Khai thác đá tại khu vực Núi Bà (huyện Phù Cát): “Núi thiêng bật khóc”
Báo Bình Ðịnh số ra ngày 6.7 đăng bài viết “Hoạt động khai thác đá tại khu vực Núi Bà (huyện Phù Cát): Ảnh hưởng dân sinh, đe dọa di tích”. Ngay sau khi báo đăng, một số bạn đọc cũng tỏ ra quan ngại hoạt động khai thác đá làm ảnh hưởng đến cảnh quan của dãy núi nổi tiếng đã đi vào lịch sử và truyền thuyết của Bình Ðịnh; xâm hại đến những di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Báo Bình Ðịnh xin trích đăng bài viết của nhà văn Trần Thị Huyền Trang về vấn đề này.
Hiện trạng Núi Bà nham nhở sau khi bị “xẻ thịt”.
Núi Bà thuộc sơn mạch của Trường Sơn tráng lệ, trên đường Bắc - Nam tự dưng động lòng nhớ biển, bứt ra một nhánh phăng phăng chạy về Đông, để lại một dải hùng sơn trên đất Bình Định và trở thành vùng sinh trưởng của muôn loài sơn cầm dã thú. Ở đây có trăn da báo, rắn trắng mồng đỏ, cọp tàu cau, chồn hương... nhưng hiện giờ nhiều loài đã biệt bóng.
Đầu thế kỷ XXI, người dân nơi đây vẫn còn giữ trong tâm thức những truyền thuyết thú vị về các sơn thần quyền năng. Cứ mỗi độ 13 tháng Giêng, dân Phù Cát hội tụ về thôn An Đức (xã Cát Trinh) làm lễ Mở mắt rừng, rồi sơn dân mới được vào núi chăn dê, hái quả, kiếm củi.
Ở khu vực dưới hang Chàng Lía, năm 2006 hãy còn một thạch trận gồm hàng trăm tảng đá mồ côi, theo truyền thuyết, thì ngày xưa chàng Lía gánh đá từ Núi Một xuống bày trận để ngăn quan quân nhà Nguyễn đột nhập. Chẳng may bị đứt quang gánh, một hòn văng ra án ngữ gần xóm Gò Quy, Lía chạy tới vác hòn đá lên, dậm mạnh xuống đất lấy thế, đến nay vẫn còn một trảng đất hình dấu chân người.
Núi Bà có 22 di tích lịch sử cách mạng, là hang động mà bộ đội và dân kháng chiến lập căn cứ địa, đã được xếp hạng cấp quốc gia. Một hang Cách mạng gần Hố Giông mà nơi đây - theo lời chị Phó Chủ tịch HĐND huyện Phù Cát - thì cha chị và nhiều liệt sĩ khác đã hy sinh, hiện đã bị sập. Hang này và hang Chàng Lía đã quen thuộc trong tâm thức người dân bao đời, giờ đây trước nguy cơ mất dấu.
Theo ngành Văn hóa, bởi cho đến nay các hang này chưa được xếp hạng nên không thể nói là di tích bị xâm hại. Tuy nhiên, đối với một nơi đã là địa linh minh sử, đã thành di tích trong lòng người, thì việc xếp hạng chỉ là vấn đề thủ tục; đối với những người đã từng có thời trực tiếp gắn bó với nơi này hoặc có người thân đã từng sống, chiến đấu và hy sinh tại đây thì việc đang mất dần những di tích ấy quả là một điều gì đó khó chấp nhận.
Các công trường khai thác đá ở các xã Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Trinh vẫn đang tiếp tục xẻ Núi Bà. Đã có những dãy núi mất chân. Đã có những dãy núi bị vạt tận xương sống. Và các chú, các cô, các anh chị vĩnh viễn nằm lại trong các hang đá, thịt xương đã tan hòa trong núi, có đau không, Núi Bà ơi?
“1. Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm:
a) Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích;
b) Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I.
....
3. Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó... Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.
Trích Ðiều 32 Luật Di sản văn hóa năm 2009 (sửa đổi, bổ sung)
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG