Nô lệ công nghệ
Không thể phủ nhận sự tiện lợi của công nghệ di động trong thời đại số hóa khi mà cả thế giới đang trong kỷ nguyên của hàng loạt phát minh ra điện thoại di động (ĐTDĐ) hay máy tính bảng... Các nhà sản xuất luôn tìm tới những cái mới, lạ, độc tung ra thị trường nhằm lôi cuốn khách hàng đến với sản phẩm của mình. Tuy nhiên, cũng vì lạm dụng điện thoại quá nhiều trong cuộc sống, nên nhiều người trở nên xa lạ với xã hội thực, mà chỉ sống trong thế giới ảo.
Không khó để bắt gặp những hình ảnh học sinh, sinh viên chăm chú vào ĐTDĐ đến quên không gian, thời gian. Nếu như ngày trước, vào giờ ra chơi, các bạn túm tụm lại để ôn bài, trò chuyện rôm rả thì bây giờ mỗi người có một chiếc ĐTDĐ trên tay để chơi game, chat, xem phim, nghe nhạc… Cần trao đổi, chỉ việc nhắn tin qua Zalo, Facebook,Viber, Yahoo! Messenger…
Trong bữa ăn gia đình, ngày trước còn quây quần chuyện trò thì bây giờ vừa ăn vừa nhìn vào ĐTDĐ như thể nếu buông chiếc điện thoại ra thì bữa ăn sẽ mất ngon hoặc điện thoại lạc mất. Chẳng ai nói với ai câu nào, cứ như người xa lạ ngồi chung một bàn trong quán ăn bên đường. Đi uống trà, cà phê với nhau, mỗi người cũng một cái điện thoại. Chỉ tội cho người già - quá lạc hậu để sử dụng ĐTDĐ thông minh, đi uống cà phê với con cháu nhưng chẳng biết nói chuyện với ai, ngay cả đứa cháu 3 tuổi cũng được phát cho một máy tính bảng để ngồi yên.
Còn trong lĩnh vực văn nghệ giải trí, các nghệ sĩ cứ vô tư cầm ĐTDĐ trên tay (toàn là hàng đắt tiền) không hiểu là sợ buông thõng tay sẽ lóng ngóng, ngại ngùng, hay là đang khoe của? Thậm chí, ngay cả nhiều chương trình truyền hình trực tiếp, có vài vị giám khảo cứ cúi xuống bàn nhìn vào điện thoại của mình, không mấy chú tâm đến màn trình diễn của thí sinh.
Sử dụng ĐTDĐ là quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Nhưng mong rằng, tất cả chúng ta hãy có ý thức để mình ít bị lệ thuộc vào thế giới ảo, và dành chút ít thời gian cho bạn bè, người thân và đặc biệt là gia đình ở thế giới thực, chứ không phải là trong thế giới của Facebook, Zalo hay Twitter.
ÐẶNG TRUNG CÔNG