản của QC 68; tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số nhóm nội dung mới hoàn toàn hoặc đã được sửa đổi, bổ sung đáng được quan tâm trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện.
QĐ 86 có 17 điều, nhiều hơn 1 điều so với QC 68. Trong đó Điều 8 quy định 7 nội dung lãnh đạo công tác giám sát. Theo đó, các cấp ủy phải: Triển khai, quán triệt Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận, hướng dẫn về công tác giám sát; xây dựng và chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cùng cấp và cấp ủy cấp dưới xây dựng phương hướng, nhiệm vụ; phân công cấp ủy viên, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp thực hiện công tác giám sát…
Nội dung, chủ thể và đối tượng giám sát được mở rộng và cụ thể hóa hơn. Ngoài kế thừa toàn bộ những thành tố cơ bản của QC 68 trước đây như: phạm vi, mục đích, nguyên tắc, chế độ, chủ thể, đối tượng, nội dung, phương pháp, hình thức và xử lý kết quả giám sát, QĐ 86 còn bổ sung 2 nội dung là tuyên truyền việc thực hiện và kiểm tra, tổ chức sơ kết, tổng kết công tác giám sát.
Việc giám sát đối với tổ chức đảng theo Điều 9, QĐ 86 được mở rộng và cụ thể hóa thêm 6 nội dung, cụ thể như: Giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí; việc quản lý, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp; việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và công tác bảo vệ đảng; việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, đề bạt, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; việc lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Điểm mới liên quan đến việc mở rộng diện chủ thể và đối tượng giám sát, ban thường vụ đảng ủy cơ sở cũng được xác định là chủ thể giám sát thay cho QC 68 trước đây chỉ quy định từ cấp đảng ủy cơ sở trở lên. Về đối tượng, thay cho việc giới hạn từ chi bộ trở lên, QĐ 86 mở rộng thêm chi ủy chi bộ trở lên thuộc đối tượng giám sát. Đối với các chức danh bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ thuộc cấp ủy cùng cấp, QĐ 86 tiếp tục đưa vào diện đối tượng giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp như QC 68.
Như vậy, theo quy định mới, ban thường vụ đảng ủy cơ sở vừa là chủ thể, vừa là đối tượng giám sát của các cấp ủy. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ban thường vụ đảng ủy cơ sở được thừa nhận như một tổ chức đảng hoàn chỉnh; chi ủy chi bộ được bổ sung là đối tượng giám sát.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát
Vấn đề giám sát đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) được bổ sung thêm nội dung giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao thay cho quy định trước đây, chủ thể chỉ có quyền giám sát nhiệm vụ đảng viên.
Trong thực tế, qua công tác kiểm tra, giám sát ở Đảng bộ huyện Hoài Nhơn, cho thấy nhiều tổ chức chưa làm tốt công tác giám sát thường xuyên; không xây dựng kế hoạch phân công giám sát đảng viên; hoặc có tổ chức thực hiện nhưng không đưa cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý vào diện đối tượng giám sát thường xuyên của chi bộ.
Riêng về nội dung, thẩm quyền của UBKT các cấp được bổ sung quy định mới hoàn toàn, được quyền giám sát việc ban hành văn bản có dấu hiệu trái với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Như vậy, QĐ 86 của Bộ Chính trị và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, thẩm quyền giám sát việc ban hành văn bản trái quy định của đảng và pháp luật của nhà nước được giao cho cùng lúc cả hai hệ thống cơ quan thực hiện; trong Đảng có UBKT các cấp, Nhà nước có hệ thống cơ quan dân cử là Quốc hội, HĐND, thường trực HĐND, các ban của HĐND và đại biểu HĐND các cấp. Tuy nhiên, chỉ khác nhau về xử lý kết quả giám sát: UBKT giám sát, ngoài việc kiến nghị yêu cầu bãi bỏ văn bản trái pháp luật, thì sử dụng kết quả giám sát phục vụ cho việc đánh giá, nhận xét tổ chức đảng; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý kỷ luật. Còn HĐND các cấp thì kiến nghị hoặc ra nghị quyết bãi bỏ văn bản trái pháp luật.
Có thể nói, QĐ 86 đã mở ra một hướng mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát; mở rộng nội dung, chủ thể và đối tượng giám sát; tăng nội dung, thẩm quyền giám sát đối với UBKT các cấp cho phù hợp với Điều lệ Đảng khóa XII, Quy định 30-QĐ/TW và tình hình thực tiễn hiện nay.
PHẠM DÂN